Phong trào phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn gắn với nâng chuẩn nông thôn mới tại các xã của huyện Hòa Vang được nhân dân hưởng ứng tích cực. Các địa phương thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để nông dân vay vốn, đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên quê hương.
Anh Phan Văn Hùng (thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) đầu tư trang trại trồng nấm bào ngư, mang lại thu nhập ổn định. Ảnh: LAM PHƯƠNG |
Hơn 2 năm nay, trang trại nuôi trồng nấm của anh Phan Văn Hùng (thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) không chỉ là nguồn cung cấp nấm bào ngư cho các nhà hàng, quán ăn, chợ mà còn là nơi lui tới tham quan, học nghề của nhiều nông dân trên địa bàn huyện.
Anh Hùng kể, hơn 2 năm trước, Covid-19 ập đến, anh quyết định nghỉ việc ở ngành du lịch, về quê lập nghiệp. Sau khi nghiên cứu thị trường, đi các địa phương lân cận học nghề làm nấm, anh Hùng mạnh dạn đầu tư trang trại trồng nấm bào ngư, nấm rơm. Sau vài lần thất bại, anh rút kinh nghiệm và chuyên nghiệp hơn trong các khâu trồng nấm.
Để có sản lượng nấm ổn định cung ứng cho thị trường, năm 2021, qua sự kết nối, giới thiệu của Hội Nông dân xã Hòa Phong, anh Hùng được Phòng Nông nghiệp huyện Hòa Vang hỗ trợ vốn 100 triệu đồng theo dạng đối ứng 50% để xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ việc nuôi trồng nấm.
Nhờ đó, trang trại nấm của anh Hùng hoạt động ổn định, sản xuất nấm chất lượng tốt, được bạn hàng tin tưởng. Không chỉ trồng nấm bào ngư, anh Hùng còn nghiên cứu trồng thêm nấm linh chi, nấm đông trùng hạ thảo phục vụ nhu cầu thị trường.
“Nhờ các đợt tập huấn trau dồi kỹ năng, kiến thức trồng nấm do địa phương tổ chức và nguồn vốn hỗ trợ từ huyện, tôi tự tin có đủ năng lực và nguồn lực để duy trì và phát triển nghề trồng nấm tại gia đình cũng như sẵn sàng hướng dẫn kinh nghiệm trồng nấm cho các hộ dân muốn học nghề để cùng phát triển”, anh Hùng nói.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Đặng Xuân Thành cho biết, từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đến nay, trên địa bàn xã xây dựng và phát triển 7 mô hình kinh tế hiệu quả, như: hợp tác xã rau an toàn Túy Loan, bánh tráng Túy Loan, làm nấm, nuôi thủy sản Khương Mỹ, ớt Bồ Bản,...
Để hỗ trợ nông dân, xã định hướng xây dựng các mô hình thành các tổ hợp tác, huy động sự tham gia của đông đảo hộ dân để duy trì và phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã đề xuất cấp trên hỗ trợ về trang thiết bị, vật tư, cây giống; mở các lớp tập huấn, dạy nghề để hỗ trợ người dân. Song song đó, địa phương cũng hỗ trợ các hộ sản xuất xây dựng và đăng ký sản phẩm OCOP, chứng nhận mã QR-code để khẳng định thương hiệu; đồng thời hỗ trợ kết nối, giới thiệu những sản phẩm chất lượng đến các cơ sở tiêu thụ như: siêu thị, cửa hàng thực phẩm, giúp người dân có đầu ra ổn định.
Tại xã Hòa Khương, tận dụng lợi thế mặt bằng nhiều vùng trũng thấp, Hội Nông dân xã vận động người dân phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Khương Trần Văn Mười cho biết, để hỗ trợ người dân, Hội Nông dân xã phối hợp Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn, men vi sinh, hỗ trợ kiểm nghiệm phân tích môi trường nước, mẫu cá, mẫu thức ăn,… Nhờ đó, nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư kinh phí, mở rộng quy mô nuôi cá. Đến nay, toàn xã có hơn 300 hộ dân tham gia nuôi cá nước ngọt với tổng diện tích mặt nước hơn 60,5ha. Các hộ tham gia mô hình đều có nguồn thu nhập ổn định, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Tại xã Hòa Bắc, nhờ lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với sự phát triển của cây chè dây, từ năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Phòng Kinh tế huyện Hòa Vang triển khai mô hình trồng cây chè dây thương phẩm. Các hộ dân khi tham gia mô hình trồng chè dây được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và theo dõi quy trình phát triển của cây chè.
Tham gia mô hình, anh Lê Anh Tú (thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc) mạnh dạn đầu tư kinh phí trồng 2ha cây chè dây; đồng thời được hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư hệ thống tưới tự động, mua máy cắt phục vụ việc chế biến. Từ năm 2021, Hội Nông dân xã Hòa Bắc hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu chè dây Hòa Bắc. Song song đó, địa phương cũng hỗ trợ anh Tú trong việc giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ hàng Việt, ngày hội nông sản, hỗ trợ đăng ký sản phẩm OCOP để khẳng định thương hiệu trên thị trường.
“Hiện nay, tôi đang trồng hơn 2ha chè dây, đồng thời liên kết với các hộ trồng chè dây trên địa bàn xã, mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 4 tấn chè dây khô, mang lại hơn 800 triệu đồng/năm, góp phần tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân”, anh Tú nói.
Theo Phó trưởng ban Dân vận Huyện ủy Hòa Vang Nguyễn Hữu Long, thời gian qua, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế, cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã tích cực vận động nhân dân phát huy thế mạnh của địa phương và gia đình, mạnh dạn đầu tư vốn, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, huyện cũng đề xuất thành phố dành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ở huyện Hòa Vang, như: hỗ trợ lãi suất vay đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tập trung, chuyên canh rau, củ, quả, hoa, cây cảnh,…
Nhờ đó, các mô hình kinh tế gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn huyện phát huy hiệu quả cao, thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
LAM PHƯƠNG