DIỄN ĐÀN: ĐÀ NẴNG LÀM GÌ ĐỂ TRỞ THÀNH NƠI ĐÁNG ĐẾN VÀ ĐÁNG SỐNG?

Một vài ý tưởng để Đà Nẵng trở thành nơi vừa đáng đến, vừa đáng sống

.

Đà Nẵng là thành phố chứa đựng nhiều giá trị, được quy hoạch và quản lý tốt, tạo dấu ấn và nền tảng một đô thị hiện đại. Đà Nẵng cần tiếp tục làm gì để trở thành nơi vừa đáng đến, vừa đáng sống?

KTS. Trần Ngọc Chính
KTS. Trần Ngọc Chính

Đà Nẵng có gì để trở thành nơi đáng đến, đáng sống?

Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương, diện tích không lớn (khoảng 1.285km2) nhưng có vị trí và vai trò quan trọng khi nằm ở trung điểm của miền Trung. Thành phố có núi cao, sông sâu, đồi dốc trung du xen kẽ vùng đồng bằng ven biển hẹp.

Thứ nhất, tất cả hệ thống hạ tầng kỹ thuật quốc gia đều đi qua Đà Nẵng (các tuyến đường bộ, đường bộ cao tốc, đường sắt, đường sắt cao tốc…, hành lang kinh tế Đông Tây nối Đà Nẵng với phía tây).

Thứ hai, Đà Nẵng có sân bay quốc tế sầm uất thứ 3 tại Việt Nam, kết nối trong và ngoài nước. Đã từng có thời kỳ nhiều ý kiến đề xuất dời sân bay Đà Nẵng, dành 700-850ha đất sân bay ở ngay giữa lòng thành phố để phát triển đô thị.

Tuy nhiên, sân bay Đà Nẵng có vai trò đặc biệt với thành phố. Vì vậy, chúng ta thống nhất giữ nguyên sân bay nhưng phải quy hoạch cụ thể về vấn đề quản lý và mở rộng như thế nào cho phù hợp với sự phát triển. Bởi vậy cần nghiên cứu một tuyến đường ngầm kết nối phía đông và tây sân bay.

Thứ ba, Đà Nẵng có lợi thế từ hệ thống cảng biển nước sâu. Cảng Liên Chiểu là cảng biển tổng hợp, được quy hoạch và đầu tư lớn để trở thành cảng biển container, cảng biển logistics, cảng xuất nhập khẩu lớn của miền Trung.

Mặt khác, cảng Tiên Sa tại bán đảo Sơn Trà sẽ phục vụ đón tàu khách quốc tế, phục vụ phát triển du lịch. Như vậy, Đà Nẵng có đầy đủ hạ tầng giao thông quan trọng như cảng biển nước sâu, sân bay, đường bộ, đường bộ cao tốc, đường sắt và đường sắt cao tốc quốc gia...

Về cảnh quan thiên nhiên, nổi bật nhất là Đà Nẵng có những bãi biển đẹp và tốt của cả nước. Thiên nhiên đã tạo ra vịnh Đà Nẵng được bao bọc bởi dãy núi Hải Vân, cho đến cửa sông Hàn và núi Sơn Trà, tạo thành vòng cung đô thị hướng biển. Còn từ Sơn Trà đến Non Nước - Ngũ Hành Sơn là một dải bờ biển xanh, cát trắng, nắng vàng- với những bãi tắm nổi tiếng thế giới. Bán đảo Sơn Trà là món quà do thiên nhiên ban tặng cho Đà Nẵng. Nhưng chúng ta phải biết phát triển hợp lý để vừa bảo tồn, phát huy giá trị của Sơn Trà, nhưng cũng có thể xây dựng được một tổ hợp kiến trúc đô thị độc đáo trên cao, nâng tầm đẳng cấp cho thành phố.

Đà Nẵng có ưu thế hơn các thành phố khác khi sông Hàn chảy song song với bờ biển, tạo nên đô thị ở hai bên bờ. Hệ thống giao thông kết nối hai bên bờ sông được tạo bởi những cây cầu mang kiến trúc đặc biệt, nhất là các mùa lễ hội pháo hoa quốc tế đã làm nổi bật giá trị cảnh quan sông Hàn. Phía tây Đà Nẵng có những dãy núi, vừa để che chắn gió từ hướng tây, vừa là điểm tựa cho thành phố. Nơi đây có khu du lịch Bà Nà Hills với thời tiết, khí hậu dịu mát; đến nay đã triển khai được dự án du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Đây là những giá trị độc đáo và hiếm có.

Đà Nẵng cần tiếp tục làm gì để trở thành nơi đáng đến, đáng sống?

Lễ hội pháo hoa quốc tế đã và đang trở thành thương hiệu của Đà Nẵng về sản phẩm văn hóa, dịch vụ du lịch đặc sắc riêng có. Ảnh: KIM LIÊN
Lễ hội pháo hoa quốc tế đã và đang trở thành thương hiệu của Đà Nẵng về sản phẩm văn hóa, dịch vụ du lịch đặc sắc riêng có. Ảnh: KIM LIÊN

Đà Nẵng là thành phố chứa đựng nhiều giá trị, được quy hoạch và quản lý tốt, tạo dấu ấn và nền tảng một đô thị hiện đại. Tuy nhiên, Đà Nẵng cần tiếp tục làm gì để trở thành nơi vừa đáng đến, vừa đáng sống?

Thứ nhất, Đà Nẵng đang thiếu một trung tâm đô thị hiện đại. Khó có thể trả lời được cho câu hỏi: Vậy trung tâm của Đà Nẵng đang ở đâu? Căn cứ theo quy hoạch thì cần tổ chức, sắp xếp một không gian đô thị trung tâm bao gồm các khách sạn cao cấp, khu thương mại, dịch vụ, ngân hàng, tài chính,… để tạo thành một trung tâm thương mại - du lịch sầm uất, gợi nên sức sống của một đô thị du lịch.

Thứ hai, Đà Nẵng có diện tích trải dài nên ngoài khu trung tâm thương mại dịch vụ lớn thì các quận cũng phải hình thành khu trung tâm đô thị - dịch vụ - thương mại riêng theo hình thức đa trung tâm. Đà Nẵng cần tiếp tục phát triển các đô thị mới hoàn chỉnh ngay trong lòng đô thị lớn. Đó là xu hướng ly tâm để đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ khi quỹ đất trung tâm cạn kiệt. Đô thị lớn Đà Nẵng gồm nhiều đô thị nhỏ tại các quận, với những sắc thái, chức năng khác nhau.

Trên cơ sở định hình và phát triển các trung tâm đô thị - dịch vụ - thương mại tại các quận, Đà Nẵng cần mở rộng không gian phát triển. Trong đó, có những khu vực mới đầy tiềm năng như phía đông nam (sở hữu cả sông - núi - biển, kết nối tới Quảng Nam, gần trung tâm thành phố, giao thông thuận tiện, hạ tầng đồng bộ…). Ngoài ra, thành phố đang phát triển khu vực phía tây bắc. Đông nam thành phố là khu vực rất tiềm năng, tập trung giới chuyên gia đến an cư và làm việc lâu dài. Ở đó, có làng nghề truyền thống, với nhiều nghệ nhân về đá, chạm khắc, điêu khắc... Khu vực đó có thể kết hợp đô thị thương mại cao cấp với du lịch biển. Thêm nữa, ở đây có sông Cổ Cò dễ kết nối với Hội An và các đô thị đại học.

Thứ ba, theo quy hoạch, trong tương lai, thành phố sẽ có khoảng 2,5 triệu người. Vì vậy, Đà Nẵng phải có hệ thống giao thông công cộng hiện đại, gồm hệ thống đường sắt đô thị và các phương tiện giao thông thông minh. Phải có sự kết nối giữa các công trình ngầm trong lòng đô thị. Ngoài ra, cần tổ chức giao thông để kết nối Đà Nẵng với Hội An, Huế, Mỹ Sơn hay Điện Bàn… bằng hệ thống giao thông công cộng hiện đại và giao thông nội vùng.

Thứ tư, là trung tâm của miền Trung và cả nước, ngoài Bảo tàng Điêu khắc Chăm thì Đà Nẵng cần xây dựng những bảo tàng có sức sống và giá trị văn hóa như bảo tàng đại dương, bảo tàng văn hóa đương đại. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần xây dựng một nhà hát opera đẳng cấp và những công trình thể thao quy mô, đặc sắc.

Thứ năm, cần xây dựng bến du thuyền để định vị thương hiệu cho một thành phố có sức sống hiện đại và hội nhập toàn cầu.

KTS. TRẦN NGỌC CHÍNH
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam,
nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Báo Đà Nẵng hân hạnh đón nhận ý kiến, đề xuất, hiến kế của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước qua hộp thư điện tử: tsbaodanang@gmail.com

 

;
;
.
.
.
.
.