Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo khi chuẩn hóa thông tin thuê bao di động

.

Những ngày gần đây trên địa bàn thành phố, nhiều người dân nhận được cuộc gọi của các đối tượng, nhóm đối tượng khai thác thông tin của các chủ thuê bao điện thoại để trục lợi, lừa đảo.

Hình thức lừa đảo tự nhận là nhân viên, chuyên viên của các cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu người dân cung cấp các thông tin không còn quá mới nhưng các thủ đoạn ngày càng tinh vi, đánh vào tâm lý lo lắng sẽ bị khóa dịch vụ nếu không làm theo các yêu cầu của những nhóm đối tượng này. (Ảnh có tính minh họa) Ảnh: C.T
Hình thức lừa đảo tự nhận là nhân viên, chuyên viên của các cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu người dân cung cấp các thông tin không còn quá mới nhưng các thủ đoạn ngày càng tinh vi, đánh vào tâm lý lo lắng sẽ bị khóa dịch vụ nếu không làm theo các yêu cầu của những nhóm đối tượng này. (Ảnh có tính minh họa). Ảnh: C.T

Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) nhận được nhiều cuộc gọi có đầu số 0813xxxxxx yêu cầu thực hiện theo các bước với nội dung chỉ dẫn. Các đối tượng lừa đảo tự nhận là chuyên viên của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) yêu cầu người dùng cung cấp số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân để kiểm tra hệ thống cho thuê bao đã thực hiện đăng ký thông tin chính chủ hay chưa.

Ban đầu, chị từ chối cung cấp thông tin, nhưng sau khi bị các đối tượng đưa ra những lời đe dọa như sẽ khóa thuê bao ngay lập tức nếu không làm theo hướng dẫn. Hơn nữa, các đối tượng lừa đảo còn nhấn mạnh bản thân là chuyên viên của một bộ  nên chị đã cung cấp các thông tin theo yêu cầu. Sau khi chị thực hiện theo hướng dẫn liền bị mất quyền kiểm soát sim điện thoại và bị các đối tượng xấu chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội.

Xem trên các phương tiện truyền thông những ngày này cũng đề cập đến việc chuẩn hóa thông tin trước ngày 31-3, anh Văn Viết Huy (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) bày tỏ lo lắng khi không biết thuê bao điện thoại của mình đã được xác thực thông tin hay chưa.

Do đó, khi nhận được tin nhắn kèm hướng dẫn bổ sung thông tin,  anh nhanh chóng thực hiện theo yêu cầu mà không hề biết đó chỉ là tin nhắn giăng bẫy của các đối tượng lừa đảo. “Sau khi nhấn vào đường dẫn được cung cấp và thực hiện các bước nhập thông tin, tài khoản ngân hàng và mã xác nhận, tôi bắt đầu nhận được những tin nhắn giao dịch chuyển tiền đã thực hiện thành công, số tiền bị các đối tượng xấu chuyển đi gần 2 triệu đồng”, anh Huy bức xúc cho biết.

Qua tìm hiểu, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động cho biết không tiến hành khóa 2 chiều thuê bao qua hình thức gọi điện thông báo, nhất là khi thông tin đăng ký đầy đủ, thanh toán cước và các chi phí liên quan đúng quy định và thời hạn. Các nhà mạng, các phương tiện truyền thông, báo chí đã nhiều lần cảnh cáo các thủ đoạn lừa đảo mới đến khách hàng, nhưng cách thức của những nhóm đối tượng xấu luôn thay đổi và ngày càng tinh vi hơn khi nhắm vào tâm lý lo sợ, hoang mang của chủ thuê bao để trục lợi.

Ông Phạm Ngọc Kim Đồng, Phó Giám đốc Viettel Đà Nẵng (chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội tại Đà Nẵng) thông tin, cách thức lừa đảo yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin, số tài khoản... không còn mới, tuy nhiên trong bối cảnh nhiều nhà mạng đang triển khai thực hiện rà soát theo quy định khiến những người không nắm vững thông tin về việc chuẩn hóa thuê bao có tâm lý lo lắng việc sim điện thoại sẽ bị tạm dừng, khóa.

“Người dân nên chủ động thực hiện các bước xác minh, xử lý nếu thông tin chưa trùng khớp với cơ sở dữ liệu về dân cư từ sớm. Hiện nay, các nhà mạng đều có tổng đài để kiểm tra thông tin chủ thuê bao để người dân xác minh xem sim điện thoại của mình đã chuẩn hóa hay bổ sung thêm thông tin nào khác không”, ông Đồng khuyến cáo.

Để tránh gặp những rủi ro trong quá trình sử dụng cũng như không để các đối tượng xấu lợi dụng để khai thác, lừa đảo, các nhà mạng khuyến khích người dân kiểm tra thông tin từ nguồn chính thống, khi cần cập nhật thông tin cá nhân thì trực tiếp làm việc tại các cơ sở giao dịch của nhà mạng.

Ông Nguyễn Thanh Tuyền, Phó Giám đốc Công ty dịch vụ MobiFone khu vực 3 (Chi nhánh Công ty Viễn thông MobiFone) cho hay, từ ngày 15-3, nhà mạng đã triển khai nhắn tin, thông báo, mời gọi khách hàng sớm vào kiểm tra, chuẩn hóa thông tin đối với những thuê bao không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư qua đầu số 9090 hoặc tin nhắn tổng đài MobiFone.

“Quá trình chuẩn hóa thuê bao không có nội dung nào cần thông báo liên quan đến tài khoản ngân hàng, quý khách hàng tuyệt đối không thực hiện thao tác liên quan đến chuyển tiền, đăng nhập tài khoản ngân hàng. Có nhiều cách để khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao phổ biến như đến cửa hàng nơi gần nhất hoặc thực hiện qua website https://tttb.mobifone.vn/. Khách hàng cũng có thể thực hiện qua app My MobiFone. Đối với nhóm đối tượng đặc thù là người cao tuổi, nhà mạng sẽ cho nhân viên đến hỗ trợ tại nhà”, ông Tuyền cho hay.

VNPT VinaPhone Đà Nẵng cho biết từ ngày 16-3 đến hết 31-3 sẽ kéo dài thời gian mở cửa hoạt động của các điểm giao dịch để phục vụ khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao di động. Khách hàng nhận được tin nhắn/cuộc gọi từ VinaPhone thông báo về việc cần chuẩn hóa thuê bao di động chủ động cập nhật qua App My  VNPT hoặc mang theo căn cước công dân đến điểm giao dịch gần nhất để được hỗ trợ cập nhật. Hotline: 081.508.1166 hoặc 18001091.

CHIẾN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.