Xây dựng khu vực biên giới biển thành phố vững mạnh toàn diện là cơ sở, điều kiện quan trọng để giữ vững ổn định chính trị, xây dựng môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng và an ninh trên các địa bàn phường biên giới biển.
Đại tá Đỗ Văn Đông (thứ ba, bên trái sang), Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng thành phố trao quà cho người dân tại ngày hội Biên phòng toàn dân năm 2023. Ảnh: D.Q |
Phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, những năm qua Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai toàn diện, chặt chẽ các mặt công tác biên phòng. Cán bộ, chiến sĩ BÐBP thành phố luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm; thường xuyên gần dân, bám địa bàn, nỗ lực xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.
Đại tá Đỗ Văn Đông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP thành phố cho biết, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý địa bàn với đường biên giới biển dài 89km và huyện đảo Hoàng Sa, với hàng chục nghìn hộ, hàng trăm nghìn nhân khẩu. Đây cũng là địa bàn có nhiều cơ sở du lịch, dịch vụ có người nước ngoài điều hành, quản lý, làm việc, lưu trú, nên dễ nảy sinh những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, ảnh hưởng đến công tác xây dựng nền biên phòng toàn dân. Bên cạnh đó, tình hình trên Biển Đông những năm gần đây diễn biến phức tạp, nước ngoài tăng cường các hoạt động gây căng thẳng với hàng trăm lượt tàu được hộ tống bởi tàu quân sự, tàu ngư chính và tàu dân quân biển, xâm phạm sâu vào vùng biển nước ta để thăm dò tài nguyên, tranh lấn ngư trường, đánh bắt trộm hải sản, xua đuổi, cản trở, kiểm soát trái phép tàu cá của ngư dân ta... Điều đó gây nhiều khó khăn cho công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho ngư dân và các hoạt động kinh tế trên biển, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển. Để hoàn thành nhiệm vụ, BĐBP thành phố luôn dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân với những giải pháp thiết thực.
Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã tham mưu thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện công tác vận động quần chúng; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, gắn với các cuộc vận động, chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới biển vững mạnh.
Triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế biển đi đôi với bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Với chức năng là cơ quan thường trực theo dõi, đôn đốc việc thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đã xây dựng, ký kết chương trình, quy chế phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các sở, ban, ngành, đoàn thể của thành phố và cấp ủy, chính quyền các quận; cụ thể hóa bằng các kế hoạch thực hiện công tác vận động quần chúng sát với chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình cơ quan, đơn vị; chủ động phối hợp các địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện hiệu quả.
Hiện nay, thành phố có gần 130 tổ tàu thuyền đoàn kết, với hơn 670 tàu; tất cả đều ký cam kết thông tin liên lạc với BĐBP và các ngành chức năng, kịp thời thông báo tình hình có liên quan đến chủ quyền an ninh biên giới biển, đảo cho các lực lượng chức năng nắm, xử lý. Nhờ đó, năm 2022, ngư dân đã cung cấp cho BĐBP thành phố và các lực lượng chức năng hàng nghìn thông tin có giá trị. Đó là cơ sở quan trọng để BĐBP tham mưu Thành ủy, UBND thành phố xử lý, giải quyết tốt các vấn đề có liên quan đến bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia trên các vùng biển, đảo thuộc phạm vi của mình.
Theo Đại tá Đỗ Văn Đông, trong năm 2022, BĐBP thành phố đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, lập danh sách, tuyên truyền, vận động hàng trăm chủ phương tiện (thuyền trưởng) và hàng nghìn ngư dân tự giác đăng ký sẵn sàng tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo khi có tình huống xảy ra. Từ đó, việc huy động phương tiện, ngư dân tham gia các hoạt động phối hợp với cơ quan chức năng bảo vệ chủ quyền biển, đảo; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ tài nguyên, môi trường ở khu vực biên giới, vùng biển được thuận lợi hơn. Các lực lượng chức năng đã huy động hơn 300 lượt tàu cá, với gần 1.500 lượt ngư dân phối hợp tổ chức xua đuổi các tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển nước ta; gần 50 lượt phương tiện, với hơn 500 lượt ngư dân tham gia cứu hộ, cứu nạn các trường hợp bị nạn trên biển. Chủ động phối hợp cùng địa phương xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình tự quản bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, phòng chống tội phạm, như mô hình “Tổ tàu thuyền đoàn kết, an toàn”, “Khu dân cư văn hóa biển”, “Âu thuyền, cảng cá an toàn, văn hóa”, “Tuyến biển an toàn, văn hóa, văn minh”, “Vùng giáo 3 không”, “Câu lạc bộ cựu chiến binh, cựu quân nhân phòng, chống tội phạm”… góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới biển.
Những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả trên của BĐBP thành phố đã góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên địa bàn; là tiền đề để tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển, đảo của Tổ quốc.
BÁ VĨNH