Ước vọng đầu năm

.

ĐNO - Khi mùa xuân về cũng là lúc nhiều người rủ nhau đi xin chữ đầu xuân để cầu mong mọi điều tốt đẹp đến với gia đình và người thân của mình. Bên cạnh đó, họ cũng chọn ngày, giờ tốt lành để khai bút và xuất hành với mong ước bước sang một năm mới thuận lợi, gặp nhiều may mắn.

Niềm vui của bệnh nhân ung thư sau khi xin chữ tại chương trình “Xuân yêu thương” ở Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng hôm 11-1-2023. Ảnh: Đ.H.L
Niềm vui của bệnh nhân ung thư sau khi xin chữ tại chương trình “Xuân yêu thương” ở Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng hôm 11-1-2023. Ảnh: Đ.H.L

Xin điều ta cần thực hành

Là người thường xuyên tham gia các sự kiện cho chữ đầu xuân và có hơn 40 nghìn người thích và theo dõi qua fanpage “Thư pháp lão trọc”, anh Nguyễn Hữu Pháp (đường Hoàng Diệu, quận Hải Châu) chia sẻ: “Trong những năm gần đây, nhiều người đến xin chữ “bình an”, “hạnh phúc” rất nhiều.

Theo anh Nguyễn Hữu Pháp, người xin chữ là để nhắc nhở họ thực hành và tâm niệm. Đây là việc làm có tính thời điểm bởi sau khi xin chữ và thực hành một thời gian thì họ sẽ chuyển sang xin chữ khác. Vì vậy, người xin chữ nên xin cái ta cần thực hành chứ không nên xin cái kết quả, ví dụ như nên xin chữ “nhẫn” thay vì xin chữ “hạnh phúc”. Còn người cho chữ thì phải có sự chiêm nghiệm, trải nghiệm cuộc sống để đặt mình vào vị trí người xin chữ để cho chữ.

“Khi viết chữ thì người cho chữ thực tập về sự tu tập chính niệm, nhờ đó cảm xúc của mình sẽ chảy theo dòng cảm xúc của người xin chữ. Hiện nay, ở Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Làng nghề Việt Nam trong đó có nghệ nhân thư pháp. Thư pháp hiện vẫn còn thiên về tính cá nhân, mỗi người có những định hướng, quy tắc, phong cách riêng, chứ chưa có chuẩn mực hay trường phái chung”, anh Nguyễn Hữu Pháp nhấn mạnh.

Cũng như nhiều người cho chữ, chị Huỳnh Đoan Vy (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) vui mừng bày tỏ: “Đây là lần thứ 3 trong năm nay em tham gia chương trình cho chữ ngày xuân. Gần Tết, em muốn gieo duyên với thư pháp để cảm thấy cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Trước đây, em chỉ ngắm chữ trong tranh, giờ đến lúc tập thực hành. Khi cho chữ, em gửi ý niệm lành ở trong đó và cầu chúc cho người xin chữ luôn bình an, hạnh phúc và gặp nhiều điều lành trong cuộc sống”.

Hiểu và thương

Tại chương trình “Hội chợ Tết nhân ái” do Hội Chữ thập đỏ và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng tổ chức vào ngày 10-1-2023 ở bên chân cầu Rồng được nhiều người dân đến xin chữ. Anh Trần Phước Hùng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Hiểu và thương” cho biết: “Năm nay có rất nhiều người dân đến xin chữ “hiểu và thương”.

Đặc biệt, tôi rất xúc động khi có một người mẹ đến xin chữ “hiểu và thương” để tặng cho con mình và hai người vợ khác cũng xin “chữ hiểu và thương” để tặng cho chồng mình. Tết này, câu lạc bộ sẽ tặng 50 chữ “hiểu và thương” cho các thành viên trong câu lạc bộ.

Mấy năm trước, câu lạc bộ cũng có cho chữ trực tiếp tại chương trình đêm nhạc gây quỹ ở Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Hầu hết các bệnh nhân đều xin chữ “bình an” với mong ước một năm mới mạnh khỏe, an lành.

Hòa trong không khí rộn ràng của chương trình “Xuân yêu thương” do câu lạc bộ “Nhịp đập yêu thương” tổ chức trước Nhà văn hóa của Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, ông Trịnh Hiệp (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng ngãi) ngồi rón rén bên ông đồ trẻ, miệng nhỏ nhẹ xin hai chữ “bình an”. “Hiện chú đang điều trị bệnh ở tầng 10 của bệnh viện hơn 1 năm nay. Chú xin chữ “bình an” để mong sang năm mới gia đình chú được bình an, không ai phải lo lắng về bệnh tật”, ông Trịnh Hiệp chia sẻ.

Trong khi đó, ông Phan Hưng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cầm trên tay tấm giấy biểu lụa ghi dòng chữ “Phúc - Lộc - Thọ” hồn nhiên nói: “Mình già rồi nên mình thích chữ này. Mình thấy chữ này hay treo trong nhà nên xin về để mong năm mới được hưởng phúc, lộc và sống lâu hơn”.

Còn bà Lê Thị Huệ (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) đang chăm chồng điều trị bệnh thì xin mỗi chữ “nhẫn”. Bà giải thích: “Người bệnh đau đớn thì hay nóng tính không nhịn được lời, mình là người chăm bệnh thì cần nhẫn nhịn để người bệnh được vui. Cô xin chữ “nhẫn”, trước tiên là cho mình để cô học tập, rèn luyện tính nhẫn nhịn, rồi sau đó tặng cho chú để chú được vui và bớt nóng giận khi lên cơn đau”.

Thành bại phụ thuộc vào trí tuệ

Cùng với phong tục xin chữ, khai bút và xuất hành đầu năm đều là những tập tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc nhằm mong cầu một năm mới suôn sẻ. Trong đó, khai bút được xem như một cách để kế thừa truyền thống giáo dục về tinh thần hiếu học của ông cha cho thế hệ sau. Đặc biệt, giới văn sĩ, trí thức, học sinh và những người theo nghề viết lách… thường rất coi trọng phong tục này.

Đã chuyển nghề nhưng cô giáo Hoài Vân (Hòa Khê, quận Thanh Khê) vẫn giữ thói quen khai bút. “Gia đình tôi có truyền thống làm nghề giáo nên cha mẹ vẫn thường khai bút đầu năm, hình ảnh này dần dần ăn sâu vào tâm trí tôi từ nhỏ và hình thành cho tôi thói quen tích cực này.

Với mong muốn một năm mới thuận lợi, hanh thông và vạn sự như ý, tôi thường chọn viết những lời chúc an lành, hạnh phúc; nếu có ngẫu hứng thì sẽ làm thơ hoặc viết đôi dòng cảm tưởng đầu năm lên cuốn sổ mới. Những nét chữ đầu xuân gửi gắm những ước nguyện tốt đẹp trong tuổi mới. Ngoài khai bút, tôi còn nhờ ông bà xem ngày và hướng xuất hành tốt để khởi đầu một năm mới hanh thông và may mắn”, cô Hoài Vân chia sẻ.

Theo chuyên gia phong thủy Phạm Thị Lành (Nại Hiên Đông, Sơn Trà), tác giả cuốn sách “Sổ cát tường - Cẩm nang phong thủy Quý Mão 2023” do NXB Đà Nẵng phát hành vào cuối năm 2022 cho rằng, khai bút đầu năm nhằm khơi gợi những điều tốt đẹp mà chúng ta hướng tới trong năm mới, có thể là một cột mốc quan trọng trong cuộc đời mà bạn cần chạm đến. Đây là lúc chúng ta hấp dẫn nguồn năng lượng tốt đẹp vào thời khắc Giao thừa.

Một cuốn sách bổ ích về phong thủy của tác giả Phạm Thị Lành cho năm mới 2023 do Nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành. Ảnh: Đ.H.L
Một cuốn sách bổ ích về phong thủy của tác giả Phạm Thị Lành cho năm mới 2023 do NXB Đà Nẵng phát hành. Ảnh: Đ.H.L

Còn việc xuất hành dựa trên quy luật nền tảng âm dương ngũ hành của phong thủy, qua đó chọn ngày tốt để xuất hành tùy việc (nhanh, gấp, quan trọng), tùy thời, tùy người (thiên can địa chi của tuổi, lĩnh vực nghề nghiệp hoạt động, tháng sinh).

“Xuất hành ngày Tết chỉ gói gọn trong 4 ngày, do đó phải chọn ngày tốt nhất tương hợp thiên can địa chi của ngày. Năm nay, ngày mồng 1 không phải là ngày tốt nhất, vì vậy không nên làm những việc quá quan trọng vào ngày này mà chỉ nên đi thăm ông bà, người thân. Tuy nhiên, đây cũng là ngày phù hợp để khai bút đầu xuân. Ngày mồng 2 là ngày bình thường nên có thể xuất hành để đi chơi, khai bút. Hướng tốt cầu hỷ thần (tình duyên) là đi theo hướng Tây Nam, còn cầu tài thần thì đi hướng chính Đông.

Ngày mồng 3 là ngày xấu nên mọi người không nên đi chơi xa mà chỉ nên đi lễ chùa và thăm hỏi bà con họ hàng ở gần. Ngày mồng 4 là ngày tốt nhất, do đó khuyên khích mọi người xuất hành mở hàng, đi xin chữ, khai bút… Trong ngày này, muốn đón hỷ thần thì đi hướng Đông Nam, còn đón tài thần thì đi hướng chính Nam”, bà Phạm Thị Lành khuyên.

Tuy nhiên, chuyên gia phong thủy Phạm Thị Lành cũng khẳng định rằng, theo quan niệm của ông bà ta thì trước năm 30 tuổi, sự thành bại là do nhân duyên phước đức của mỗi người tạo nên. Sau 30 tuổi là do bản thân mình quyết định và phụ thuộc vào trí tuệ để nhận biết các quy luật tự nhiên, xã hội để thay đổi bản thân đúng với những điều mình muốn. Lá số tử vi chỉ giúp ta thông tin về bản thể, khả năng nội lực và xu thế phát triển của mình, từ đó tìm cách phát triển, chứ không an phận về điều đó.

“Tùy mong ước của từng người xin chữ nên người cho chữ cũng cần tư vấn cho họ trước khi cho chữ. Người cho chữ phải khơi được mong muốn của người xin chữ, chứ không cho chữ gì lấy chữ đó. Đặc biệt, người cho chữ không nên làm những điều ngược lại những điều mình cho”.

Nghệ nhân thư pháp Nguyễn Hữu Pháp

“Tôi lớn lên trong dòng họ có cha ông yêu mến nghiên cứu phong thủy. Truyền dạy vốn sống thông qua phong thủy cũng là nếp nhà. Tôi nhận thức sâu sắc rằng, phong thủy trong kho tàng tri thức xưa có bề dày hơn 5.000 năm lịch sử, chứa đựng vô vàn kiến thức giá trị song cũng có nhiều điều chưa được lý giải tường minh.

Chúng ta là người trẻ được tiếp cận khoa học bài bản, hãy đón nhận tri thức cổ thật khách quan và chính kiến. Tri thức dù mới hay cũ mà giúp cuộc sống chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, bình an hơn... đều đáng được trân trọng và gìn giữ”.

Chuyên gia phong thủy Phạm Thị Lành

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.