Thiếu hụt lao động trên các công trình xây dựng

.

Nhiều dự án, công trình xây dựng nhà ở dân sinh đang được gấp rút hoàn thiện trước mùa mưa bão. Tuy nhiên, khó khăn trước mắt của các chủ thầu, doanh nghiệp xây dựng chính là nguồn lao động đang thiếu hụt dẫn đến nguy cơ trễ tiến độ bàn giao công trình.

Để đẩy nhanh tiến độ công trình nhà ở, nhiều thợ chính hiện nay phải kiêm luôn cả vị trí phụ hồ vì thiếu lao động trong ngành xây dựng. Ảnh: CHIẾN THẮNG.
Để đẩy nhanh tiến độ công trình nhà ở, nhiều thợ chính hiện nay phải kiêm luôn cả vị trí phụ hồ vì thiếu lao động trong ngành xây dựng. Ảnh: CHIẾN THẮNG.

Nhiều lao động trong ngành xây dựng cho biết sau một thời gian làm việc vất vả đã chuyển qua làm những công việc khác phù hợp hơn. Anh Nguyễn Văn Hùng, thợ xây tại phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) cho hay, nhiều lần anh bị chủ thầu tạo áp lực phải tăng ca để chạy tiến độ công trình, lao động với cường độ cao.

“Vừa rồi, tôi đi khám và được chẩn đoán bị viêm phổi, một trong những nguyên nhân được xác định là bởi số lượng bụi mỗi ngày hít vào rất nhiều. Tôi hy vọng từ phía chủ thầu và các đơn vị xây dựng có những chính sách quan tâm tới sức khỏe của người lao động để họ có thể yên tâm làm việc”, anh Hùng nói.

Theo tìm hiểu, mức tiền công của một thợ xây chính tại thành phố vào thời điểm này khoảng 400.000 - 500.000 đồng/ngày, còn với thợ phụ là 300.000 - 350.000 đồng/ngày. Anh Nguyễn Hoàng Sơn (trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) chia sẻ, thợ xây là một nghề vất vả, nguy hiểm và thường phải làm việc ở ngoài trời nên nếu lao động không đủ sức khỏe, không chịu khó, chịu khổ thì khó bám trụ lâu dài được.

“Hằng ngày, tôi phải tiếp xúc với nắng, mưa, cùng với đó là những hóa chất, môi trường độc hại như vôi vữa, bê-tông, khói bụi xi-măng... Tôi mong phía nhà thầu có thể trang bị phương tiện bảo hộ như quần áo, giày bảo hộ, găng tay... nhằm bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng cho người lao động”, anh Sơn bày tỏ.

Khảo sát tại nhiều công trình nhà ở đang xây dựng trên địa bàn thành phố cho thấy, nhiều chủ thầu, doanh nghiệp hiện gặp khó khăn khi nguồn lao động thiếu hụt. Tại một số công trình, tỷ lệ lao động chỉ đạt khoảng 30-50% so với yêu cầu quy mô xây dựng.

Ông Phan Minh Mẫn, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Xây dựng Hải Khang (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) chia sẻ, ông đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ xây dựng để bàn giao nhà cho khách hàng. Tuy nhiên, lao động thiếu hụt đã ảnh hưởng đến các công trình mà công ty đang nhận thầu và nếu không đạt đúng tiến độ, nguy cơ cao phải bồi thường cho khách hàng.

“Từ đầu năm đến nay, số lượng công trình chúng tôi nhận thầu khá nhiều. Khi khởi công dự án nhà ở, tổng số lượng thợ xây, phụ hồ đã được chúng tôi chuẩn bị đủ cho các công trình, số lượng tất cả vào khoảng 20-25 người, mỗi công trình cần từ 5-10 lao động. Hiện nay, chúng tôi chỉ còn chưa tới 10 thợ đang hoạt động, vì vậy mỗi công trình chỉ còn trung bình 3 thợ. Thời gian này, chúng tôi phải tìm thợ qua nhiều kênh thông tin nhưng xem ra rất khó để tuyển được, thiếu chủ yếu là thợ xây chính có tay nghề - đây là lực lượng khó để đào tạo trong ngắn hạn. Còn thợ phụ hồ số lượng ứng tuyển nhiều hơn và cần phải đào tạo lại trong thời gian ngắn nhưng khi đào tạo xong, số lượng này lại tự ý nghỉ để làm việc ở nơi có lương cao hơn”, ông Mẫn bộc bạch.

Nhiều giải pháp tình thế được các nhà thầu, doanh nghiệp đặt ra để kéo lao động trở lại, đáp ứng tiến độ công trình như tăng lương, tăng đãi ngộ. Còn ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng MET2 (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) cho rằng, thiếu nhân công chủ yếu do thợ “nhảy việc” khi lượng lớn lao động hiện tại được tuyển theo hình thức “hợp đồng miệng” nên nếu có nơi có chế độ đãi ngộ tốt hơn thì thợ xây sẽ nghỉ việc và chuyển qua nơi khác làm.

“Nếu muốn giữ thợ, chủ thầu phải bảo đảm các chế độ đãi ngộ tốt, lương trả đúng hạn... nhằm lôi kéo lao động về phía mình. Nhiều doanh nghiệp để giữ chân lao động còn sử dụng việc ký kết hợp đồng ngắn hạn và giữ một phần lương, chỉ khi lao động làm đủ thời gian mới có thể nhận đủ hết số tiền lương”, ông Tuấn cho biết.

CHIẾN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.