Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi, đề nghị các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, tham gia ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Các phương tiện xếp hàng vào đăng kiểm tại Trung tâm đăng kiểm 29-08D (Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Mở rộng đối tượng cung cấp dịch vụ
Theo dự thảo Nghị định, tại Điều 4 quy định "Nguyên tắc hoạt động dịch vụ kiểm định xe cơ giới" đã mở rộng đối tượng cung cấp dịch vụ kiểm định.
Cụ thể, bỏ quy định: Tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới. Tính độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính được hiểu như sau: Không cùng thuộc một cơ quan hoặc tổ chức trực tiếp quản lý; tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới không nắm giữ cổ phần hoặc góp vốn trên 10% của tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Thay vào đó, dự thảo Nghị định sửa đổi quy định: Trong trường hợp hệ thống các đơn vị hoạt động dịch vụ kiểm định xe cơ giới không đáp ứng được nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân và doanh nghiệp, các cơ sở vật chất, nhân lực kiểm định thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đang thực hiện nhiệm vụ kiểm định xe cơ giới sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh được công nhận, huy động tham gia thực hiện kiểm định xe cơ giới thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định này. Hoạt động kiểm định phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật.
Dự thảo cũng sửa đổi quy định điều kiện chung của các đơn vị tham gia hoạt động này. Theo đó, tổ chức đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức, nhân lực theo quy định tại Nghị định này được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Theo Ban soạn thảo, việc sửa đổi này nhằm huy động được tối đa các nguồn lực của xã hội (cơ sở bảo hành, bảo dưỡng 3S/4S…) cho công tác kinh cung ứng vụ kiểm định xe cơ giới; góp phần giải quyết một số trường hợp cấp bách khi không đáp ứng được nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc mở rộng các đối tượng được tham gia cung ứng dịch vụ kiểm định xe cơ giới (các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, kinh doanh dịch vụ vận tải…) nhằm thu hút tối đa các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng tiến bộ khoa học tham gia công tác kiểm định xe cơ giới.
Nhiều thay đổi về quy định nhân lực
Dự thảo Nghị định cũng sửa đổi nhiều quy định về điều kiện nhân lực của đơn vị đăng kiểm. Theo đó, mỗi đơn vị có tối thiểu các bộ phận: Ban lãnh đạo; bộ phận văn phòng; bộ phận kiểm định.
Nhân lực của đơn vị đăng kiểm, gồm: lãnh đạo đơn vị, phụ trách dây chuyền kiểm định, đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ.
Trong đó, có tối thiểu 1 lãnh đạo đơn vị có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 24 Nghị định; có tối thiểu 1 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao phụ trách dây chuyền kiểm định; Mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 2 đăng kiểm viên đảm bảo thực hiện đủ các công đoạn kiểm định.
So với quy định hiện hành mỗi dây chuyền đăng kiểm tối thiểu có 3 đăng kiểm viên và tối thiểu có 1 đăng kiểm viên bậc cao, số đăng kiểm viên trên một dây chuyền đã giảm đi giúp tận dụng tối đa nguồn nhân lực để vận hành các dây chuyền kiểm định tại trung tâm đăng kiểm.
Ngoài ra, việc bổ sung điều kiện về tổ chức đối với đơn vị đăng kiểm nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, đồng bộ về bộ máy trong hoạt động của đơn vị đăng kiểm.
Về điều kiện của đăng kiểm viên, dự thảo quy định: có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên theo nội dung do Bộ Giao thông Vận tải quy định.
Trường hợp học viên đã có kinh nghiệm làm việc trực tiếp tại các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô-tô cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô-tô theo quy định tại Nghị định số 116/2017/NĐ-CP
quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô-tô), dự thảo nêu rõ: Nếu có tổng thời gian làm việc cộng dồn từ 12 - 24 tháng, thời gian thực tập là 6 tháng; tổng thời gian làm việc cộng dồn trên 24 tháng, thời gian thực tập là 3 tháng (có xác nhận của cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô-tô).
Ban soạn thảo cho biết, đối với những người có kinh nghiệm trực tiếp làm công tác bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa ô-tô, chỉ cần thực tập thêm về nghiệp vụ đăng kiểm. Do vậy được rút ngắn thời gian thực tập mà vẫn đảm bảo và đáp ứng được đầy đủ năng lực chuyên môn cho hoạt động kiểm định.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng sửa đổi quy định thu hồi Giấy chứng nhận đăng kiểm viên trong trường hợp "Bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án" được sửa đổi thành "Bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án do vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới”.
Lý do được Ban soạn thảo đưa ra là việc quy định bị kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật do vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới phù hợp với nguyên tắc áp dụng hình phạt bổ sung quy định tại Bộ luật hình sự. Theo đó, đăng kiểm viên vi phạm các tội thuộc lĩnh vực khác mà chỉ bị cải tạo không giam giữ thì vẫn có thể làm đăng kiểm viên.
Dự thảo Nghị định còn bổ sung quy định về điều kiện đối với lãnh đạo đơn vị đăng kiểm được phân công ký giấy chứng nhận kiểm định.
Cụ thể: "Được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về hoạt động kiểm định xe cơ giới tại đơn vị; Phải là đăng kiểm viên xe cơ giới đã thực hiện nhiệm vụ của đăng kiểm viên tối thiểu 36 tháng". Quy định này nhằm tách rõ lãnh đạo đơn vị ký giấy chứng nhận đăng kiểm và không ký giấy đăng kiểm.
Đáng chú ý, dự thảo Nghị định cũng bãi bỏ quy định giới hạn năng suất kiểm định với mục đích: Tạo điều kiện cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cải tiến quy trình kiểm định nhằm không ngừng nâng cao năng suất lao động và phù hợp với năng lực, trình độ, kỹ năng của từng đăng kiểm viên và đơn vị đăng kiểm.
Phân cấp, phân quyền cho địa phương
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 139/2018/NĐ-CP cũng thể hiện sự phân cấp quản lý mạnh mẽ cho các địa phương, gắn với trách nhiệm quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát của UBND, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố đối với các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Cụ thể, về thủ tục cấp giấy phép hoạt động trung tâm đăng kiểm, sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật, tổ chức lập 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới gửi về Sở Giao thông Vận tải để thực hiện cấp phép (thay vì Cục Đăng kiểm Việt Nam như hiện nay).
Sở Giao thông Vận tải cũng là cơ quan quyết định đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận hoạt động của đơn vị đăng kiểm; thực hiện cấp, cấp lại, tạm đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới; kiểm tra, đánh giá việc duy trì các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và hoạt động kiểm định và thông báo đến Cục Đăng kiểm Việt Nam để phối hợp quản lý.
Cơ quan này cũng có trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; công bố trên trang thông tin điện tử của Sở Giao thông Vận tải danh sách các đơn vị đăng kiểm được cấp, tạm đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe giới.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, Nghị định trên được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn và xây dựng trên quan điểm sửa đổi và bổ sung các quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới theo hướng siết chặt hơn nữa công tác quản lý nhà nước nhằm minh bạch các thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, công nhận đăng kiểm viên.
Đồng thời, nới lỏng một số quy định nhằm thu hút được các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng tiến bộ khoa học trong hoạt động kiểm định xe cơ giới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của lĩnh vực này…
Theo Báo Tin tức