Sau thời gian thực hiện kiểm thử an toàn, bảo mật thông tin đáp ứng theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến nay Sở TT&TT đã hoàn thành tích hợp, kết nối Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư vào Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thành phố. Các địa phương bước đầu khai thác, tra cứu thông tin thuận lợi, thông suốt, song vẫn còn những vướng mắc nhất định.
![]() |
Công chức bộ phận “Một cửa” phường Hòa Minh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân trên hệ thống mạng trực tuyến. Ảnh: TRỌNG HUY |
Bước đầu thuận lợi
Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Trần Ngọc Thạch, đến nay sở đã xây dựng các chức năng để khai thác, tra cứu thông tin do Bộ Công an cung cấp, bao gồm: xác thực số định danh cá nhân và số chứng minh nhân dân (trước đây); xác thực thông tin hộ gia đình và tra cứu thông tin công dân. Sở phân quyền cho các cơ quan, địa phương để khai thác, tra cứu thông tin của 3 dịch vụ nêu trên.
Để các cơ quan, địa phương thuận lợi trong việc sử dụng thông tin, dữ liệu được khai thác từ CSDL dân cư thay thế thành phần hồ sơ yêu cầu người dân phải nộp hoặc xuất trình như sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, CMND, CCCD,... trong cung cấp dịch vụ công, Sở TT&TT đã xây dựng chức năng cho phép xuất và lưu 3 loại hồ sơ số có chứa thông tin tra cứu từ CSDL quốc gia về dân cư nói trên để hình thành thành phần hồ sơ số, hồ sơ điện tử (có xác thực, kèm theo thông tin cán bộ và thời gian thực hiện) thay thế thành phần hồ sơ giấy.
Ông Thạch cho biết, sở đề nghị các cơ quan, địa phương áp dụng ngay điều chỉnh TTHC, đồng thời có văn bản giao cán bộ chỉ sử dụng thông tin, dữ liệu trên trong quá trình cung cấp dịch vụ công. Sở đã ban hành hướng dẫn cụ thể để các đơn vị, địa phương thuận lợi sử dụng.
Tại phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), bình quân mỗi ngày có gần 300 hồ sơ giao dịch yêu cầu giải quyết TTHC cả trực tiếp và trực tuyến. Sau khi 3 công chức của phường được cấp tài khoản truy cập dữ liệu được khai thác từ CSDL dân cư, việc giải quyết TTHC liên quan khá hiệu quả, nhất là các loại thủ tục đơn giản. Công chức tư pháp - hộ tịch phường Hòa Minh Nguyễn Thị Ngọc Thu cho biết, việc triển khai cơ bản bảo đảm, chưa phát sinh vướng mắc gì khi tra cứu để giải quyết TTHC cho công dân đối với các trường thông tin được tiếp cận.
Phó Chánh văn phòng UBND quận Hải Châu Nguyễn Văn Xuyên xác nhận, đến nay tất cả các phường trên địa bàn quận đã được cấp tài khoản truy cập CSDL dân cư để khai thác thông tin giải quyết TTHC liên quan. Đến nay, bước đầu thực hiện, các phường chưa gặp vướng mắc, khó khăn gì trong việc khai thác các trường thông tin được phép tiếp cận. Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc (huyên Hòa Vang) Thái Văn Hoài Nam xác nhận, cùng với việc được tập huấn, hướng dẫn sử dụng, đến nay việc áp dụng khai thác thông tin từ CSDL dân cư thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong giải quyết TTHC liên quan cơ bản thông suốt, chưa gặp vướng mắc gì.
Tháo gỡ những vướng mắc còn lại
Theo một công chức phụ trách bộ phận “Một cửa” của một phường thuộc quận Liên Chiểu, quá trình triển khai bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy bằng việc truy cập các trường thông tin liên quan trong CSDL dân cư bước đầu cơ bản thông suốt. Song trên thực tế vẫn có những vướng mắc chưa thể tháo gỡ, dẫn tới sổ hộ khẩu vẫn có giá trị nhất định nếu được phép sử dụng.
Dẫn giải vụ việc, người này cho biết, việc xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân, nếu công dân ở ổn định, liên tục tại địa phương thì việc giải quyết TTHC đơn giản. Nhưng công dân ở qua nhiều nơi, nhiều địa phương khác nhau, khi truy cập vào CSDL quốc gia về dân cư, không thể cập nhật (hiển thị) được trường thông tin yêu cầu xác nhận.
Nghĩa là, chỉ cập nhật được nơi ở hiện tại. Còn thời gian công dân di chuyển chỗ ở, định cư tại các địa phương khác thì không có. Do đó, buộc công chức làm thủ tục phải đi xác minh hoặc công dân cung cấp xác nhận cư trú kèm theo xác minh thông tin cư trú cần thiết.
Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) Nguyễn Thị Thanh Tâm cũng xác nhận thực trạng bất cập này. “Trong trường thông tin trên CSDL dân cư, chỉ ghi là thường trú/tạm trú, nhưng không thể hiện rõ thời gian cụ thể công dân về địa phương sinh sống. Khi xác nhận tình trạng hôn nhân gia đình, địa phương sẽ không nắm được thời gian trước khi họ về địa phương thường/tạm trú. Trong khi sổ hộ khẩu bảo đảm xác nhận được. Nhiều khi người dân mang theo sổ hộ khẩu giấy, anh em “một cửa” cũng “xin phép” cho xem để giảm áp lực phải đi xác minh”, bà Tâm nói.
Đây là bất cập mang tính hệ thống, bởi hầu hết các phường, xã trên địa bàn thành phố, khi được hỏi đều xác nhận thực trạng này. Một bất cập nữa, đó là ở một số địa phương, có tình trạng trong thời gian ngắn, công dân dù đã chuyển hộ khẩu về nơi ở mới, nhưng khi đi làm thủ tục, công chức làm việc tại “một cửa” truy cập lên CSDL dân cư, thì thông tin về nơi ở mới vẫn chưa được cập nhật lên hệ thống. Đồng nghĩa với việc này, hoặc cán bộ xác minh, hoặc công dân cung cấp giấy xác nhận cư trú (CT07) để bảo đảm hồ sơ.
Qua khảo sát ở một số phường, xã trên địa bàn thành phố, một khó khăn nữa khi khai thác dữ liệu từ CSDL dân cư, là tình trạng mạng yếu khá phổ biến, tác động rất lớn đến việc giải quyết TTHC cho công chức bộ phận “Một cửa”. “Nhiều thời điểm giờ hành chính, vào xử lý một hồ sơ, nhất là liên quan đến TTHC dịch vụ công, máy cứ quay đơ, không thể xuất dữ liệu được.
Nhiều lần anh em công chức ôm hồ sơ về nhà, chờ đến 9-10 giờ đêm mạng chạy thông suốt mới xử lý, sau đó trình lãnh đạo ký số để trả hồ sơ cho công dân”, bà Thu chia sẻ. Còn theo bà Tâm, tình trạng mạng chạy chậm, chập chờn cùng với người dân chưa nhuần nhuyễn trong truy cập và sử dụng dịch vụ công buộc công chức “Một cửa” phải hướng dẫn, phải làm thay cũng như giải quyết cùng lúc nhiều đầu việc tạo áp lực rất lớn cho anh em công chức ở địa phương.
TRỌNG HUY