Chính trị - Xã hội

Ấm áp gia đình Việt

09:20, 30/11/2022 (GMT+7)

Hưởng ứng chương trình ở nhà dân “Homestay” dành cho sinh viên Lào, nhiều gia đình tại Đà Nẵng đã đón các du học sinh Lào về ở cùng, tạo môi trường cho các bạn trẻ trải nghiệm sinh hoạt hàng ngày của gia đình Việt. Qua đó, gắn kết tình cảm, giúp các bạn sinh viên học tập xa nhà nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống ở Việt Nam và an tâm học tập.

Phonelida Chanthauongsa (giữa) đón sinh nhật tuổi 22 với gia đình cô Trần Thị Nguyện (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu).  Ảnh: X.HẬU
Phonelida Chanthauongsa (giữa) đón sinh nhật tuổi 22 với gia đình cô Trần Thị Nguyện (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu). Ảnh: X.HẬU

Gia đình thứ hai

Ấm áp, gần gũi và luôn được yêu thương là cảm nhận đầu tiên của Phonelida Chanthauongsa (SN 2000, sinh viên Khoa Y - Dược, Đại học Đà Nẵng) sau gần 2 tuần trải nghiệm cuộc sống cùng gia đình bà Trần Thị Nguyện (SN 1956, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu). Đến Việt Nam từ tháng 2-2022, Phonelida may mắn được biết cô Nguyện khi tham gia hoạt động giao lưu cùng các anh chị du học sinh khóa trước. Nhờ đó, khi tham gia chương trình “Homestay”, Phonelida nhanh chóng hòa nhập với gia đình và luôn dành nhiều tình cảm, gọi “mẹ”, xưng “con” rất gần gũi với cô Nguyện.

Phonelida tâm sự, bản thân luôn được bà Nguyện chăm sóc, nấu cho nhiều món ăn ngon và còn được chỉ dạy cách nấu nhiều món đặc sản như: mì Quảng, bánh xèo, bún bò,... “Ở đây, em không cảm thấy xa cách mà luôn cảm nhận được không khí vui vẻ và tình yêu thương như gia đình thứ hai. Em vừa được tổ chức buổi sinh nhật đón tuổi 22 trong gia đình mới của mình. Buổi học đầu tiên tại trường mới, mẹ Nguyện đã chở em đến tận nơi để quen đường. Em còn được phụ mẹ làm đám giỗ, hiểu hơn về phong tục văn hóa ngày Tết của Việt Nam, dự đám cưới người thân trong nhà,…Qua việc giao tiếp, trò chuyện nhiều mà vốn tiếng Việt của em đã tiến bộ hơn”, Phonelida chia sẻ.

Còn với Sengmany Xong (SN 2003, sinh viên Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng), trải nghiệm sống cùng gia đình bà Phạm Thị Tuyết (SN 1950, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) đã để lại nhiều kỷ niệm khó quên trong em. Sengmany đã có những lần đầu tiên đầy thú vị như lần đầu được tắm biển, ăn nhiều món đặc sản, nấu món Việt và cùng mẹ Tuyết tham gia các chuyến thiện nguyện của “Bếp ăn 0 đồng” của mẹ và các cô chú cùng nhóm.

“Chiếc áo dài Việt Nam đầu tiên em mặc là món quà được mẹ Tuyết tặng cho. Mẹ hay có những chuyến đi từ thiện và cho em đi cùng. Một trong những chuyến đi em nhớ nhất là nấu ăn cho các em nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam. Qua hoạt động thiện nguyện của mẹ giúp em hiểu thêm về lòng nhân hậu của con người Việt Nam”, Sengmany Xong chia sẻ.

Tình cảm đặc biệt với đất nước “Triệu Voi”

Điều thú vị là phần lớn những gia đình nhận nuôi các sinh viên Lào đều dành tình cảm đặc biệt cho đất nước Triệu Voi. Một số người nhận nuôi đã có thời gian công tác, sinh sống ở Lào.

Bà Trần Thị Nguyện chia sẻ, chồng bà có nhiều năm sinh sống tại Lào và Thái Lan nên gia đình luôn dành những tình cảm thân thương xem các em như người thân trong gia đình. Đây đã là lần thứ ba gia đình đón các du học sinh Lào đến ở cùng. Đến bây giờ, nhiều em đã tốt nghiệp, trở về nước có công việc ổn định nhưng vẫn luôn giữ liên lạc với bà Nguyện.

“Chồng tôi kể, mẹ sinh anh ấy ở đất nước Lào, nên với anh đó là nơi “chôn rau cắt rốn”. Vì vậy, gia đình luôn có tình cảm đặc biệt với đất nước Lào. Các con sang Việt Nam, đi học xa nhà sẽ gặp không ít bỡ ngỡ, khó khăn nên mình muốn hỗ trợ, giúp đỡ các con nhiều hơn. Đón các con về nhà, chính gia đình tôi cũng được hiểu thêm về văn hóa của Lào. Hơn nữa, chồng tôi có thể nói chuyện bằng tiếng Lào, nên khi gặp những từ tiếng Việt khó, anh ấy lại giải thích nghĩa cho các con hiểu. Nhiều đứa con khi trở về Lào vẫn thường xuyên giữ liên lạc, biết các con thành công, có cuộc sống ổn định, tôi rất mừng. Thỉnh thoảng các dịp lễ Tết, các con lại sang thăm, tụ họp tại gia đình rất ấm cúng, vui vẻ”, bà Nguyện tâm sự.

Còn với bà Phạm Thị Tuyết, con người và đất nước Lào đã ghi dấu trong những năm tháng tuổi trẻ của mình. Bà Tuyết từng là chiến sĩ hậu cần của Sư đoàn 2, tham gia chiến đấu ở Lào những năm chiến tranh ác liệt. Sau bao năm, người chiến sĩ ấy luôn nhớ những kỷ niệm đối với đất nước và con người Lào. Được nhận các em sinh viên Lào về đỡ đầu là dịp để bà Tuyết gặp lại bà con Lào trong từng khuôn mặt, tấm áo truyền thống và bày tỏ những tình cảm thân thương với đất nước bạn.

“Từ ngày có em sinh viên Lào về nhà, tôi lại thêm niềm vui mới khi dạy con tiếng Việt. Đôi khi hai mẹ con nói chuyện với nhau gặp những từ khó thì phải vận dụng hết khả năng diễn đạt để con hiểu. Các con qua ở với tôi đều rất ngoan, trở thành những người đồng hành cùng tôi trong nhiều chuyến thiện nguyện. Mỗi chuyến đi thiện nguyện tôi đều cố gắng để các con hiểu hơn về sự sẻ chia của con người Việt Nam”, bà Tuyết chia sẻ.

Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố Nguyễn Ngọc Bình cho biết, chương trình ở nhà dân “Homestay” dành cho sinh viên Lào được tổ chức từ năm 2011 đến nay (trừ hai năm 2020, 2021 không tổ chức do Covid-19). Mỗi năm, có 50 đến 100 em tham gia, đến nay có hơn 500 sinh viên được trải nghiệm cuộc sống gia đình Việt. Những gia đình nhận đỡ đầu các em sinh viên đều có tình cảm đặc biệt với đất nước và con người Lào. Khi tuyển chọn, những gia đình này phải đáp ứng được về nhu cầu sinh sống, học tập của sinh viên, tạo mọi điều kiện cho các em có cơ hội được giao lưu, trao đổi ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam với các thành viên trong gia đình.

“Chương trình tạo điều kiện cho sinh viên trao đổi ngôn ngữ, tìm hiểu văn hóa Việt Nam để hòa nhập với cuộc sống cộng đồng địa phương. Qua đó, góp phần tạo môi trường thuận lợi, nâng cao chất lượng học tập cho sinh viên Lào đang theo học tại Đà Nẵng, đồng thời góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào”, ông Bình cho biết.

XUÂN HẬU

.