Chỗ dựa tinh thần của bộ đội

.

Là đơn vị thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, đặc biệt là huấn luyện chiến sĩ mới, nên Đảng ủy - Ban Chỉ huy Trung đoàn 971 (Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố) thường xuyên chú trọng, quan tâm đến đời sống tinh thần và tình hình tư tưởng của bộ đội.

Một buổi sinh hoạt của Tổ tư vấn tâm lý - pháp lý quân nhân của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 971. Ảnh: A.Đ
Một buổi sinh hoạt của Tổ tư vấn tâm lý - pháp lý quân nhân của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 971. Ảnh: A.Đ

Ra đời từ năm 2012, mô hình “Tổ tư vấn tâm lý - pháp lý quân nhân” thực sự là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động, giữ vững tình hình chấp hành pháp luật, kỷ luật tại đơn vị. Dự buổi sinh hoạt dân chủ tại Tiểu đoàn 1, chúng tôi thật sự ngạc nhiên về không khí cởi mở, sôi nổi, thân tình giữa cán bộ và chiến sĩ, giữa chiến sĩ và chiến sĩ với nhau.

Sau khi giải đáp các ý kiến, thắc mắc của bộ đội về đời sống sinh hoạt, công tác thường ngày, đơn vị tiếp tục tiến hành “Giờ pháp luật”. Đây là dịp để cán bộ, chiến sĩ đơn vị đặt ra những câu hỏi liên quan đến pháp luật, kỷ luật quân đội cho Tổ tư vấn tâm lý - pháp lý quân nhân. Có chiến sĩ hỏi về vấn đề chi trả phụ cấp, chế độ phép của hạ sĩ quan - binh sĩ; cũng có chiến sĩ thắc mắc về các quy định trong Luật Nghĩa vụ quân sự…

Tất cả đều được thành viên tổ tư vấn giải thích rõ ràng, chính xác dựa trên các văn bản pháp luật, các chỉ thị, quy định của cấp trên. Các kiến thức trao đổi của tổ tư vấn rất thẳng thắn, dễ hiểu, tạo tâm lý thoải mái cho những người đặt câu hỏi.

Các thành viên của tổ tư vấn đều là cán bộ công tác tại đơn vị, được cán bộ, chiến sĩ lựa chọn nên thuận lợi cho quá trình nắm bắt tâm lý, tư tưởng của bộ đội. Khi cán bộ, chiến sĩ gặp vướng mắc về pháp luật có thể gặp trực tiếp thành viên của tổ hoặc thông qua hòm thư để được tư vấn, giải thích.

Ban đầu, các chiến sĩ trẻ vừa chập chững bước chân vào môi trường quân ngũ còn ngại ngùng khi muốn chia sẻ suy nghĩ của mình. Nhưng với phương châm “Gần gũi như người anh, người bạn”, các thành viên thông qua sinh hoạt, huấn luyện hằng ngày đã dần tiếp cận, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng người.

Đơn vị tổ chức phân loại chiến sĩ theo hoàn cảnh gia đình, lý lịch, giao cho từng thành viên trong tổ tư vấn thường xuyên quan tâm, động viên các chiến sĩ có hoàn cảnh đặc biệt, kịp thời nắm bắt các biểu hiện về tư tưởng, tình cảm để báo cáo về tổ. Từ đó, tổ sẽ cử người gặp gỡ chiến sĩ và đề ra các phương hướng giải quyết triệt để sự việc, góp phần ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội và quy định tại đơn vị.

Thiếu tá Lê Thanh Sỹ, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 1, thành viên tổ tư vấn của đại đội cho biết: “Vào các mùa huấn luyện chiến sĩ mới, không thiếu các trường hợp tân binh nhớ nhà, bỏ bữa, bỏ các chế độ trong ngày...

Tổ tư vấn chúng tôi đã tìm hiểu các đồng chí cùng tiểu đội và biết được gia đình tân binh có người thân bị bệnh hiểm nghèo hay bản thân chiến sĩ có chuyện khúc mắc với gia đình... Chúng tôi liền xin ý kiến của tiểu đoàn, tổ chức gặp trực tiếp để an ủi, động viên, đồng thời huy động sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, đến tận nhà để thăm hỏi và chia sẻ cùng gia đình, động viên  tân binh an tâm tư tưởng hoàn thành nhiệm vụ”.

Để có thể tư vấn hiệu quả cho chiến sĩ, các thành viên của tổ thường xuyên tham khảo các văn bản pháp luật, chỉ thị cấp trên, theo dõi báo chí để nâng cao kiến thức pháp luật, cập nhật thông tin mới. Những vấn đề phức tạp, tổ điện thoại nhờ Tổng đài 1080, chuyên gia pháp luật, sức khỏe tư vấn thêm rồi mới giải đáp cho chiến sĩ. Thông qua giao ban hằng tuần, tổ báo cáo với Ban Chỉ huy Trung đoàn về tình hình tư tưởng của bộ đội, đề xuất các biện pháp cụ thể, hiệu quả nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho anh em.

Thiếu tá Nguyễn Phú Minh, Chính ủy Trung đoàn 971 cho biết: “Tổ tư vấn tâm lý - pháp lý quân nhân với hình thức hoạt động phong phú đã thực sự là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho bộ đội. Mỗi năm, tổ tiến hành tư vấn cho hàng chục lượt cán bộ, chiến sĩ, cùng với chỉ huy đơn vị động viên những trường hợp có biểu hiện thiếu an tâm tư tưởng, giúp đỡ quân nhân có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bộ đội, nhất là phòng tránh những tác động tiêu cực ngoài xã hội đối với chiến sĩ… Nhờ vậy, tình hình tư tưởng, kỷ luật của bộ đội có chuyển biến tích cực, nội bộ đơn vị đoàn kết, thống nhất, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện mẫu mực tiêu biểu, đảng bộ trong sạch vững mạnh”.

ANH ĐỨC

;
;
.
.
.
.
.