Tại họp báo Chính phủ tháng 9-2022 diễn ra chiều 1-10, nhiều vấn đề liên quan đến giải pháp hỗ trợ các cơ sở y tế khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế; tiến độ cấp phép bay với hãng hàng không chở hàng của ông Jonathan Hạnh Nguyễn; việc bình ổn lãi suất cho vay… báo giới đặt ra đã được lãnh đạo các bộ, ngành giải đáp.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trả lời các câu hỏi. Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Đề xuất ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ thuốc hiếm
Trao đổi về việc tháo gỡ khó khăn liên quan đến đấu thầu tại các bệnh viện, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ đang khẩn trương đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường năng lực cũng như hiệu quả của công tác mua sắm, đấu thầu, đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế, nhất là đối với các thuốc hiếm. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia cũng như danh mục thuốc đàm phán giá.
Bộ Y tế cũng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế công tác quản lý trang thiết bị y tế và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội sửa Luật Dược; nghiên cứu đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với một số loại thuốc hiếm, thuốc cần thiết điều trị các bệnh hiếm gặp, để kịp thời phục vụ công tác mua sắm, điều trị tại các cơ sở y tế; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp dược trong nước sản xuất thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.
Ngoài ra, Bộ Y tế tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc để theo dõi nguồn cung của thuốc, qua đó có căn cứ điều tiết kịp thời việc nhập khẩu, kinh doanh thuốc, bảo đảm đủ thuốc cho quá trình điều trị; tăng cường hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng thuốc có cùng hoạt chất, có tác dụng tương đương để điều trị.
Thời gian qua, Bộ Y tế cũng phối hợp tăng cường kiểm tra, tổ chức đoàn kiểm tra, thanh tra để thúc đẩy mua sắm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, qua đó hướng dẫn và tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở thực hiện tốt hơn công tác mua sắm, đấu thầu.
“Xác định quốc tịch của cổ đông là rất bình thường”
Về việc cấp phép bay với hãng hàng không chở hàng của ông Jonathan Hạnh Nguyễn phải rà soát quốc tịch của cổ đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu rõ, đây là một ý trong công văn góp ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Bộ Giao thông Vận tải. Vấn đề xác định quốc tịch của cổ đông là rất bình thường. Việc này có hai ý nghĩa, một là để chúng ta biết được tư cách của doanh nghiệp đó thuộc thể loại nào. Theo quy định hiện hành của Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn, trong một công ty có nhiều cổ đông mà có hai cổ đông quốc tịch nước ngoài thì cách ứng xử khác, vì khi đó doanh nghiệp là doanh nghiệp nước ngoài. Giữa doanh nghiệp 100% vốn trong nước và doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài áp dụng chính sách khác.
Thứ hai, theo quy định của Luật Quốc tịch 2014, một số trường hợp người Việt Nam mang hai quốc tịch và trong quy định về hướng dẫn Luật Đầu tư cũng có các tình huống ứng xử với nhà đầu tư mang hai quốc tịch (trong đó có quốc tịch Việt Nam) để có các quy định trình tự thủ tục đối với các trường hợp cụ thể. Do vậy, vấn đề đặt ra là xác định cổ đông đó, nhất là cổ đông sáng lập, cổ đông thành lập để có cách ứng xử phù hợp.
Trao đổi thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho hay, sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến, Bộ Giao thông Vận tải đã giao cho Cục Hàng không Việt Nam rà soát hồ sơ và đến ngày 26-9, hồ sơ đã được chính thức trình lên Thủ tướng. Sau khi có chủ trương đầu tư, Bộ sẽ thực hiện quy trình cấp phép vận chuyển hàng không.
Giữ nguyên trần lãi suất cho vay
Tại buổi họp báo, nhấn mạnh mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ là điều hành các công cụ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ phục hồi kinh tế, đặc biệt là ổn định các thị trường, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn chia sẻ, thời gian qua, điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã bám sát nhằm hướng tới mục tiêu này. Trong 8 tháng năm 2022, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên các mức lãi suất điều hành và đến tháng 9, lần điều chỉnh gần đây nhất của Fed, Ngân hàng Nhà nước có tăng một số mức lãi suất trần tiền gửi cho các ngân hàng thương mại. Mục tiêu của việc này là bảo đảm nhiệm vụ ưu tiên cho kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm duy trì lãi suất thực dương cho lãi suất tiền gửi để hài hòa lợi ích của các bên tham gia trên thị trường tiền tệ. Đồng thời, việc này cũng tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục duy trì thu hút tiền gửi và có nguồn tài chính cho vay, hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Về giải pháp bình ổn lãi suất cho vay những tháng cuối năm khi tăng trần lãi suất huy động tiền gửi, ông Đoàn Thái Sơn cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo về mặt nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước khi điều chỉnh lãi suất cũng đã tính đến mục tiêu này. Do đó, trong số trần lãi suất điều chỉnh tăng, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi, đồng thời giữ nguyên trần lãi suất cho vay, thể hiện việc điều hành đã hướng đến các mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
“Chúng tôi cũng vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để tiết giảm các chi phí hoạt động. Qua đó tạo điều kiện về mặt tài chính để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói.
Theo TTXVN