Từ nay đến cuối năm, mưa bão diễn biến phức tạp

.

Mới đầu mùa mưa bão, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung vừa phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4 (bão Noru), cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua nhưng thiệt hại đã được giảm thiểu thấp nhất do các đơn vị, địa phương cùng các lực lượng, nhân dân tập trung ứng phó và công tác dự báo thiên tai chính xác, từ sớm, từ xa. Phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với về dự báo, nhận định tình hình mưa, bão, lũ trong mùa mưa bão năm 2022.

Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ Đinh Phùng Bảo
Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ Đinh Phùng Bảo.

* Ông có thể cho biết nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn về tình hình, xu hướng mưa, lũ, bão xảy ra ảnh hưởng đến nước ta và miền Trung cũng như thành phố Đà Nẵng trong những tháng sắp đến?

- Từ nay đến hết năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông xuất hiện khoảng 4-6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong đó, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng 2-4 cơn, có khoảng 1-3 cơn ảnh hưởng đến thời tiết khu vực Trung Trung Bộ (từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi). Thành phố Đà Nẵng còn có khả năng chịu ảnh hưởng của 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Các địa phương cần đề phòng những cơn bão có hướng di chuyển phức tạp, cường độ mạnh từ nay đến cuối năm 2022. Đến tháng 1-2023, vẫn còn có khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới (bão hoặc áp thấp nhiệt đới) trên khu vực nam Biển Đông.

Lượng mưa đo được trong mùa mưa bão năm 2022 tại các địa phương thuộc khu vực Trung Trung Bộ phổ biến xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm, dự kiến đạt 100-150%.  Về mưa lớn diện rộng, từ nay đến hết mùa mưa bão năm 2022, tại khu vực Trung Trung Bộ khả năng có 5-7 đợt mưa lớn diện rộng, xảy ra trong thời kỳ chính vụ của mùa mưa bão. Tại thành phố Đà Nẵng, khả năng có từ 4-6 đợt mưa lớn. Mưa lớn có khả năng gây nguy cơ cao về ngập lụt ở các khu vực thấp trũng tại các lưu vực sông, lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi - thượng lưu các sông.

Về lũ, từ tháng 10 đến tháng 12, khu vực Trung Trung Bộ khả năng xuất hiện 3-5 đợt lũ với đỉnh lũ các sông phổ biến từ mức báo động (BĐ) 2 đến BĐ 3; sông Vu Gia ở mức xấp xỉ BĐ3 đến trên BĐ 3; các sông thuộc Đà Nẵng ở mức BĐ 2 đến trên BĐ 2. Đỉnh lũ cao nhất năm có khả năng xuất hiện vào tháng 10 và tháng 11.

* Khu vực Trung Trung Bộ và thành phố Đà Nẵng vừa trải qua trận bão số 4 và những năm gần đây liên tục xuất hiện những trận thiên tai lớn, cực đoan. Nguyên nhân nào làm cho thời tiết diễn biến cực đoan như vậy?

- Dự báo hiện tượng ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina từ nay đến hết năm 2022 với xác suất khoảng 80-90% và có khả năng kéo dài sang các tháng đầu năm 2023. Trạng thái La Nina là nguyên nhân làm cho thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan. Một nguyên nhân khác là hiện tượng ấm lên toàn cầu đang làm gia tăng tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan.

* Vậy thưa ông, mùa mưa bão năm nay liệu có khả năng xảy ra những trận thiên tai lớn, dồn dập, điển hình là mưa lũ lớn liên tục như năm 2020 hay xảy ra bão tương tự bão số 4 như vừa qua?

- Trong năm 2020, người dân cả nước đã chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường. Trong mùa mưa bão năm 2020, miền Trung đã phải hứng chịu chuỗi thiên tai liên tiếp và dồn dập. Trong vòng 41 ngày, nơi đây đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của 6 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới. Trong đó, bão số 9 (bão Molave, cuối tháng 10-2020) là 1 trong 2 cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây. Vừa qua (cuối tháng 9-2022), khu vực Trung Trung Bộ lại tiếp tục hứng chịu cơn bão số 4 (bão Noru) cũng là một trong những cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây. Theo dự báo, từ nay đến cuối năm 2022, khu vực Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra những trận thiên tai lớn, cao điểm là vào tháng 10 và tháng 11.

Ngư dân khẩn trương cẩu, tải thuyền thúng nhỏ lên bờ tránh bão số 4 (Noru). Ảnh: Hoàng HIỆP
Ngư dân khẩn trương cẩu, tải thuyền thúng nhỏ lên bờ tránh bão số 4 (Noru). Ảnh: Hoàng HIỆP

* Thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, ông có thể cho biết những khó khăn chủ yếu trong công tác dự báo hiện nay?

- Khu vực Trung Trung Bộ có địa hình đa dạng, thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất. Những năm qua, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ đã được Tổng cục Khí tượng thủy văn, các địa phương quan tâm đầu tư phát triển về hệ thống trạm quan trắc theo hướng hiện đại, tự động hóa; phát triển ứng dụng công nghệ dự báo nên công tác dự báo đã có những bước tiến đáng kể, phục vụ tốt cho các địa phương trong khu vực.

Tuy nhiên, không phải bất cứ lúc nào, hiện tượng nào cũng có thể dự báo được, đặc biệt là các hiện tượng có không gian nhỏ, thời gian ngắn như mưa lớn, sạt lở đất và lũ quét (hiện nay mới có khả năng cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét tại một vùng hoặc khu vực rộng). Diễn biễn thiên tai ngày càng phức tạp, bão, mưa lớn có xu hướng gia tăng về cường độ cũng như tần suất xuất hiện, đặc biệt mưa có cường độ lớn thường có nguy cơ cao gây lũ quét, sạt lở đất gây nhiều khó khăn cho công tác dự báo thiên tai tại khu vực.

* Theo thực tiễn công tác ứng phó thiên tai những năm gần đây, đặc biệt là cơn bão số 4 (bão Noru), hành động sớm và dự báo chính xác là hai yếu tố quan trọng nhất mang đến hiệu quả cao trong công tác ứng phó thiên tai và giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Cơ quan khí tượng thủy văn có những giải pháp nào và đề xuất gì để công tác dự báo thiên tai ngày càng chính xác và sớm?

- Những bản tin dự báo thiên tai đã ngày càng sớm và chính xác hơn, góp phần không nhỏ vào việc hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.  Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ được Tổng cục Khí tượng thủy văn đầu tư hệ thống quan trắc hiện đại và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác dự báo. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa khả năng dự báo, cảnh báo thiên tai, cần tiếp tục tăng cường mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn hiện đại, tập trung tại khu vực thượng lưu các sông suối, vùng núi cao nhằm cung cấp đầy đủ các thông tin, dữ liệu phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng và triển khai sâu rộng công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực dự báo, cảnh báo thiên tai; từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả và hoàn thiện hệ thống thu thập số liệu, hệ thống dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai, nhằm bảo đảm hiệu quả của công tác dự báo, cảnh báo, truyền tin và ứng phó thiên tai, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, công nghệ 4.0 sẽ giúp khắc phục những bất cập, hạn chế trong các khâu như: quan trắc, đo đạc, lưu trữ, xử lý số liệu để xây dựng, hoàn thiện công nghệ dự báo. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp, chia sẻ thông tin của các địa phương để công tác dự báo, cảnh báo và truyền tin phục vụ phòng, chống thiên tai được thực hiện chính xác, hiệu quả và kịp thời hơn.

* Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn.

HOÀNG HIỆP thực hiện

;
;
.
.
.
.
.