Công bố Chỉ số PAPI 2022: Quảng Ninh dẫn đầu, Đà Nẵng tụt hạng

.

Sáng 12-4, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cùng các đối tác đã công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022.

Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm Hành chính công huyện Bình Liêu, Quảng Ninh. Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN
Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm Hành chính công huyện Bình Liêu, Quảng Ninh. Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN

Chỉ số PAPI là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Trung ương và địa phương, Công ty Phân tích Thời gian thực và UNDP tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội nghị công bố Báo cáo PAPI 2022, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết: Báo cáo PAPI 2022 trình bày kết quả ý kiến phản hồi từ hơn 16.000 người tham gia khảo sát được lựa chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh, thành phố, trong đó hơn 1.180 người tạm trú. Cả hai đều là những con số kỷ lục trong 14 năm thực hiện khảo sát PAPI.

Quảng Ninh dẫn đầu, Đà Nẵng tụt hạng

Báo cáo PAPI 2022 trình bày kết quả cung cấp hành chính công cấp tỉnh ở tám chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường và Quản trị điện tử.

Có 2 tỉnh là Bắc Ninh, Bắc Giang - không đưa vào đánh giá do dữ liệu khảo sát không chính xác.

Các tỉnh-thành phố trong nhóm “cao” gồm 6 tỉnh-thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và 6 tỉnh-thành phố thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Các tỉnh-thành phố trong số 14 địa phương trong nhóm “thấp” thuộc các vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, và Đồng bằng sông Cửu Long.

Đáng chú ý là khoảng cách trong hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2022 giữa nhóm điểm cao nhất và điểm thấp nhất có xu hướng thu hẹp, có nghĩa là theo đánh giá của người dân, hiệu quả quản trị và hành chính ở nhiều tỉnh-thành phố không tăng so với năm 2021.

Kết quả xếp hạng cụ thể cho thấy Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu, đứng thứ hai là Bình Dương, thứ ba là Thanh Hóa. Cao Bằng là địa phương xếp vị trí cuối.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, thành viên nhóm nghiên cứu PAPI cho biết trong các tỉnh, thành phố, đáng chú ý sau nhiều nỗ lực, Hà Nội đã vươn lên từ vị trí thấp trong năm 2020 lên nhóm có vị trí cao nhất trong năm 2022. Ngược lại, Đà Nẵng lại tụt xuống nhóm có vị trí trung bình sau nhiều năm đứng ở top đầu.

So với kết quả PAPI năm 2021, có 33 tỉnh-thành phố đạt mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 1 "Tham gia của người dân ở cấp cơ sở"; 18 tỉnh-thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 2 "Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương" và 30 tỉnh-thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 8 "Quản trị điện tử". Tuy nhiên, 29 tỉnh-thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 7 "Quản trị môi trường", 18 tỉnh-thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 4 "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" và 18 tỉnh-thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 6 "Cung ứng dịch vụ công".

Người dân kỳ vọng về nền quản trị hiệu lực, hiệu quả

Báo cáo PAPI năm 2022 phản ánh sự lạc quan của người dân về kinh tế tuy vẫn còn nỗi lo ngại về tác động của đại dịch. Báo cáo cho thấy sự thay đổi quan điểm của người dân về hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương trong bối cảnh người dân kỳ vọng về nền quản trị hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Những nỗ lực của Việt Nam trong năm 2022 nhằm khắc phục các tác động kinh tế-xã hội của hai năm đại dịch Covid-19 đã giúp tăng niềm tin của người dân vào điều kiện kinh tế của hộ gia đình và của quốc gia trong năm qua. Có tới 66,1% số người được hỏi đánh giá nền kinh tế quốc gia là “tốt” vào năm 2022 – tăng 19,4% so với một năm trước đó.

Cũng ở câu hỏi này, tỉ lệ người dân đánh giá điều kiện kinh tế của đất nước là “kém” giảm tới 13,7% so với tỉ lệ 19,8% của năm 2021 xuống còn 6,1% năm 2022.

Tương tự như vậy, ở cấp hộ gia đình, tỉ lệ người dân cho rằng điều kiện kinh tế hộ của mình là “kém” giảm từ 15,3% năm 2021 xuống còn 11,4% năm 2022.

Tuy cảm nhận về điều kiện kinh tế khá hơn, tác động của hai năm đại dịch vẫn còn đó, kết quả khảo sát cũng cho thấy nhiều người vẫn còn nỗi lo ngại về ảnh hưởng của đại dịch, trong đó người dân tộc thiểu số và phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tỉ lệ nghèo đói và việc làm không ổn định cao hơn ở hai nhóm này.

Sự chuyển dịch sang thời kỳ hậu đại dịch cũng được phản ánh trong ý kiến của người dân khi được hỏi về những vấn đề hệ trọng nhất cần Nhà nước tập trung giải quyết trong năm 2022.

Tỉ lệ lựa chọn vấn đề y tế và bảo hiểm y tế là vấn đề hệ trọng nhất, giảm mạnh từ 23,84% theo khảo sát PAPI 2021 xuống 6,38% theo khảo sát PAPI 2022.

Báo cáo PAPI 2022 cho thấy, mặc dù Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng mạnh mẽ trên toàn quốc, song người dân vẫn bày tỏ quan ngại hơn về tham nhũng so với một năm trước đó. Xét trên chỉ số nội dung kiểm soát tham nhũng trong khu vực công nói chung, đây là lần đầu tiên có xu hướng suy giảm của kết quả này kể từ năm 2015.

Cuộc khảo sát cho thấy, người dân ít biết đến giá đất, có tới 70% số người được hỏi không biết giá đất trên thị trường hoặc không biết giá đất chính thức do địa phương ban hành.

Về hiệu quả quản trị điện tử, các cấp chính quyền địa phương vẫn còn nhiều việc phải làm để người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhiều hơn, tương xứng với tỉ lệ lớn người dân đang sử dụng Internet hiện nay. Về việc sử dụng Cổng Dịch vụ công Quốc gia, số người trả lời cho biết họ đã sử dụng hoặc có hồ sơ người dùng trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia còn rất thấp: chưa tới 5% số người trả lời cho biết họ đã sử dụng Cổng Dịch vụ công Quốc gia cho các mục đích khác nhau và khoảng 3% đã thiết lập hồ sơ người dùng trên Cổng này.

Theo TTXVN

;
;
.
.
.
.
.