Trong những năm tháng chiến đấu trên chiến trường khốc liệt, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Mặt trận 44 Quảng Đà được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam-Đà Nẵng sát cánh, dành tình cảm sâu sắc và hỗ trợ, giúp đỡ, “chia ngọt sẻ bùi”. Qua đó, để lại nhiều kỷ niệm khó quên về tình quân dân trong những người lính Tiểu đoàn 3.
Các thành viên Ban liên lạc cựu chiến binh Tiểu đoàn 3 trong một lần gặp nhau để ôn lại kỷ niệm. Ảnh: PV |
Đại tá Nguyễn Vĩnh An, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 3, Mặt trận 44 Quảng Đà nhớ lại, chiều 29 Tết Mậu Thân 1968, nhân dân xã Xuyên Thọ (nơi đơn vị tập kết để đánh vào thành phố Hội An) phối hợp ban chỉ huy tiểu đoàn tổ chức cho bộ đội ăn Tết trước. Sau bữa ăn, các mẹ, các chị, các em chuẩn bị sẵn cho mỗi người một đòn bánh tét, một phần ba cây giò và bánh kẹo mang theo để có cái ăn trong những ngày chiến đấu. Đến 19 giờ 30, cả tiểu đoàn hành quân ra bến Cửa Đại chờ vượt sông. Cơ sở của ta trong thành phố Hội An, trinh sát, du kích liên tục theo dõi ca nô của địch đi tuần tra trên sông.
Hết đợt tuần tra, không phát hiện được gì, chúng về đồn trú ăn Tết. Đúng lúc này, được lệnh của bộ tư lệnh tiền phương, theo hướng dẫn của du kích, 30 thuyền của dân áp sát bờ, chở bộ đội nhanh chóng vượt sông an toàn. Sau đó, 3 du kích và cơ sở của ta chờ sẵn dẫn đường đưa bộ đội bí mật tiếp cận vào phía sau lưng địch, chờ đến giờ G nổ súng. 0 giờ mồng một Tết, Đại đội 1, Đại đội 3 đánh vào khu công binh, Đại đội 2 đánh vào cứ điểm Chi Lăng... Bị đánh úp từ phía sau nên địch trở tay không kịp. 5 giờ, tiểu đoàn chiếm lĩnh các mục tiêu được phân công…
“Vượt sông Cửa Đại vào đánh thành phố Hội An đã rất khó khăn, nay đưa một tiểu đoàn rút khỏi còn khó khăn hơn nhiều vì lúc này cả đường thủy, đường bộ bị quân địch phong tỏa, kiểm soát. Lại là du kích - cơ sở hợp pháp của ta ban ngày theo dõi địch, ban đêm dẫn đường vòng tránh địch đưa tiểu đoàn về vùng B Điện Bàn an toàn. Tình cảm của nhân dân Quảng Đà đối với Tiểu đoàn 3 chúng tôi là như thế đấy”, Đại tá Nguyễn Vĩnh An nói.
Về dừng chân ở xã Điện Thọ chưa được bao lâu (từ 15 đến 20-9-1968), Tiểu đoàn 3 đã đánh tiêu diệt gọn tiểu đoàn 39, biệt động quân địch. Bị thua đau, biết ở vùng B Điện Bàn có một đơn vị chủ lực đang đóng quân nên ngày 20-11-1968, địch mở cuộc hành quân mang biệt danh “Cooc dom”. Mục đích của chúng là tiêu diệt đơn vị chủ lực của ta và lập ra vành đai trắng tại các xã Điện Phước, Điện An, Điện Thọ. Để bảo vệ thành phố Đà Nẵng và vùng ven đô, chúng đưa máy bay oanh tạc dọn bãi, trực thăng liên tục đổ quân hết lớp này đến lớp khác hình thành 3 vòng vây chặt Tiểu đoàn 3 và căn cứ kháng chiến của huyện Điện Bàn.
Với quyết tâm đánh bại cuộc càn quét lập vành đai trắng của địch, Đảng ủy Ban chỉ huy Tiểu đoàn 3 họp với lãnh đạo - chỉ huy địa phương (Đại đội 1 địa phương huyện Điện Bàn và du kích các xã) xác định nêu cao tinh thần đoàn kết, chi viện giúp đỡ lẫn nhau, hợp đồng chiến đấu chặt chẽ, bám thắt lưng địch mà đánh, lấy vũ khí địch để đánh địch. Qua nhiều ngày chiến đấu ác liệt giữa vòng vây của địch, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn cùng bộ đội, du kích huyện Điện Bàn tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch.
“Cảm động biết bao khi thấy các anh, các chị và một số bà con còn bám trụ lại các thôn Hạ Nông Trên, Châu Lâu, thôn Trung - Giáng La cùng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Các chị không quản ngại hy sinh nấu cơm mang ra trận địa cho bộ đội, du kích; các anh chuyển thương binh về thôn Trung và Giáng La để cứu chữa. Các chị Nguyễn Thị Tuất, Nguyễn Thị Hoa, Phạm Thị Tước, Nguyễn Thị Hiền, ông Nguyễn Văn Mẫm, ông Sơn... là những tấm gương kiên trung bất khuất không ngại hy sinh, gian khổ ngày đêm lăn lộn dưới làn bom đạn để tiếp tế cho bộ đội, cứu chữa thương binh, chôn cất liệt sĩ…”, Đại tá Nguyễn Vĩnh An xúc động.
Theo Đại tá Nguyễn Vĩnh An, kế hoạch giờ nổ súng đánh cứ điểm Trùm Giao là 0 giờ nhưng bị lộ, mãi tới 4 giờ 5 phút sáng ngày 24-7-1974 đơn vị mới nổ súng đánh vào cứ điểm Trùm Giao. 5 giờ 30, chúng tôi mới tiêu diệt toàn bộ sở chỉ huy tiểu đoàn 145B và 1 đại đội lính bảo an, làm chủ cứ điểm Trùm Giao. Không để mất cứ điểm Trùm Giao, địch dùng pháo binh ở các trận địa Cẩm Hà, Vĩnh Điện, Bồ Bồ, Ái Nghĩa, Hòn Bằng dội đạn cấp tập vào khu vực Trùm Giao và các khu vực xung quanh.
Ngày 25-7, địch với sự yểm trợ của máy bay trực thăng và xe tăng theo đường 100 ồ ạt kéo đến giải vây cho cứ điểm Trùm Giao và chặn đường 100 không cho Tiểu đoàn 3 rút quân. Ban chỉ huy tiểu đoàn và 90 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 21 liệt sĩ, 17 thương binh kẹt lại ở Cẩm Văn. Tình hình vô cùng căng thẳng, súng còn, đạn hết vì trong đêm đã đánh cứ điểm Trùm Giao...
Du kích, nhân dân còn trụ bám cất giấu thương binh, liệt sĩ; ban chỉ huy tiểu đoàn động viên cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng đào công sự ngụy trang kín đáo, nếu địch vào quyết tâm chiến đấu tới cùng... Nhưng không biết tại sao cả ngày hôm đó địch không dám vào khu vực D3 trụ bám.
Sau này, nhà văn, nhà báo chiến trường Nguyễn Bá Thâm cùng chiến đấu với Tiểu đoàn 3 trong trận đánh cứ điểm Trùm Giao kể lại: Lúc đó nhân dân thôn Cẩm Văn nhanh trí tiến hành cuộc chiến tranh tâm lý, các mẹ, các chị kéo nhau ra chặn các toán quân địch ở đầu đường 100, khuyên răn rằng đêm qua Việt Cộng đã đánh một trận lớn chưa từng có ở vùng đất này. Nghe vậy quân địch hoang mang lo sợ, dè chừng và đi lùng sục nơi khác không dám vào khu vực D3 trụ bám...
TRÍ DŨNG (ghi)