Sống với ký ức ngày giải phóng

.

Trong khu trưng bày của Bảo tàng Đà Nẵng (giai đoạn 1954-1975), có một gian trưng bày các hiện vật, tư liệu, hình ảnh về thời điểm giải phóng thành phố vào ngày 29-3-1975. Trong số tư liệu này, có một bức điện ghi ngày 28-3-1975, thông báo nội dung "...địch đang rệu rã trong nội thành, đề nghị Thường vụ Tỉnh ủy (Đặc khu ủy Quảng Đà) đưa lực lượng vũ trang vào giải phóng…".

Nhân dân Đà Nẵng đón mừng quân Giải phóng tiến vào thành phố ngày 29-3-1975.  Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng
Nhân dân Đà Nẵng đón mừng quân Giải phóng tiến vào thành phố ngày 29-3-1975. Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng

Đến bảo tàng học lịch sử

Tôi gặp Hồ Thị Quỳnh Như, sinh viên ngành Văn hóa học, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) và Trần Thị Tường Vân, sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch - lữ hành - PSU, Đại học Duy Tân trong khuôn viên khu trưng bày. Cả Như và Vân đang thực tập tại Bảo tàng Đà Nẵng.

“Được thực tập tại bảo tàng, có điều kiện tham quan, tìm hiểu hằng ngày về các sự kiện lịch sử, văn hóa vùng miền, nhất là về ngày giải phóng thành phố với các sự kiện liên quan, giúp chúng em hiểu sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc, thành phố quê hương mình. Thật sự trân quý và tự hào về truyền thống của dân tộc, đất nước và thành phố mình. Đến bảo tàng, với chúng em là được đi học lịch sử lần thứ hai”, Như nói.

Theo ông Trần Văn Chuẩn, Trưởng phòng Sưu tầm, trưng bày và bảo quản, Bảo tàng Đà Nẵng, qua nhiều thời kỳ, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ của Bảo tàng đã gặp gỡ nhiều nhân chứng để sưu tầm tư liệu, hiện vật, hình ảnh. Đến nay, cơ bản đã có khá đầy đủ về hiện vật, tư liệu hình ảnh liên quan đến ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng. Tùy từng giai đoạn, sự kiện, bảo tàng có kế hoạch chỉnh lý trưng bày nhằm tạo sự mới mẻ nội dung trưng bày để hấp dẫn người tham quan. Đồng thời, việc chỉnh lý trưng bày nhằm phát huy hiệu quả lưu trữ, bảo quản lâu dài cũng như đưa các hiện vật nằm kho có điều kiện được trưng bày, phát huy giá trị, giúp khách tham quan có cái nhìn tổng thể, toàn diện hơn nội dung trưng bày. Hiện tại, có hơn 100 hiện vật, tư liệu, hình ảnh về ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975) được bảo tàng trưng bày, lưu giữ cẩn trọng. Trong đó, có cả bức điện đêm khuya ngày 28-3-1975 của Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà Trần Hưng Thừa (bí danh Bắc) thông báo tình hình địch đang rút khỏi thành phố, đề nghị quân giải phóng đưa lực lựng vũ trang vào giải phóng thành phố sớm.

Vui sao nước mắt lại trào

Ông Phạm Thanh Ba, nguyên Chánh Văn phòng Đặc Khu ủy Quảng Đà, nay ngoài 90 tuổi đời, hơn 70 năm tuổi Đảng. Dường như thời gian, tuổi tác không tác động nhiều đến trí nhớ của ông. Khi nhắc lại quãng đời tham gia cách mạng, chỉ cần một gợi nhớ, bao ký ức ùa về trong ông, chảy dài như một mạch nguồn bất tận, khiến cảm xúc dồn nén, nước mắt tuôn trào.

Trong ký ức của ông Ba, không thể nào quên về thời điểm nhận bức điện nói trên của ông Trần Hưng Thừa vào ngày 29-3-1975,  khi Văn phòng Đặc khu ủy đang giao ban. Ông kể, trong những ngày tháng 3 lịch sử năm ấy (1975), không khí chiến thắng cứ ùa về qua mỗi tin nhắn, mỗi thông báo, bức điện tín từ các đơn vị trọng điểm, các địa phương trong toàn tỉnh gửi về.

“Mỗi ngày chúng tôi (Văn phòng Đặc khu ủy) đều tổ chức giao ban 3 lần, sáng, trưa, chiều (tối). Mỗi lần giao ban đều nghe anh em thông báo về các tin nhắn điện tín từ các nơi báo về tình hình chiến trận, về sự thất bại, rút lui của địch nơi này, nơi khác mà lòng vui như mở hội. Anh em ai cũng sung sướng nghĩ đến ngày chiến thắng cuối cùng sẽ đến”, ông Ba hồi tưởng.

Mong chiến thắng là vậy, nhưng bản thân ông Ba và những người ở mặt trận trên chiến trường không ngờ niềm vui lại đến sớm hơn dự kiến. “Trưa đó, đang giao ban thì nhận được điện của anh Thừa. Tôi nhận điện mà ngỡ ngàng đến mấy chục giây. Chân như rụng rời, không bước nổi. Nước mắt cứ thể trào ra, không nói nên lời nào. Rồi cấp tốc chạy lên nhà làm việc của anh Hồ Nghinh để cấp báo. Từ Văn phòng Đặc khu ủy đến nhà làm việc anh Nghinh dài 150 thước, có con dốc khá cao, khó đi. Nhưng hôm ấy, dù khi đến nơi thở không ra hơi, mà cảm giác khi đi cứ như không thấy gì vậy. Anh Nghinh vốn là người điềm tĩnh, không dễ gì lay động được cảm xúc bên ngoài. Thế mà khi nhận bức điện từ tay tôi, anh ấy cũng lặng đi mấy giây. Rồi ảnh ngồi đến 30 phút đồng hồ không nói gì”, ông Ba hồi nhớ.

Trước đó, sau khi nhận bức điện của ông Trần Hưng Thừa rạng sáng 29-3-1975, Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà đã ra lệnh lực lượng vũ trang tiến vào giải phóng thành phố. Dường như không tốn một viên đạn nào, bởi trước đó, thế địch đã rệu rã, tháo chạy khỏi thành phố. “Chúng tôi di chuyển xuống thành phố để tiếp quản, lòng vui như mở hội. Suốt dọc đường, chúng tôi vừa đi vừa bắc tay làm loa thông báo cho người dân biết thành phố đã được giải phóng”, ông Ba kể.

Phải giữ gìn, phát huy truyền thống cha ông

Ông Ba đã ngoài 90 tuổi, nhưng trí mẫn vẫn thông tuệ. Sự tinh anh ở đôi mắt dù đã mờ đục theo thời gian, nhưng lối kể hài hước, thông minh đã hấp dẫn người nghe từ đầu đến cuối. Ông được kết nạp Đảng năm 18 tuổi (1950). Năm 1955, ông tập kết ra Bắc, học hết phổ thông, rồi đại học, đến năm 1965 mới trở lại chiến trường trên mảnh đất quê hương. Ông làm công tác văn phòng, từ cán bộ, Phó chánh rồi Chánh Văn phòng Đặc Khu ủy Quảng Đà cho đến khi giải phóng, rồi làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đến khi nghỉ hưu.

Trong quãng đời sống và chiến đấu, cống hiến của mình cho sự nghiệp cách mạng, ông Ba cho rằng, phải biết vượt qua thử thách thì con người mới trưởng thành. Từng giai đoạn, thời điểm lịch sử có những thử thách khác nhau. Cái khắc nghiệt của thời còn chiến tranh là ngày ngày đối diện với cái chết, sự giết chóc và hủy diệt ghê gớm của chiến tranh.

Theo ông Ba, cán bộ hiện nay ít được trui rèn, thử thách trong môi trường khắc nghiệt cụ thể, nên việc thể hiện bản lĩnh có lúc còn hạn chế, khó đánh giá được năng lực thực thụ. Dường như họ mới chỉ dừng ở mức tròn vai, mà chưa tạo ra vượt trội để được ghi nhận từ sự cống hiến của mình cho đất nước, cho quê hương...

“Làm sao thế hệ trẻ hôm nay và mai sau biết, hiểu và quý trọng giá trị truyền thống, trong đó có giá trị lịch sử các cuộc chiến tranh vệ quốc. Để từ đó phát huy, góp sức xây dựng quê hương thật sự giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh không tiếc xương máu của thế hệ cha ông để có được hòa bình, độc lập cho dân tộc, cho quê hương hôm nay”, ông Ba trăn trở.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.