Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng họa sĩ, nhà điêu khắc Phạm Hồng lại gắn bó quãng đời thanh niên sôi nổi của mình với chiến trường Quảng Đà. Nơi đây đã trở thành miền đất hứa cho nghệ thuật khi ông tiếp cận nhân vật và chiến công lịch sử với cách xử lý riêng của mình, để từ đó định hình phong cách nghệ thuật hiện thực giàu chất anh hùng ca và chất thơ.
Họa sĩ, nhà điêu khắc Phạm Hồng (giữa) giao lưu với học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Linh tại cuộc triển lãm “Ký họa chiến trường Khu 5”. Ảnh: Đ.H.L |
Khắc họa tinh thần chiến đấu bất khuất
Sau khi tốt nghiệp loại giỏi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp, họa sĩ Phạm Hồng (sinh năm 1942) được cử đi tu nghiệp ở nước ngoài nhưng ông tình nguyện đi B vào Nam chiến đấu. Vượt đường Trường Sơn mấy tháng trời giữa mưa bom bão đạn, cuối cùng ông cũng có mặt tại chiến trường Quảng Đà để nhận công tác ở Ban văn nghệ Quân khu 5 vào năm 1967.
Trong những năm tham gia kháng chiến ở chiến trường Quảng Nam, sự hy sinh chiến đấu anh dũng của quân và dân Quảng Đà là nguồn cảm hứng vô tận để ông thực hiện những bức tranh ký họa chân thực về cuộc chiến khốc liệt nơi đây nhằm tuyên truyền, cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu bất khuất của nhân dân, nhất là chiến dịch Mậu Thân Tam Kỳ, chiến dịch giải phóng tây Thăng Bình, tây Quế Sơn, Tiên Phước…
Chia sẻ về sự lựa chọn này, họa sĩ Phạm Hồng xúc động kể: “Tôi lớn lên ở làng Kim Giang, xã Đại Cường, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội) đẹp như một viên ngọc vùng chiêm trũng. Không gian làng được quy hoạch với nhiều cây cổ thụ, đình làng cổ và đường làng được lát gạch nghiêm. Cuộc sống làng quê Bắc Bộ rất đỗi thanh bình và rộn tiếng chim ca, nhưng sau đó làng bị địch san bằng sau 13 trận bom kinh hoàng. Nhà tôi làm bằng gỗ 5 gian cũng bị đánh sập không còn gì. Chứng kiến cảnh tàn sát của ngoại xâm nên khi nghe tin chiến sự ở Đại Lộc (Quảng Nam) và Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) thì tôi quyết định xin đi B. Chiến trường tàn khốc và ác liệt ở miền Nam cho tôi vốn sống, từ đó tôi luôn nung nấu sáng tác những bức tranh phản ánh chân thực sự chiến đấu, hy sinh dũng cảm của quân và dân nơi đây để cổ vũ tinh thần kháng chiến của dân tộc”.
Trong điều kiện chiến trường thường xuyên bị địch rải bom pháo, họa sĩ Phạm Hồng phải tranh thủ ký họa chớp nhoáng và thực hiện trưng bày bằng cách rải bao nilon hoặc ghim lên các cành cây, giăng dây bìa rừng ở những nơi đơn vị đóng quân để tuyên truyền cho quân và dân về những gương chiến đấu anh dũng, có tinh thần trụ bám. Hầu hết các bức ký họa đều lấy chủ đề là dũng sĩ diệt Mỹ, các bà mẹ có công cách mạng, nuôi dưỡng và bảo vệ bộ đội, những du kích cảnh vệ… Có những lúc đang vẽ dở, ông và đồng đội phải tháo chạy khi xe tăng, máy bay địch lên càn quét, gầm rú.
“Tôi còn nhớ có lúc cao điểm ở Hòn Chiêng (Quế Sơn), một trong những căn cứ mà lính Mỹ chốt ngay trong vùng giải phóng nhằm khống chế nhiều xã ở Quế Sơn. Khi bị phát hiện, địch liên tục bắn đạn đại liên khiến việc đi lại rất khó khăn. Các bức tranh đều được tôi ký họa ngay trong chiến tranh, sau mỗi đợt đi thực tế chiến trường là làm triển lãm liền. Xúc động nhất là vào Tết Mậu Thân, khi triển lãm các bức tranh về các cụ đóng góp cho cách mạng, nhiều anh em ở vùng địch xem rất thích thú nhưng sau đó địch phát hiện. Cho nên, những ký họa chân dung sau này tôi không dám trưng bày ở vùng ven nữa mà chỉ triển lãm ở vùng giải phóng”, họa sĩ Phạm Hồng xúc động kể.
Năm 1972, họa sĩ Phạm Hồng gửi 50 bức tranh ký họa ra Hà Nội triển lãm. Đến năm 1976, sau khi giải phóng, ông lại quay ra Hà Nội để tiếp tục học đại học ngành điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, nhưng không tìm thấy các tác phẩm của mình nữa. Mãi đến năm 1985, ông mới biết Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyển chọn và mua lại 30 bức tranh ký họa của ông nên đến giờ vẫn còn lưu giữ và sau đó có làm phiên bản một số bức để tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng trưng bày. Trong quá trình hoạt động sáng tác ở chiến trường, ông ký họa hơn 100 bức tranh, trong đó có nhiều bức bị thất lạc.
Với tấm bằng đại học ngành điêu khắc, họa sĩ Phạm Hồng tập trung sáng tác về lĩnh vực này và cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị về nghệ thuật cũng như văn hóa lịch sử, tiêu biểu là các tác phẩm: Bác Hồ miền Nam trong trái tim tôi, Vòng tay của Bác, Bác Hồ trong ngày giải phóng, Quảng Nam trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ, Tình đồng đội, Bà mẹ Quảng Nam, Bà má miền Nam, Dũng sĩ Núi Thành… Các bức tượng của ông hiện được trưng bày ở khắp đất nước như: Mùa xuân quan họ (Hà Nội), Khát vọng mùa xuân, Dòng sữa mẹ (Đà Nẵng), Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh (Quảng Trị), Văn hóa đọc, Vũ điệu bất khuất, Khát vọng, Hoa của rừng (Đồng Nai), Bà mẹ Côn Đảo, Ký ức Côn Đảo (Côn Đảo)…
Nung nấu nhiều ý tưởng
Chiến tranh đã qua đi nhưng họa sĩ, nhà điêu khắc Phạm Hồng vẫn ngày đêm miệt mài sáng tác nghệ thuật. Đặc biệt, ông luôn nung nấu những đề tài lớn và cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cho thế hệ trẻ. Đó cũng là lý do mà ông đang phối hợp với Trường THCS Nguyễn Văn Linh (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) để sáng tác bức tượng cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh để đặt tại khuôn viên ngôi trường này.
Nói về ý tưởng, họa sĩ, nhà điêu khắc Phạm Hồng chia sẻ: “Cuộc triển lãm “Ký họa chiến trường Khu 5" do Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức tại Trường THCS Nguyễn Văn Linh trong năm 2022 được các thầy cô và học sinh đón nhận nhiệt tình. Cuộc giao lưu đầm ấm thể hiện sự trân trọng của thầy cô và học sinh đối với những tư liệu sống mà tôi đã trực tiếp ghi chép trong chiến tranh. Tôi đã có những giây phút lặng đi khi nhớ lại những nhân chứng mình vẽ và thương tiếc những chiến sĩ anh dũng hy sinh cho hòa bình độc lập hôm nay. Từ cuộc triển lãm này, tôi nghĩ đến cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và bật ra ý tưởng sáng tác một bức tượng về ông để tặng cho nhà trường. Bức tượng này dự kiến cao khoảng 2,3m, được làm bằng chất liệu nhựa composite. Qua hình ảnh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, các em học sinh sẽ khắc ghi công ơn của cố Tổng Bí thư và ra sức phấn đấu học tập để cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước”.
Sau giải phóng 10 năm, khi phụ trách Mỹ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, họa sĩ, nhà điêu khắc Phạm Hồng cũng là người đầu tiên lập dự án Trại sáng tác điêu khắc Quốc tế trình ủy ban, ra Hà Nội xin ý kiến của hội, của Vụ Mỹ thuật... rồi lập tờ trình lên Bộ Văn hóa: Một quy hoạch văn hóa tạo hình ở khu di tích danh thắng lịch sử Non Nước và các vườn tượng trong các không gian đô thị Đà Nẵng. Theo ông, ý tưởng này nhằm kêu gọi sự đóng góp của các nhà điêu khắc trong và ngoài nước chung tay tạo ra một công viên điêu khắc đương đại tại Non Nước nhằm đối trọng với Bảo tàng Điêu khắc Chăm. “Đó là một không gian nghệ thuật đương đại ngoài trời như một bảo tàng đá, từ đó thúc đẩy ngành mỹ thuật điêu khắc phát triển và góp phần phát triển du lịch. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, do tình hình kinh tế còn khó khăn nên dự án này chưa thể thực hiện”, họa sĩ, nhà điêu khắc Phạm Hồng nuối tiếc.
Để duy trì ý tưởng của mình, họa sĩ, nhà điêu khắc Phạm Hồng sau đó đã mở xưởng, tập hợp thợ đá Non Nước hợp tác liên kết với Na Uy thực hiện một dự án nhỏ. Cho đến nay, ý tưởng hình thành một công viên điêu khắc đương đại tại Non Nước vẫn được ông luôn nung nấu và mong mỏi.
"Tôi tập trung sáng tác về đề tài Bác Hồ và chiến tranh. Bởi tôi đã từng gắn bó với chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Qua đó, thấy được sự hy sinh, mất mát to lớn của quân và dân Quảng Đà. Từ đó, tôi luôn suy tư, nung nấu sáng tác về những đề tài trong chiến tranh mà mình chưa sáng tác hết. Những nhân vật trong tác phẩm của tôi như một nén hương ghi ơn các anh hùng liệt sĩ và nhân dân đã chiến đấu anh dũng, hy sinh cho hòa bình đất nước”. Họa sĩ, nhà điêu khắc Phạm Hồng |
ĐOÀN HẠO LƯƠNG