Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, sáng 26-10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số xe ô tô thông qua đấu giá.
Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Bắc Giang, Quảng Bình và Long An thảo luận ở tổ. Ảnh: TTXVN |
Quy định chặt để tránh đầu cơ
Đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết, đại biểu Dương Ngọc Hải (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, nhu cầu sở hữu biển số đẹp là thực tế tồn tại lâu của người dân, thực tế có trường hợp biển số đẹp giá trị bằng cả chiếc xe.
Từ đó, đại biểu nêu ra 3 vấn đề cần nghiên cứu kỹ nhằm đảm bảo công bằng, tương thích pháp luật và đảm bảo an ninh, trật tự. Với vấn đề đảm bảo công bằng, đại biểu cho rằng nhiều người muốn sở hữu biển số đẹp nhưng không có tiền đấu giá và hi vọng khi cấp số ngẫu nhiên sẽ bốc được biển số đẹp. Bên cạnh đó, dự thảo quy định quyền sở hữu tài sản (biển số đẹp) nhưng trong vòng 12 tháng phải gắn với xe, không được cho, tặng, thừa kế biển số là không hợp lý. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị rút ngắn thời gian thí điểm, sau thời gian thí điểm có quy định chính thức hoặc sửa đổi để đảm bảo tương thích.
Cũng cho ý kiến về thời hạn đăng ký xe, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) cho biết, dự thảo quy định người trúng đấu giá phải có nghĩa vụ đăng ký xe trong thời hạn 12 tháng. Đại biểu Hà cho rằng, biển số đấu giá xong phải được gắn vào xe để sử dụng, vì vậy, cần nghiên cứu quy định giảm bớt thời gian kể từ ngày trúng đấu giá đến khi phải gắn vào xe là 3 tháng hoặc 6 tháng thay vì quy định 12 tháng như dự thảo nhằm tránh tình trạng "đầu cơ biển số".
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nhìn nhận, dự thảo Nghị quyết đã đề xuất quy định biển số trúng đấu giá không được bán độc lập. Vì vậy, có kéo dài thời gian gắn biển số vào xe cũng không khuyến khích đầu cơ.
"Thực tế hiện nay, người dân mua xe thường được các đại lý lùi thời gian nhận xe từ 6 tháng đến 1 năm do khan xe, nếu không kéo dài thời hạn giữ biển số thì tự nhiên người dân đấu giá biển số trước sẽ bị mất biển số này trước khi được nhận xe, sẽ tạo tâm lý ngại ngần tham gia đấu giá biển số xe", đại biểu Cảnh nói. Từ đó, đại biểu Cảnh đề nghị nếu người dân trúng đấu giá có hợp đồng đặt cọc hoặc hợp đồng mua xe, cho phép họ gia hạn thêm từ 6-12 tháng, tuỳ từng loại xe.
Phát biểu cung cấp thông tin tại thảo luận tổ, đại biểu Vũ Huy Khánh (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh) – cơ quan chủ trì thẩm tra dự thảo Nghị quyết nhấn mạnh, nhu cầu sở hữu biển số theo ý muốn, “biển số đẹp” có từ rất lâu nhưng cơ sở pháp lý chưa chắc chắn nên việc Chính phủ trình Quốc hội lần này nhằm thí điểm áp dụng chính thức trên toàn quốc.
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 16 trước Kỳ họp thứ 4, nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý. Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với việc giới hạn thí điểm chỉ đấu giá đối với biển số ô tô nền trắng chữ đen trong kho biển số chưa được đăng ký, mà không thí điểm đấu giá đối với biển số xe ô tô nền vàng chữ đen, biển số xe mô tô, xe gắn máy. Việc giới hạn như vậy là phù hợp, sau thí điểm có thể nghiên cứu mở rộng nếu hiệu quả.
Xuất phát từ mục tiêu quản lý nhà nước, tránh trường hợp đầu cơ, thương mại hóa làm méo mó, không lành mạnh hoạt động đấu giá biển số xe ô tô, dự thảo cũng giới hạn nhất định quyền của người trúng đấu giá. Người trúng không nhất thiết phải có xe mới được đi đấu giá. Người trúng đấu giá có nghĩa vụ phải đăng ký xe trong thời hạn 12 tháng nếu không biển số sẽ bị thu hồi.
Băn khoăn về vấn đề quản lý
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ thảo luận tại tổ. Ảnh: TTXVN |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy thấy còn một số vấn đề chưa thực sự phù hợp, rõ ràng, có thể gây vướng khi triển khai việc này. Theo đại biểu Thủy, dự thảo nghị quyết quy định đấu giá trực tuyến trên phạm vi toàn quốc. Nhưng hiện tại chúng ta đang thực hiện cấp đăng ký, cấp biển số xe theo địa bàn các tỉnh, thành phố và quản lý phương tiện theo địa bàn các địa phương. Đồng thời có những trường hợp khi chủ xe và xe chuyển sang địa bàn khác phải đăng ký lại.
"Dự thảo đấu giá biển số theo kiểu đồng loạt cả nước. Nếu một người ở Cà Mau lên đấu giá và gắn biển số Hà Nội nhưng lại chạy xe ở Cà Mau rõ ràng sẽ tạo rất nhiều phức tạp trong quản lý. Chúng tôi chưa thấy lý giải cụ thể về cách thức mà Bộ Công an sẽ quản lý và phải thay đổi thế nào để phù hợp", đại biểu Thủy nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, đại biểu băn khoăn vì mục tiêu của biển số xe để quản lý phương tiện mà giờ lại tách rời với phương tiện để như một tài sản có thể chuyển nhượng được, có thể chuyển từ xe nọ sang xe kia. Việc này sẽ rất phức tạp trong quản lý. Từ đó đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị, biển số xe trúng đấu giá vẫn gắn với phương tiện khi mua bán, chuyển nhượng, thừa kế xe đó. Khi nào hết vòng đời xe thì biển số được thu hồi để đưa vào kho số đấu giá tiếp.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) nêu quan điểm, khi chúng ta cấp biển số xe sẽ đưa tất cả biển số đó trong kho số cấp trên không gian thông tin để mọi người lựa chọn. Mỗi người có những quan điểm lựa chọn khác nhau, từ đó có thể khai thác tối đa kho số đấu giá để tăng thu ngân sách tốt hơn.
Cũng theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, chúng ta có thể khai thí điểm trên toàn quốc là phù hợp. Về mức giá, đại biểu Thanh cho rằng, việc phân chia giá khởi điểm khác nhau như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các thành phố khác trong dự thảo là phù hợp. Về mức trả giá, bước giá, đại biểu đề nghị quy định rõ, đồng thời đánh giá kỹ về quyền thừa kế.
Theo TTXVN