Chính trị - Xã hội
Bỏ yêu cầu giấy xác nhận nơi cư trú: Giao "xe" nhưng không giao "chìa khóa"
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số ngày 25-2, các cơ quan hành chính của thành phố đã bỏ yêu cầu giấy xác nhận nơi cư trú khi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Trước đó, các cơ quan này đã được hướng dẫn 7 phương thức sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) thay thế sổ hộ khẩu theo tinh thần Nghị định số 104/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên, các cơ quan hành chính của thành phố không đủ điều kiện để khai thác thông tin từ CSDLQGVDC. Điều này giống như việc giao “xe” mà không giao “chìa khóa”.
Người dân đến giao dịch tại bộ phận "Một cửa" phường Thọ Quang (quận Sơn Trà). Ảnh: TRỌNG HUY |
Chưa có thiết bị đọc căn cước công dân
Theo ghi nhận thực tế, hiện nay ở các phường trên địa bàn thành phố, việc khai thác thông tin từ CSDLQGVDC vẫn chưa thực hiện được do chưa được trang bị máy quét thẻ căn cước công dân (CCCD) tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ TTHC.
Một cán bộ phụ trách bộ phận “Một cửa” phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) cho biết, nếu chỉ dùng điện thoại quét mã trên thẻ CCCD gắn chíp thì không thể khai thác dữ liệu liên quan được, mà chỉ hiển thị thông tin nhân thân cơ bản nhất của công dân về chỗ ở (tại thời điểm làm CCCD). Chỉ khi sử dụng máy quét thẻ CCCD cùng với tài khoản được cấp, cán bộ phụ trách mới đăng nhập được vào CSDLQGVDC. Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) Trần Văn Hùng cho biết, UBND phường đã chấp hành ngay việc không yêu cầu công dân có giấy xác nhận cư trú khi đi làm TTHC. Thay vào đó, cán bộ phụ trách sẽ chủ động liên hệ với Công an phường để kiểm tra xem dữ liệu công dân khai có đúng, khớp với hồ sơ không. Như vậy là cán bộ làm thay việc công dân đề nghị Công an phường cấp giấy xác nhận cư trú.
Chủ tịch UBND phường Thạch Thang (quận Hải Châu) Trần Thế Sơn cho biết, phường chấp hành nghiêm việc không yêu cầu công dân có giấy xác nhận cư trú khi giải quyết. Nhưng một số thủ tục cần xác minh cư trú phức tạp yêu cầu phải có, như kết hôn vẫn buộc phải yêu cầu giấy xác nhận cư trú. "Những thủ tục như thế này nếu làm không cẩn thận, để xảy ra sai sót thì hậu quả lớn, rất khó khắc phục. Việc hướng dẫn khai thác thông tin từ CSDLQGVDC theo Nghị định 104/2022/NĐ-CP nhưng không cung cấp phương tiện thì điều này không khác gì việc giao xe mà không giao chìa khóa xe, làm sao mà đi xe được", ông Sơn nói.
Phó Chánh văn phòng UBND quận Hải Châu Nguyễn Văn Xuyên thừa nhận, hiện nay CSDLQGVDC chưa được chia sẻ. Các phường cũng như quận cũng chưa được trang bị máy quét thẻ CCCD nên vẫn chưa khai thác thông tin bằng các phương thức xác minh cư trú ngoài giấy xác nhận cư trú. Đây cũng là tình trạng chung toàn thành phố chứ không riêng gì Hải Châu. “Ngay như bản thân tôi, dù đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2, nhưng suốt mấy tháng qua các thông tin về dữ liệu của cá nhân vẫn chưa được cập nhật đầy đủ, huống chi người dân”, ông Xuyên nói.
Chủ tịch UBND phường Thanh Bình (quận Hải Châu) Võ Duy Lâm chia sẻ, vừa qua các địa phương đã có kiến nghị lên các cấp liên quan việc trang bị máy móc, thiết bị cũng như tập huấn, đào tạo nhân lực để triển khai đồng bộ, hiệu quả trong giải quyết TTHC cho người dân khi bỏ sổ hộ khẩu, nhưng đến nay chưa có hồi âm.
Còn tiếp tục chờ
Phó trưởng phòng Kiểm soát TTHC, Văn phòng UBND thành phố Trương Thị Mỹ Xuyên cho biết, qua phản ánh, kiến nghị của công dân, Văn phòng UBND thành phố đã kiểm tra thực tế và ghi nhận một số thủ tục (kết hôn) vẫn còn yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận cư trú ở một số phường. Đây là bất cập nảy sinh trong thực tế khi triển khai vì hiện bộ phận “Một cửa” ở các phường, xã chưa thể truy cập vào CSDLGQVDC do chưa có thiết bị đọc chíp cũng như chưa có quá trình tập huấn, đào tạo cho cán bộ phụ trách. Tất cả hiện vẫn phải chờ. Còn chờ đến bao giờ và đơn vị nào sẽ cung cấp, trang bị máy móc, thiết bị hỗ trợ đọc chíp trên thẻ CCCD hiện tại vẫn chưa được thông báo cụ thể.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng, việc bỏ sổ hộ khẩu, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý cư trú có ý nghĩa to lớn, góp phần cải cách TTHC, giảm phiền hà, sách nhiễu, tiếp xúc với nhân dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn chưa có sự đồng bộ toàn diện, nhất là các tồn tại, bất cập từ cơ sở chưa được giải quyết thấu triệt, dẫn đến các vướng mắc khi triển khai. Trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay, rõ ràng chưa mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, vẫn tồn tại phiền hà, cần phải giải quyết dứt điểm các tồn tại đó mới phát huy hiệu quả, bảo đảm ý nghĩa thiết thực khi thực hiện chuyển đổi số.
Tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), phường đông dân nhất quận, theo ghi nhận của phóng viên, vẫn có người dân khi đi làm TTHC có tâm lý sợ thiếu (giấy xác nhận cư trú - PV) nên vẫn đem theo sổ hộ khẩu phòng trường hợp cán bộ yêu cầu đối chứng. Qua theo dõi, khi người dân tự cung cấp sổ hộ khẩu, cán bộ bộ phận “Một cửa” phường này vẫn kiểm tra, theo dõi sổ hộ khẩu rồi trả lại cho người dân. Điều này rõ ràng công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hiểu về Luật Cư trú 2020 và các quy định liên quan đến sổ hộ khẩu tại địa phương này chưa có hiệu quả. Điều 38, Luật Cư trú quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31-12-2022.
|
3 cơ quan cần ngồi lại với nhau để tìm giải pháp tháo gỡ Liên quan đến việc người dân khi thực hiện các TTHC vẫn phải nộp giấy xác nhận nơi cư trú (như đăng ký kết hôn, đăng ký bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, đăng ký khai sinh…), tại phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND thành phố chiều 28-2, Phó ban Pháp chế HĐND thành phố Huỳnh Bá Cử đề nghị, để giảm bớt phiền hà cho người dân, Công an thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp cần ngồi lại với nhau để tìm giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Cùng với đó, tại bộ phận “Một cửa” các cấp cần bố trí cán bộ phụ trách có hướng dẫn cụ thể cho người dân thực hiện các phương thức xác minh cư trú từ thẻ CCCD, đồng thời cần trang bị thiết bị đọc chip CCCD tại đây để giải quyết TTHC liên quan cho người dân. |
TRỌNG HUY