Xã hội hóa trồng cây, tăng mảng xanh đô thị

.

Xã hội hóa trồng cây xanh là giải pháp được các địa phương trên địa bàn thành phố triển khai và đã mang lại hiệu quả cao. Qua đây nâng cao nhận thức của người dân trong việc trồng, bảo vệ cây xanh, cải thiện môi trường sống của cộng đồng, phát huy nguồn lực xã hội trong công tác quản lý, phát triển cây xanh đô thị.

Cây xanh đô thị không chỉ có giá trị kinh tế, môi trường, sức khỏe mà còn là di sản văn hóa góp phần tạo nên diện mạo, bản sắc văn hóa trong đời sống đô thị. TRONG ẢNH: Toàn cảnh hồ Công viên 29-3 nhìn từ trên cao. Ảnh: KIM LIÊN
Cây xanh đô thị không chỉ có giá trị kinh tế, môi trường, sức khỏe mà còn là di sản văn hóa góp phần tạo nên diện mạo, bản sắc văn hóa trong đời sống đô thị. TRONG ẢNH: Toàn cảnh hồ Công viên 29-3 nhìn từ trên cao. Ảnh: KIM LIÊN

Cải thiện môi trường sinh thái

Đầu tháng 12-2022, tại công viên đường Thế Lữ (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), UBND quận Sơn Trà phát động trồng hơn 30 cây xanh và kêu gọi xã hội hóa cây xanh tại các công viên, vườn dạo trên địa bàn quận.

Bà Phạm Nguyễn Thùy Dương, Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc cho biết, việc phát động phong trào trồng cây xanh nhận được hưởng ứng tích cực từ các hội, đoàn thể, khu dân cư và người dân trên địa bàn phường. Địa phương phát động trồng hơn 100 cây hoàng yến, sấu, thàn mát và cây ăn trái tại các công viên, vườn dạo, nhà văn hóa phường.

“Trên địa bàn phường có 9 công viên, vườn dạo, trong đó, 4 công viên đang được trồng thêm cây xanh, 5 công viên được duy trì chăm sóc bởi người dân khu vực và hỗ trợ của Mặt trận, các hội, đoàn thể phường. Các cây xanh tại những nơi này đều đang sinh trưởng, phát triển tốt, tạo thêm mảng xanh cho địa phương”, bà Dương thông tin.

Được biết, nhằm cải thiện cảnh quan, diện mạo đô thị, từ năm 2021, UBND quận Sơn Trà triển khai đề án “Xây dựng công viên - vườn dạo trên địa bàn quận Sơn Trà”. Theo đó, có khoảng 47 khu đất quy hoạch làm công viên, vườn dạo với tổng diện tích 130.122m2; trong đó, 35 công viên, vườn dạo có tổng diện tích 55.034m2 đã được đầu tư xây mới và duy tu.

Tại đây, một số công trình văn hóa, khu tưởng niệm được nâng cấp, đầu tư thêm mảng xanh cải thiện môi trường sống trong khu dân cư, góp phần tăng mật độ cây xanh tại địa phương nói riêng và quận nói chung. Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Hoàng Công Thanh cho hay, việc đầu tư thực hiện theo hướng phục vụ lợi ích công cộng, tiết kiệm ngân sách.

Đặc biệt là kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ trồng, vận động người dân trồng và chăm sóc cây xanh. Từ đó, bảo đảm vệ sinh môi trường, nâng cao nhận thức của cộng đồng, tạo cảnh quan khu vực và đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân; khuyến khích cộng đồng cùng tham gia đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác giá trị văn hóa của các khu công viên, vườn dạo đạt hiệu quả.

Phòng Quản lý đô thị quận Liên Chiểu thông tin, hiện có 4/11 công viên, vườn dạo lớn trên địa bàn được UBND quận thực hiện chăm sóc duy tu thường xuyên. Đối với 7 công viên còn lại, UBND quận kêu gọi xã hội hóa và chỉ đạo các địa phương theo dõi tình hình phát triển cây xanh, báo cáo các trường hợp cây xanh bị sâu bệnh, có nguy cơ ngã đổ để kịp thời đốn hạ và trồng thay thế để bảo đảm mảng xanh.

Xã hội hóa trồng cây xanh là giải pháp được các địa phương trên địa bàn thành phố triển khai và mang lại hiệu quả cao. Trong ảnh: Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia phát động trồng cây xanh tại đường Hoàng Sa, phường Thọ Quang.  Ảnh: V.H
Xã hội hóa trồng cây xanh là giải pháp được các địa phương trên địa bàn thành phố triển khai và mang lại hiệu quả cao. TRONG ẢNH: Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia phát động trồng cây xanh tại đường Hoàng Sa, phường Thọ Quang. Ảnh: V.H

Hướng phát triển phù hợp

Theo UBND quận Liên Chiểu, các địa phương và các ngành chức năng trên địa bàn quận chú trọng công tác tuyên truyền về vai trò của cây xanh, ý thức bảo vệ, chăm sóc cây; triển khai thực hiện đề án “Xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị thành phố Đà Nẵng” và đưa các hình ảnh, mô hình xã hội hóa phát triển cây xanh, từng bước nhân rộng và áp dụng trên địa bàn quận.

Thực tế cho thấy, việc xã hội hóa phát triển cây xanh được nhiều người dân, đơn vị đồng tình hưởng ứng. Một số mô hình tiêu biểu về cây xanh trên địa bàn như nhà xanh, căn hộ xanh, chung cư xanh, ngõ xanh, phố xanh, khu dân cư xanh, công trình xanh để tuyên dương, khen thưởng nhân rộng...

Ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) nhận định, xã hội hóa trồng cây xanh, nhất là trồng cây tại các công viên, vườn dạo là một hướng tiếp cận rất phù hợp trong huy động sự tham gia, đóng góp của cộng đồng nhằm tạo thêm các không gian xanh trên địa bàn thành phố.

Là đô thị phát triển, Đà Nẵng rất cần những công viên, vườn dạo công cộng có nhiều cây xanh để tạo không gian sinh hoạt chung cho cộng đồng, góp phần cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo vệ môi trường. Việc kêu gọi xã hội hóa cây xanh phù hợp với nhu cầu và mong muốn của cộng đồng đã tạo nên phong trào được đông đảo người dân ủng hộ, góp phần vào việc nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa và giá trị của cây xanh đô thị.

Đồng hành cùng thành phố triển khai thực hiện hiệu quả đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”, GreenViet đã và đang triển khai chương trình “Một triệu cây xanh đô thị” nhận được sự hỗ trợ, tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước và các tổ chức xã hội, địa phương. Riêng tại Đà Nẵng, chương trình trồng gần 15.000 cây tại trường học và công viên vườn dạo, nổi bật như: công viên đình làng Phước Trường (phường Phước Mỹ), công viên Nại Nghĩa, công viên Nại Hưng 3 (phường Nại Hiên Đông)...

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.