Nhằm hướng đến phục vụ tốt hơn, tạo sự hài lòng cho tổ chức, cá nhân về thủ tục hành chính, các đơn vị, địa phương ngày càng hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận “Một cửa”.
Người dân giao dịch tại bộ phận “Một cửa” Trung tâm Hành chính quận Thanh Khê. Ảnh: TRỌNG HUY |
Ông Nguyễn Nhàn (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ), chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực nhà thầu lắp ráp và cung cấp vật liệu xây dựng, cho biết thường xuyên tiếp xúc giao dịch tại bộ phận “Một cửa” của quận và làm các thủ tục liên quan đến ngành thuế, gia hạn đăng ký kinh doanh...
“So với trước đây, hạ tầng cơ sở tại bộ phận “Một cửa” các cấp trên địa bàn thành phố được cải tiến hơn rất nhiều, sạch sẽ, khang trang, hiện đại. Quan trọng hơn, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên thay đổi căn bản, theo hướng cung ứng dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp”, ông Nhàn nói.
Tại Hòa Vang, huyện thực hiện khá đồng bộ và hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Nhờ đó, đã góp phần làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, phục vụ, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi đến giao dịch với cơ quan hành chính Nhà nước.
Theo Phó Chánh văn phòng UBND huyện Hòa Vang Đinh Viết Trần Thọ, UBND huyện đã đầu tư kinh phí xây dựng mới nhà làm việc bộ phận “Một cửa” huyện, đồng thời đầu tư các trang thiết bị cần thiết bảo đảm đúng quy định. Huyện tổ chức lại hoạt động của bộ phận “Một cửa” theo Đề án 5615/ĐA-UBND ngày 19-8-2019 của UBND thành phố về thí điểm chuyển giao nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố cho nhân viên bưu điện. UBND huyện tăng cường cán bộ hướng dẫn làm TTHC theo yêu cầu hướng dẫn một lần, đầy đủ, rõ ràng, chính xác; trường hợp phải yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ chỉ được yêu cầu sửa đổi, bổ sung một lần bằng văn bản. Huyện tập trung tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức, công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn.
Ông Thọ cho hay, thời gian đến, UBND huyện tập trung thực hiện các giải pháp gắn công tác cải cách hành chính với xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, nâng cao hiệu quả hoạt động bộ phận “Một cửa”, phát triển các mô hình, giải pháp CCHC hướng về cơ sở như tổ công nghệ số cộng đồng, thành lập nhóm zalo tổ công nghệ số của huyện, xã, thôn…
Tại quận Sơn Trà, mới đây UBND quận đã đầu tư cải tạo, nâng cấp bộ phận “Một cửa”, từ việc mở rộng không gian từ 77m2 lên 278m2; đầu tư đồng bộ trang thiết bị hiện đại hệ thống lấy số, gọi số thứ tự tự động, máy vi tính, camera quan sát, máy điều hòa, máy tính để công dân tra cứu thông tin, máy vi tính để hướng dẫn công dân nộp hồ sơ trực tuyến; bàn hướng dẫn, bàn ghi chép, tủ nước uống nóng lạnh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ các dịch vụ hành chính công, tạo môi trường làm việc thân thiện, hiện đại, văn minh, đem lại sự thoải mái, hài lòng cho công dân, tổ chức khi giao dịch...
Phó Chánh văn phòng UBND quận Sơn Trà Biện Thị Thu cho biết, hiện nạy bộ phận “Một cửa” quận có 7 công chức, viên chức, nhân viên làm việc trực tiếp, mỗi tháng tiếp nhận, giải quyết khoảng 7.500 hồ sơ cho công dân và tổ chức thuộc 41 lĩnh vực, tỷ lệ trả kết quả đúng hẹn đạt hơn 97%. Bộ phận “Một cửa” quận sau khi được đầu tư, mở rộng và đi vào hoạt động đã tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ, công chức đang làm nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân, từ đó tạo sự thoải mái, hài lòng cho các tổ chức, cá nhân.
Bộ phận “Một cửa” phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) bố trí máy tính để công dân cập nhật hồ sơ giải quyết, bảo đảm công khai, minh bạch. Ảnh: TRỌNG HUY |
Bà Lê Thị Quỳnh Như (tổ 35, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) lần đầu tiên đến giao dịch sau khi bộ phận “Một cửa” quận Sơn Trà khánh thành, đi vào hoạt động. Bà Như cảm thấy thoải mái, thoáng mát từ không gian ngồi chờ cũng như tính chuyên nghiệp, thân thiện của bộ phận nhân viên trực tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo yêu cầu của bà tại bộ phận “Một cửa” quận. “Không gian, cách bài trí và cả con người làm việc tại đây mang lại cảm giác hiện đại, chuyên nghiệp. Thực sự rất hài lòng”, bà Như nói.
Tại bộ phận “Một cửa” phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), ngoài máy tính của cán bộ, nhân viên phụ trách giải quyết TTHC, ngay phía bàn giao dịch của công dân cũng được bố trí một máy tính. Hồ sơ TTHC được cập nhật lên máy tính đó để công dân đối chiếu, kiểm tra, bảo đảm tính minh bạch, công khai, đồng thời cho người dân thấy quá trình giải quyết của cán bộ, nhân viên đối với TTHC theo từng quy trình cụ thể.
Chủ tịch UBND phường Hòa Minh Đinh Hữu Phúc cho biết, Hòa Minh là phường có dân số đông, với khoảng 70.000 người nên việc giải quyết TTHC cho người dân tạo áp lực lớn cho bộ phận “Một cửa”. Để phục vụ tốt, hiệu quả nhất cho tổ chức, công dân, UBND phường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phấn đấu nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến, giảm số lượng TTHC trực tiếp… nên việc thực hiện TTHC cơ bản thông suốt.
Bà Phạm Thị Minh, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) cho rằng, cung cách phục vụ và sự minh bạch tại bộ phận “Một cửa” của phường Hòa Minh là một sự cải tiến vượt bậc, tạo thuận lợi cho người dân, giải quyết hồ sơ chính xác, giảm tần suất đi lại, qua đó tạo sự hài lòng cho nhân dân.
Đến năm 2030, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đạt tối thiểu 95% Kế hoạch tổng thể về cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030 do UBND thành phố ban hành đã đề ra mục tiêu về cải cách TTHC giai đoạn đến năm 2025 và 2030. Theo đó, cải cách đồng bộ, hiệu quả quy định TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Đến năm 2025, tối thiểu 20% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp trên địa bàn thành phố được đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa; hoàn thành các chỉ tiêu theo Đề án Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo quy định tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 90%. Đến năm 2030, 100% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến, trong đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt 50% trở lên; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 80%; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 95%. |
TRỌNG HUY