Bằng những hành động nhỏ như thu gom rác thải nhựa, tái chế các sản phẩm từ vải thừa,… các bạn trẻ nhóm Green Đà Nẵng đã chung tay để giảm thiểu tác động của rác thải gây ô nhiễm, góp phần lan tỏa thông điệp sống xanh, bảo vệ môi trường.
Trưởng nhóm Green Đà Nẵng Nguyễn Thị Phương Thảo (bên phải) cùng các bạn trẻ thu gom vỏ lon, giấy vụn từ người dân. Ảnh: X.H |
Gần 2 năm đi vào hoạt động, định kỳ vào Chủ nhật cuối cùng mỗi tháng, nhóm Green Đà Nẵng do chị Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 1993) làm trưởng nhóm cùng 25 tình nguyện viên tổ chức chương trình “Đổi rác lấy quà”. Tham gia buổi đổi quà, bà Huỳnh Thị Hương (SN 1971) phường Chính Gián (quận Thanh Khê) cảm thấy rất thú vị. Bà cùng các cháu tại nhà đã tích góp được một túi lớn gồm vỏ chai nhựa và bìa giấy để mang đến chương trình.
“Tôi thấy chương trình này rất ý nghĩa. Các bạn trẻ thực hiện chương trình có ý thức bảo vệ môi trường, những người có tuổi như mình cần phải ủng hộ nhiệt tình. Mặc dù tôi có thể gom rác thải nhựa, giấy vụn để bán ở nhà cho tiện, nhưng tôi lại thích đổi rác tái chế để lấy cây xanh hoặc các vật dụng tái chế hơn. Đồng thời giáo dục cho các cháu về ý thức bảo vệ môi trường, làm đẹp thành phố”, bà Hương chia sẻ.
Tích cực cùng các tình nguyện viên khác hướng dẫn mọi người tham gia hoạt động đổi rác, Vĩnh Huyền Tôn Nữ Bảo Ngọc (SN 2005) phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) cảm nhận được sự thay đổi về nhận thức bảo vệ môi trường thông qua mỗi chương trình.
“Trước đây, em từng nghĩ rằng phải làm điều gì đó rất đặc biệt to lớn thì mới mang lại sự thay đổi trong công tác bảo vệ môi trường. Nhưng bây giờ, em hiểu rằng những hành động dù nhỏ nhất như không dùng đồ nhựa một lần, thu gom bì giấy để tái chế là đang bảo vệ môi trường. Ở đây, cả những em nhỏ cũng có thể mang những túi vỏ lon đến tham gia, bất cứ ai, ở mọi độ tuổi đều có thể chung tay làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Điều đó đã thôi thúc em tham gia hoạt động này thường xuyên”, Ngọc chia sẻ.
Theo chị Nguyễn Thị Phương Thảo, ý định ban đầu của nhóm Green Đà Nẵng là thu gom vỏ hộp sữa. Thời điểm đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đều đã có các tổ chức thực hiện chương trình này. Tuy nhiên, tại Đà Nẵng vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra tổ chức thường xuyên.
“Đến nay, qua 4 lần tổ chức chương trình, Green Đà Nẵng đã thu gom được gần 4 tấn rác thải tái chế. Cùng với sự đồng hành của nhiều bạn trẻ, hoạt động của chúng tôi cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các đối tác với các sản phẩm thân thiện môi trường như: chậu cây, túi sách, khung ảnh,… làm từ các vật dụng tái chế để gửi tặng người tham gia hoạt động đổi rác”, chị Thảo chia sẻ.
Cũng trong khuôn viên của chương trình “Đổi rác lấy quà”, một góc nhỏ được dành để những phụ nữ khuyết tật thuộc Trung tâm Nghiên cứu và hòa nhập cộng đồng bày biện các sản phẩm tái chế từ vải thừa, vải vụn. Từ những phần vải vụn bị bỏ đi, qua bàn tay khéo léo của những phụ nữ khuyết tật đã cho ra đời các sản phẩm như: túi xách, dây buộc, các vật phẩm trang trí… góp phần tạo nên sự đa dạng cho các hoạt động bảo vệ môi trường.
Theo chị chị Mai Thị Dung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hòa nhập cộng đồng chia sẻ, các sản phẩm tái chế của phụ nữ khuyết tật không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà có thêm thu nhập. “Bên cạnh đó, điều quan trọng hơn nữa chính là sự thay đổi nhận thức của nhiều người về sự đóng góp của những người khuyết tật đối với hoạt động bảo vệ môi trường. Theo tôi, bản thân nhiều phụ nữ khuyết tật vẫn mang trong mình sự tự ti vì không làm được những công việc của người bình thường. Tuy nhiên, thông qua các hoạt động nêu trên sẽ giúp họ tự tin hơn về bản thân, góp sức trong các hoạt động có ích cho cộng đồng”, chị Dung nói.
“Để chương trình “Đổi rác lấy quà” lan tỏa hơn nữa, chúng tôi sẽ chủ động liên hệ với các trường học để hướng dẫn các em học sinh việc thu gom vỏ hộp sữa, góp phần thay đổi nhận thức của nhiều em nhỏ trong việc bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, thông qua phần mềm Green Point giúp tích điểm khi tham gia thu gom rác, nhiều người có thể đổi lấy quà hoặc được quy đổi để đóng góp cho các dự án vì cộng đồng. Từ đó, việc thu gom rác sẽ tạo nên những sự thay đổi lớn và ý nghĩa hơn”, Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ.
N.QUANG - X.HẬU