Ban Thường vụ Thành ủy vừa ban hành Đề án “Một số giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố đến năm 2030 và những năm tiếp theo”. Trao đổi với Báo Đà Nẵng về đề án này, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh cho biết:
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh |
- Trên cơ sở kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2015-2020 và trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đặc biệt là Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng”; Nghị định số 34/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội; Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Cần tập trung thực hiện ba nhiệm vụ trọng tâm, đột phá theo hướng xây dựng Đảng là then chốt, trong đó tập trung xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ là then chốt của then chốt; phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; giữ vững an ninh - quốc phòng là thường xuyên, trọng yếu, tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng”. Từ yêu cầu thực tiễn, để cụ thể hóa chủ trương của Trung ương và Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành đề án để triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ thành phố trong thời gian tới.
* Ban Thường vụ Thành ủy đề ra mục tiêu trọng tâm của đề án này là gì, thưa ông?
- Đối với mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và chất lượng đội ngũ đảng viên, Ban Thường vụ Thành ủy đề ra các chỉ tiêu cụ thể: Đến năm 2023 hoàn thành việc điều chỉnh nội dung về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chi bộ khu dân cư phù hợp với thực tiễn. Đến năm 2025 hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu về tổ chức Đảng, đảng viên trong toàn Đảng bộ thành phố, mở rộng phạm vi đến đảng bộ cơ sở; hoàn thiện mô hình tổ chức cơ sở Đảng phù hợp với ngành, địa phương, đơn vị và tình hình thực tiễn.
Phấn đấu 100% cấp ủy viên cơ sở có trình độ trung cấp chính trị; hằng năm có từ 90% tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; phấn đấu 90% tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn là đảng viên; phấn đấu tỷ lệ kết nạp đảng viên mới hằng năm đạt 3-4% tổng số đảng viên. Đến năm 2030, phấn đấu 100% tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn là đảng viên, 100% tổ dân phố, thôn có chi bộ.
Đối với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ: Đến năm 2025, phấn đấu quy hoạch cấp ủy các cấp có cán bộ trẻ dưới 40 tuổi đạt 15% trở lên, cán bộ nữ đạt 25% trở lên; phấn đấu bảo đảm thực hiện 100% cán bộ được luân chuyển theo kế hoạch đã được Ban Thường vụ Thành ủy phê duyệt; bảo đảm 100% cán bộ được bồi dưỡng theo chức danh được quy hoạch trước khi được bổ nhiệm và giới thiệu ứng cử; hoàn thành xây dựng vị trí việc làm và khung năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị; phải có cán bộ nữ trong Ban Thường vụ Thành ủy, quận/huyện ủy và đảng ủy phường/xã; tỷ lệ nữ là lãnh đạo, quản lý, nữ cấp ủy viên, nữ đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố, huyện, các xã thuộc huyện Hòa Vang đạt theo tiêu chí của Trung ương định hướng, bảo đảm chất lượng; đạt 60% các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Đến năm 2030, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; hoàn thành việc xây dựng cơ chế phát hiện, thu hút, sử dụng và có chính sách đãi ngộ tương xứng đối với người có tài năng của thành phố.
* Để thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy triển khai những nhiệm vụ, giải pháp nào?
- Ban Thường vụ Thành ủy triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, trong đó tập trung: Thứ nhất, tăng cường công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội gắn với đấu tranh phòng, chống thông tin xấu, độc trên không gian mạng. Trong đó tập trung tăng cường công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác định hướng dư luận xã hội gắn với đấu tranh phòng, chống thông tin xấu, độc trên không gian mạng.
Thứ hai, đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên trong tình hình mới. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng ban hành, năng lực cụ thể hóa thực hiện các nghị quyết, chủ trương, văn bản của Đảng; không ngừng đổi mới các phương thức lãnh đạo và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ trong mối quan hệ đồng bộ với các nguyên tắc khác.
Thứ ba, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới. Trong đó tập trung triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; tiếp tục thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng, hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong Đảng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Thứ sáu, phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ.
Thứ bảy, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố là một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay của Đảng bộ thành phố. TRONG ẢNH: Cán bộ, công chức, viên chức bộ phận “Một cửa” Trung tâm Hành chính thành phố giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: NGỌC PHÚ |
* Ông có thể nói rõ hơn về giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố đến năm 2030 và những năm tiếp theo?
- Đối với giải pháp này, Ban Thường vụ Thành ủy tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín phục vụ nhân dân và sự phát triển thành phố. Tiếp tục nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của người đứng đầu về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ thành phố đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; khơi dậy khát vọng, cống hiến của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong sự nghiệp phát triển chung của thành phố.
Cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ theo hướng đồng bộ, liên thông, nhất quán trong hệ thống chính trị và phù hợp với thực tế; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát chặt quyền lực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.
Một giải pháp quan trọng nữa là phân công người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm giới thiệu, theo dõi, đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ cán bộ được phát triển theo đúng quy hoạch, kế hoạch luân chuyển, điều động cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng thông qua việc cử cán bộ xuống cơ sở hoặc trưng tập, tăng cường cán bộ để thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng của thành phố, quận, huyện, bảo đảm quy định.
Triển khai chủ trương luân chuyển cán bộ từ phường, xã này sang phường, xã khác có tính chất phức tạp, khó khăn hơn; luân chuyển, điều động, bổ nhiệm giữa các chức danh bí thư, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường, xã; thay đổi vị trí công tác đối với cán bộ cấp phó để đào tạo cấp trưởng.
Hoàn thiện khung năng lực theo vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức theo hướng đồng bộ giữa khối Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội. Trên cơ sở đó, tăng cường bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo khung năng lực, chú trọng bồi dưỡng ngoại ngữ và kỹ năng công tác.
Tập trung tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo các tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý, bảo đảm mục tiêu 100% cán bộ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh theo quy định. Khuyến khích đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đề cao tinh thần tự học, tích cực, chủ động tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng để không ngừng nâng cao năng lực, khả năng làm việc, thích ứng với môi trường làm việc quốc tế.
Nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, gắn đánh giá cá nhân với tập thể, với kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy định số 2746-QĐ/TU ngày 3-11-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về bộ tiêu chí và quy chế đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.
Tiếp tục tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với các cơ quan, địa phương, đơn vị theo Nghị quyết số 39-NQ/TW và Kết luận số 40-KL/TW ngày 18-7-2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026; giai đoạn 2021-2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các tổ chức, cơ quan, đơn vị; hoàn thành xây dựng vị trí việc làm; quản lý biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị theo vị trí việc làm.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
NGỌC PHÚ thực hiện