Đà Nẵng: Bảo đảm an ninh, an toàn sau ngày giải phóng

.

Thành phố Đà Nẵng trước năm 1975 là một căn cứ hải - lục - không quân, với sự tập trung rất đông của bộ máy dân sự và quân sự của chính quyền và quân đội Sài Gòn. Chính vì vậy, một vấn đề được Đặc Khu ủy Quảng Đà và Khu ủy Khu 5 đặc biệt quan tâm là công tác binh địch vận, nhằm bảo đảm an ninh, an toàn sau ngày giải phóng.

Mít-tinh mừng thắng lợi vĩ đại của dân tộc tại Sài Gòn ngày 1-5-1975. (Ảnh tư liệu)
Mít-tinh mừng thắng lợi vĩ đại của dân tộc tại Sài Gòn ngày 1-5-1975. (Ảnh tư liệu)

Theo hồi ký của đồng chí Nguyễn Quang Thái, Trưởng ban Binh vận Đặc Khu Quảng Đà, “ngày 30-3-1975, trong buổi họp đầu tiên của Ủy ban Quân quản thành phố, đã đề ra chủ trương tập trung sĩ quan của quân đội Sài Gòn từ thiếu úy trở lên để chuẩn bị tiến hành giáo dục, cải tạo. Đây là một chủ trương giàu lòng nhân nghĩa, thể hiện tính nhân đạo và đường lối hòa hợp dân tộc của Đảng. Ngành binh vận được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện tốt chủ trương này”. Khi đặt trong bối cảnh thành phố vừa mới giải phóng, mọi việc còn đang ngổn ngang, bề bộn, an ninh trật tự chưa được lặp lại, tình hình còn đang diễn biến phức tạp thì đây thực sự là một nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Ngày 31-3-1975, trong lúc các ngành an ninh, quân đội tiếp tục truy quét các nhóm tàn quân đối phương còn lẩn trốn tại các địa phương, ngành binh vận đã cho in hàng ngàn tờ truyền đơn, tờ rơi, cho các đội loa đi khắp các phường, xã trong thành phố, kết hợp với đài phát thanh và các cơ sở binh vận địa phương tuyên truyền, phổ biến chủ trương khoan hồng của chính quyền cách mạng, kêu gọi anh em binh lính, sĩ quan quân đội Sài Gòn ra giao nộp vũ khí và trình diện với chính quyền mới, riêng số sĩ quan từ thiếu úy trở lên phải nhanh chóng ra đăng ký tại các bàn đăng ký do cán bộ binh vận phụ trách. Đây là bước đầu tiên trong việc “tách súng ra khỏi lính, tách lính ra khỏi sĩ quan” nhằm vô hiệu hóa mọi khả năng chống cự của các nhóm tàn quân của quân đội Sài Gòn.

Từ ngày 1-4-1975, trên toàn thành phố lập tổng cộng 61 bàn đăng ký, mỗi bàn có từ 3 đến 6 đồng chí làm công tác kê khai đăng ký cho sĩ quan quân đội Sài Gòn. Nhiều bàn đặt ngay bên các đường phố, các nơi công cộng để cán bộ binh vận dễ tới lui kiểm tra, đôn đốc; đăng ký đến đâu thì tập trung quản lý đến đó để chuẩn bị cho việc giáo dục, cải tạo sau này. Theo hồi ký đồng chí Nguyễn Quang Thái, tính đến cuối ngày 4-4-1975 (sau 4 ngày làm việc), “tổng số sĩ quan quân đội Sài Gòn từ thiếu úy trở lên ra đăng ký trong toàn thành phố là 5.218 người, trong đó có gần 200 sĩ quan cấp trung, đại tá. Đó là chưa kể gần 8 vạn hạ sĩ quan, binh lính, tề ngụy, đảng phái phản động ra trình diện với chính quyền các địa phương”.

Ảnh: XUÂN TƯ
Ảnh: XUÂN TƯ

Ngày 4-4-1975, đồng chí Nguyễn Quang Thái nhận được lệnh xét chọn ra 3 sĩ quan (trong số ra trình diện) lái máy bay A37 của quân đội Sài Gòn để giao về trên. Về sau, chính 3 người này đã hướng dẫn các đồng chí bộ đội lái máy bay của ta sử dụng máy bay A37 của Mỹ ném bom vào các mục tiêu quân sự quanh Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trong ngày này, đồng chí Nguyễn Quang Thái được đồng chí Nguyễn Trình, Trưởng ban Binh vận Khu V giao nhiệm vụ chọn ra một cơ sở đến trà trộn vào dòng người di tản chạy vào Sài Gòn tiếp tục hoạt động, và đã chọn ra 14 cơ sở vốn là sĩ quan quân đội Sài Gòn cùng với 6 cơ sở hợp pháp cho chạy vào Sài Gòn làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động binh lính địch đào rã ngũ, làm binh biến.

Cũng vào thời điểm này, đồng chí Nguyễn Quang Thái nhờ một đại tá quân đội Sài Gòn, là người phụ trách quản lý sân bay Đà Nẵng, chọn giùm một số sĩ quan kỹ thuật của quân đội Sài Gòn để giải quyết kho bom nổ chậm bị đối phương phá hoại trước khi tháo chạy và đã chọn 5 trung úy, trong đó có một cơ sở, để làm nhiệm vụ này. Kết quả là, kho bom nổ chậm đã được giải quyết an toàn, không gây thiệt hại về nhân mạng.

Rõ ràng, các hoạt động có tính khẩn trương, sáng tạo trên của công tác binh vận đã góp phần vào giải phóng Sài Gòn, hoàn thành giải phóng miền Nam, nhất là trong công tác binh vận; đồng thời, có ý nghĩa quan trọng để bảo đảm an ninh, an toàn thành phố Đà Nẵng sau ngày giải phóng.

VÕ HÀ

;
;
.
.
.
.
.