Những 'bóng hồng thép' thời chiến

.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dù giáp mặt với kẻ thù hung ác, tàn bạo nhưng chị em Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng Khu 5 vẫn dũng cảm đương đầu và lập nhiều chiến công. Và cũng trong cuộc chiến vệ quốc ấy, nhiều chị đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, máu xương của các chị đổ xuống để đổi lấy thành quả cách mạng, cuộc sống hòa bình, độc lập hôm nay.

Bức ảnh chụp Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng Khu 5 năm 1975, trước khi giải thể.
Bức ảnh chụp Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng Khu 5 năm 1975, trước khi giải thể.

Theo một số tài liệu và nhân chứng lịch sử, tháng 3-1961, Hội LHPN Giải phóng Khu 5 được thành lập để phát triển đấu tranh “3 mũi giáp công” (quân sự, chính trị, binh vận) của cách mạng Khu 5. Hội hoạt động từ năm 1961 đến 1975 thì giải thể nên không có nhiều tư liệu nói về tổ chức này.

Trong khi đó, các nhân chứng lịch sử đến nay người còn, người mất; những người còn sống đa số tuổi cao, sức yếu, trí nhớ giảm sút. Một trong số ít người còn minh mẫn có Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Thị Kim Thanh (SN 1943), nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Hội LHPN Giải phóng Khu 5.

Bà Hồ Thị Kim Thanh cho biết, trước đây hội có hơn 200 người nhưng đến nay chỉ còn 50 chị ở rải rác ở nhiều tỉnh, thành. Riêng tại Đà Nẵng, hiện còn hơn 10 người nhưng đều tuổi cao, sức yếu.

“Đa phần các chị trong ban chấp hành, ban liên lạc hội đã qua đời. Người nhỏ tuổi nhất trong ban liên lạc là tôi đã 80 tuổi. Nhiều chị dù thường xuyên đau ốm bởi vết thương chiến tranh nhưng vẫn giữ tinh thần vui tươi vì được sống trong hòa bình hôm nay”, bà Thanh chia sẻ.

Trong gần 15 năm hoạt động, Hội LHPN Giải phóng Khu 5 đã lãnh đạo hội phụ nữ các tỉnh, thành phố đẩy mạnh phong trào đấu tranh trên các mặt trận, thi đua giết giặc, lập công, phục vụ kháng chiến. Theo bà Hồ Thị Kim Thanh, nhiều bà mẹ, hội viên phụ nữ Khu 5 tiễn chồng, đưa con lên đường nhập ngũ vào đoàn quân giải phóng, với tinh thần có bao nhiêu người con đều tiễn đưa lên chiến khu cách mạng.

Tiêu biểu, có Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) có 9 con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại hy sinh trong quá trình tham gia cách mạng. “Trong chiến tranh, không có nỗi đau nào so sánh được với nỗi đau của người mẹ mất con. Tấm gương mẹ Thứ đã trở thành biểu tượng vĩ đại của Bà mẹ Việt Nam anh hùng, không bút mực nào có thể kể hết công lao to lớn ấy”, bà Thanh nhấn mạnh.

Suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địa bàn Khu 5 có hơn 17.000 nữ liệt sĩ, hơn 12.400 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 50 chị là lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố, gần 50 nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Có thể nói, không ở nơi đâu trên chiến trường Khu 5 không có dấu chân phụ nữ, không có hiểm nguy, gian khổ nào phụ nữ không tham gia.

Những phụ nữ Khu 5 tay không tấc sắt, can trường đương đầu với kẻ địch, lập nên nhiều chiến công hiển hách. Chẳng hạn như tấm gương chị Phạm Thị Biên, nữ công nhân kho xăng Nại Hiên (Đà Nẵng) dùng mìn đốt cháy 2,5 triệu lít xăng, 16.000 lít dầu, tiêu diệt tiểu đội lính Âu - Phi; hay chị Trà Thị Tép (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) lăn xả trước 25 xe tăng địch, ngăn không cho chúng càn vào làng cày ủi hoa màu, bảo vệ 5 hầm bí mật đang giấu bộ đội vẫn còn lưu truyền mãi.

Trong đấu tranh, phụ nữ Khu 5 tiên phong ra trận, lập nhiều chiến công. Trong lao tù, dù bị địch khủng bố, đàn áp, tra tấn man rợ nhưng các chị vẫn vững khí tiết, lập trường, không đầu hàng, thậm chí hy sinh để bảo vệ cách mạng. Ở hậu phương, các chị đảm đang trong phong trào thi đua sản xuất, tiết kiệm nuôi quân, bảo đảm lương thực, tham gia dân công, giao liên, tải đạn, cứu chữa thương binh trên khắp các chiến trường. Điển hình như trên địa bàn Tây nguyên, các chị phát động phong trào “rẫy mỳ cách mạng”, “tiếng chày giã gạo”... góp phần cùng quân và dân ta làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Để ghi nhận những chiến công này, cuối năm 2022, Hội LHPN Giải phóng Khu 5 được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng nhân dân. Những cống hiến, đóng góp của những “bông hồng thép” Khu 5 trong sự nghiệp giải phóng dân tộc đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận.

Danh hiệu cao quý này cũng một lần nữa khẳng định, phong trào của Hội LHPN Khu 5 đã viết nên bản anh hùng ca, tô thắm trang sử vàng và làm vẻ vang truyền thống của phụ nữ Việt Nam “anh hùng bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

THIÊN DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.