100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1-3-1923 - 1-3-2023): Vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo đức độ và tài năng

.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, tên khai sinh Nguyễn Hữu Vũ (bí danh Nguyễn Văn Đồng), sinh ngày 1-3-1923 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Trên cương vị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn, đồng chí đã có những quyết định sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức lực lượng, xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả đường Trường Sơn, kịp thời chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn vận tải 101 thuộc Tiểu đoàn 3 trong một chiến dịch vận chuyển, mùa khô năm 1970-1971. (Ảnh tư liệu)
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn vận tải 101 thuộc Tiểu đoàn 3 trong một chiến dịch vận chuyển, mùa khô năm 1970-1971. (Ảnh tư liệu)

Thời gian làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1967-1976) cũng là giai đoạn cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt nhất, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, cùng với những sáng kiến táo bạo, kịp thời, hợp với thực tiễn chiến đấu của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, tuyến giao thông chiến lược Trường Sơn không còn là những con đường đơn lẻ mà phát triển thành một hệ thống giao thông vận tải lớn với hàng chục, hàng trăm ngả đường như “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã cùng với Bộ Tư lệnh chỉ đạo mạng lưới đường, cầu nhiều trục dọc Bắc - Nam, Đông - Tây Trường Sơn xuyên cả ba nước Đông Dương. Nhiều trục ngang nối hai sườn Đông - Tây, nối tất cả các chiến trường, tạo nên một hệ thống giao thông liên hoàn và đồng bộ, đa dạng và kỳ hình. Đây thực sự là một hệ thống giao thông vận tải quân sự lớn nhất với nhiều trục dọc, trục ngang có độ dài 17.000km, hệ thống đường dẫn xăng dầu dài 1.400km, đường sông dài 600km, đường giao liên hành quân bộ và tải thương dài 1.200km, mạng thông tin đường dây tải ba dài 1.350km.

Công tác bảo đảm xăng, dầu cho vận chuyển cơ giới là yếu tố sống còn của công tác vận tải. Đầu năm 1969, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã đưa ra kế hoạch xây dựng tuyến đường ống xuyên suốt Trường Sơn từ cửa khẩu vào tới chiến trường Nam Bộ với chiều dài khoảng 1.400km.

Đề xuất này được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh thống nhất kiến nghị và được Quân ủy Trung ương phê chuẩn. Qua đó, hình thành một hệ thống đường ống xăng dầu hoàn chỉnh, liên hoàn cả Đông và Tây Trường Sơn; đồng bộ với đó là hệ thống kho tàng phục vụ cấp phát suốt dọc tuyến với gần 50 kho lớn, nhỏ có trữ lượng 27.000m3, 114 trạm bơm đẩy có sức bơm 600-800m3/ngày đêm trên một hướng. Việc xây dựng tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn đã giải quyết cơ bản việc cung ứng xăng dầu cho tất cả các lực lượng vận tải của Bộ đội Trường Sơn, lực lượng vận tải của hai nước bạn Lào và Campuchia cũng như các lực lượng hành quân của Bộ trên đường Trường Sơn.

Đặc biệt, trong Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh, tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn đã đáp ứng mọi yêu cầu về xăng dầu cho tất cả các lực lượng tham gia chiến dịch một cách thuận lợi, kịp thời và nhanh chóng.

Hệ thống đường Trường Sơn thực sự là chiến trường khốc liệt giữa nỗ lực của miền Bắc chi viện cho quân giải phóng miền Nam và quân đội Mỹ và đồng minh tìm mọi cách nhằm mục đích cắt đứt con đường vận tải chiến lược này. Bằng sự mưu trí, sáng tạo, với bản lĩnh và ý chí quyết tâm vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và Bộ đội Trường Sơn đã thực hiện thành công công cuộc chi viện cho chiến trường miền Nam; làm thất bại mọi âm mưu chiến lược của kẻ thù, lập nên những chiến công vang dội, để lại những dấu son chói lọi trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã góp phần quan trọng vào thành tích, chiến công, vị trí và tầm vóc vĩ đại của Bộ đội Trường Sơn trong 16 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành. Theo đó, Bộ đội Trường Sơn đã đối mặt với 733.000 trận oanh kích bằng đủ loại máy bay của giặc Mỹ trút xuống Trường Sơn 4 triệu tấn bom, hàng chục vạn lít chất độc hóa học da cam/dioxin.

Song Bộ đội Trường Sơn đã mở hệ thống đường giao thông với 5 trục dọc và 21 trục ngang dài hơn 17.000km cho xe cơ giới, vận chuyển gần 2 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực chi viện cho các hướng chiến trường.

Từ năm 1973 đến 1975 đã chở bằng cơ giới 40 vạn quân và tổ chức hành quân cho 25 đoàn binh khí kỹ thuật vào chiến trường, cơ động bằng xe cơ giới 10 lượt sư đoàn của 3 quân đoàn chủ lực tham gia chiến dịch; tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn ở Nam Lào; bắn rơi tại chỗ 2.454 máy bay các loại. Bộ đội Trường Sơn đã huy động 6 sư đoàn phối thuộc tham gia góp phần vào thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Không chỉ là vị tướng tài ba và có tầm nhìn sắc sảo, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn là một vị chỉ huy có tâm, có tình thương yêu đồng chí, đồng đội tha thiết. Đồng chí hiểu hơn ai hết về nỗi khát khao cháy bỏng của những người mẹ, người cha, của các gia đình đã hiến dâng những người con thân yêu cho Tổ quốc là được chăm lo một phần cho người đã khuất.

Hàng vạn đồng chí, đồng đội đã nằm lại trên đại ngàn Tây Trường Sơn cần phải được tìm kiếm để mang về Tổ quốc. Trung tướng  Đồng Sỹ Nguyên đã đề xuất Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn chủ trương tổ chức lực lượng cất bốc hài cốt liệt sĩ hy sinh ở Tây Trường Sơn để đưa về nước. Đề xuất này sau đó đã được triển khai trên toàn lực lượng Trường Sơn.

Từ cuối năm 1974, khi kế hoạch xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn đã được vạch ra, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chỉ thị cho các cơ quan chuyên môn dành thời gian để thiết kế, xây dựng. Trong thời gian này, dù phải tập trung chỉ huy chuẩn bị cho chiến dịch Tây Nguyên, đồng chí vẫn dành thời gian để xuyên rừng, lội bộ cùng trinh sát công binh trực tiếp tìm địa điểm đặt Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn tại Đồi Bết Tắt (xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị ngày nay).

Trong không khí khẩn trương của nhiệm vụ giải phóng miền Nam, ngày 24-2-1975, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn đã được Bộ Tư lệnh Trường Sơn khởi công xây dựng và hoàn thành vào ngày 10-4-1977. Đây là công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất, có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng biết ơn vô hạn và sự tôn vinh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất trên Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh vĩ đại.

Sau ngày đất nước được giải phóng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được điều động giữ nhiều chức vụ khác nhau, như: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách Tổng cục Xây dựng kinh tế; Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1986-1991)… Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương, phần thưởng cao quý khác.

AN NHIÊN
(Tổng hợp từ nguồn tài liệu Ban Tuyên giáo Trung ương)

;
;
.
.
.
.
.