Những ngày cuối tháng Hai này và tháng Ba tới, không khí lạnh hoạt động với tần suất và cường độ giảm dần nhưng vẫn còn khả năng gây ra rét đậm tại các tỉnh vùng núi và Trung du Bắc Bộ.
Nhiều người dân Thủ đô đã ra đường với những trang phục áo dày và khăn len chùm kín. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) |
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, những ngày cuối tháng Hai này và tháng Ba tới, không khí lạnh hoạt động với tần suất và cường độ giảm dần nhưng vẫn còn khả năng gây ra rét đậm tại các tỉnh vùng núi và Trung du Bắc Bộ.
Tuy nhiên, so với trung bình nhiều năm, không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh hơn trong cuối tháng Hai, đầu tháng Ba và gây gió mạnh, sóng lớn, ảnh hưởng đến các hoạt động trên các vùng biển.
Ngoài ra, không khí lạnh gây giảm nhiệt độ về đêm và sáng ở Bắc Bộ có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng. Khu vực Trung Bộ có nhiều ngày có mưa, mưa rào, cục bộ có dông.
Từ ngày 24-25-2, đợt không khí lạnh tăng cường gây rét ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ về đêm và sáng sớm. Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngày 24-2 có mưa rải rác.
Khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông; riêng từ ngày 25-27-2 có mưa vừa, có nơi mưa to, dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Để chủ động phòng tránh các bệnh lý nói chung, bệnh về đường hô hấp nói riêng, nhất là trong thời tiết giá lạnh, Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế, khuyến cáo: mỗi người dân cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng ở cả lượng và chất. Người dân nên ăn nhiều hoa quả, cân đối các nhóm dưỡng chất như tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất; uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
Các bác sỹ cũng lưu ý đối với trẻ em, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc đủ ấm, ăn uống đủ dinh dưỡng, tránh cho trẻ ra ngoài mà không đeo khẩu trang. Cha mẹ cần đặc biệt chú ý mặc ấm, nhưng không nên mặc cho trẻ quá nhiều áo, dễ bị toát mồ hôi, ngấm ngược vào cơ thể gây cảm lạnh, sốt cao.
Trước diễn biến thời tiết phức tạp, các địa phương chịu ảnh hưởng bởi rét đậm, cử cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát cơ sở, có thông báo và hướng dẫn kịp thời về các biện pháp chống rét cho người chăn nuôi biết để họ chủ động trong công tác phòng, chống rét đối với vật nuôi, cây trồng.
Người chăn nuôi cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ tài sản của mình. Khi ý thức tự bảo vệ tài sản của mỗi người dân được nâng cao cộng với sự nhắc nhở kịp thời của chính quyền trước mỗi thay đổi về thời tiết sẽ giúp người nông dân giảm thiểu đáng kể rủi ro không đáng có.
Theo Vietnam+