Đáng sống - phải là nơi sống tốt, việc làm tốt và cống hiến tốt. Để có thể cạnh tranh toàn cầu, Đà Nẵng không chỉ là điểm đến mà phải là điểm đến hàng đầu với những trải nghiệm đẳng cấp, khác biệt - là nơi đáng sống. Đà Nẵng phải trở thành nơi làm tổ của các “đại bàng”, các nhà đầu tư với các dự án lớn, đẳng cấp. Lĩnh vực cần thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn là hạ tầng đô thị tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Có như vậy, Đà Nẵng mới thực sự là nơi đáng đến (để du lịch, để tìm kiếm cơ hội đầu tư) và đáng sống (nhờ có những khu đô thị hiện đại, sang trọng được quy hoạch bài bản, đầy đủ tiện ích).
PGS. TS. Trần Đình Thiên |
Một thành phố đáng sống hơn đáng đến theo nghĩa: đến là để tận hưởng, ăn chơi, khám phá; còn sống là phải làm việc, cống hiến. Hiện nay, Đà Nẵng đang cố gắng trở thành nơi đáng để cống hiến, làm việc sáng tạo và là một thành phố an toàn, bình yên. Phải làm sao để những người về hưu, người có tiền đến mua nhà ở chứ không phải chỉ đến thăm con, đi chơi xong rồi về Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An… Thế thì, khi đã đáng sống theo kiểu cống hiến, định vị mình như một thành phố sáng tạo, một mảnh đất hướng tới tương lai thì chắc chắn câu chuyện đầu tư sẽ tiếp tục hướng theo như vậy.
Cuộc đua tranh toàn cầu đang thay đổi ghê gớm. Bây giờ cần phải du lịch thông minh, du lịch MICE - tức thu hút những hội nghị quốc tế tầm cỡ cao, thi đấu thể thao, sàn diễn thời trang hay sàn diễn quốc tế hạng nhất, hoạt động liên quan đến kinh tế số cũng phải tổ chức được. Thêm vào đó, thủ tục visa phải tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, không nên tạo ràng buộc.
Đà Nẵng là thành phố của những dòng sông, những cây cầu, nhưng có lẽ mới chỉ dành cho tầng lớp trung lưu chứ chưa phải thành phố dòng sông để tận hưởng dịch vụ đẳng cấp nhất. Đà Nẵng đã làm tốt sứ mệnh trở thành một nơi đáng đến nhưng cần trở thành một nơi đáng sống, thu hút nhân sự tài năng đến làm việc và cống hiến. Đà Nẵng phải luôn đặt trong vị thế đua tranh quốc tế. Qua đó, chúng ta thấy Đà Nẵng còn nhiều việc phải làm.
Làm kinh tế đêm, phát triển toàn diện du lịch
Thứ nhất, để vừa đáng đến hàng đầu và là nơi đáng sống hơn nữa thì Đà Nẵng cần có những trải nghiệm hàng đầu để hút khách du lịch bằng việc phát triển kinh tế đêm để gia tăng sức hút, tăng sức chi tiêu của khách du lịch, tương xứng với tiềm năng phát triển…
Cách đây 10-15 năm, tại những hội thảo bàn giải pháp đưa Đà Nẵng lên đẳng cấp rất cao trong phát triển không chỉ ở Việt Nam mà tầm thế giới, thì vấn đề phát triển kinh tế đêm đã được đặt ra rất nghiêm túc, bài bản. Thời điểm đó, mọi người đã nhắc câu chuyện Đà Nẵng thiếu một không gian ban đêm, thiếu một downtown để cả thành phố thức.
Tôi nhớ có lãnh đạo cao nhất của Đà Nẵng từng nói đến việc thành phố không làm du lịch được, vì lúc du khách ngủ thì người dân lại dậy đi tập thể dục. Còn lúc cần thức thì người dân lại tắt hết đèn đi ngủ từ 8, 9 giờ tối. Cứ như thế mãi thì Đà Nẵng không thể phát triển du lịch đẳng cấp cao được.
Làm kinh tế đêm khó hơn kinh tế ngày rất nhiều, chúng ta lâu nay đều tư duy kinh tế ngày. Tuy nhiên, khi làm kinh tế đêm sẽ thấy cấu trúc khác và phải phá bỏ nhiều quy tắc thông thường. Kinh tế đêm chủ yếu hướng tới dịch vụ, đáp ứng những nhu cầu như giải trí, mua sắm, chia sẻ văn hóa đẳng cấp cao...
Nhưng chúng ta hiện nay chưa có điều đó, cần phải xuất hiện những nhà hát, sàn nhảy, quán bar xuyên đêm. Muốn làm được điều đó phải bảo đảm được an ninh, có những nguyên tắc về thuế, quy tắc hoạt động, cơ sở hạ tầng như thế nào. Đà Nẵng hiện nay mới đề ra xây dựng đề án, nếu đi theo cách tiếp cận như trên cần kế hoạch triển khai tổng thể và mời một số doanh nghiệp lớn khởi động.
Phải có doanh nghiệp lớn chúng ta mới chuyển các hoạt động kinh tế đêm thành một chuỗi liên kết, mạch lạc với nhau. Khi muốn hướng tới cái mới, cái khó và mang tính đột phá thì chúng ta phải gạt bỏ được những quy tắc cũ. Để giải quyết những vấn đề khó cần hệ thống hỗ trợ, ưu đãi, ví dụ như bảo đảm an ninh và cho phép mọi người hoạt động ban đêm một cách tự do, định hình lại những quy tắc. Đó là những điều mà các nơi phải làm không riêng gì Đà Nẵng và Đà Nẵng phải là thành phố đi tiên phong.
Đà Nẵng muốn là điểm đến hàng đầu, nhất định phải phát triển du lịch toàn diện từ du lịch biển, núi, sông nước, giải trí… Năm 2017, Đà Nẵng là nơi tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC và tôi còn nhớ có những năm từ 2016-2019, Đà Nẵng có lễ hội pháo hoa quốc tế quy mô tới 2 tháng, nhưng rồi lại dừng do dịch bệnh và đến mùa hè năm 2023 này sẽ tổ chức trở lại. Để biến lễ hội pháo hoa thành thương hiệu cần có cơ sở hạ tầng riêng cho lễ hội này, từ khán đài, sân khấu, đến các khu dịch vụ phụ trợ. Nhiều điểm đến lễ hội pháo hoa đã làm như vậy và Đà Nẵng phải làm được như thế.
Đà Nẵng vốn nổi tiếng có khu du lịch Bà Nà, có cầu Vàng. 2-3 năm cầu Vàng tất nhiên vẫn “hot”, nhưng dăm năm tới, nếu vẫn chỉ có chừng đó thứ, thì người ta còn không muốn lên Bà Nà nữa và người ta thấy Đà Nẵng vẫn thế. Chính vì thế, cần làm mới cả những điểm đã cũ, tạo nhiều sản phẩm trải nghiệm mới ở những điểm vốn đã quá quen. Có như vậy thì khách mới trở lại, chứ không để họ đến một lần rồi thôi.
Thêm nhiều trải nghiệm, nghĩa là rút ví khách được nhiều hơn. Thế thì đáng làm lắm chứ. Đà Nẵng cần gia tăng các trải nghiệm du lịch luxury như golf, hình thành các khu miễn thuế, trung tâm tài chính, các công viên du lịch gắn với lợi thế biển, tổ chức các sự kiện, lễ hội tầm cỡ quốc tế, đặc biệt quan tâm tới nhu cầu của giới siêu giàu - ví dụ lễ hội liên quan tới du thuyền, golf…
Thứ hai, Đà Nẵng không nên chỉ lấy du lịch làm cách tiếp cận duy nhất. Khi thảo luận những vấn đề tương lai của Đà Nẵng thì nổi lên câu chuyện: đợt Covid-19 cho thấy, nếu chỉ phát triển du lịch thì sẽ bị phụ thuộc vào một ngành và tiềm ẩn rủi ro. Cho nên, Đà Nẵng cần tiếp tục nâng cấp du lịch, nhưng để khẳng định một môi trường “đáng sống” thì phải làm sao để người ta cảm thấy giảm thiểu được rủi ro.
Nơi thu hút người tài
Thứ ba, Đà Nẵng phải là thành phố đáng sống theo nghĩa “anh hùng” chọn là nơi để sống - đó mới là sự sáng tạo. Đây phải là mảnh đất cho người tài đến sống, bảo đảm cho họ sự tự do sáng tạo. Điều này cực kỳ quan trọng và cũng rất khó để thực hiện. Muốn làm như vậy thì Đà Nẵng phải vươn lên, cũng giống như Singapore - từ một mảnh đất “bùn lầy” đã vươn lên gần như thượng đỉnh của thế giới trong việc thu hút các nhà đầu tư quốc tế, thu hút du lịch. Đà Nẵng cũng phải thay đổi theo hướng luôn mới lạ như Dubai. Các nhà đầu tư đến Dubai kiến tạo không một tòa nhà, khách sạn nào giống nhau. Mỗi nhà đầu tư đến phải có sản phẩm đẹp, mới lạ, nhiều giá trị hơn.
Thứ tư, Đà Nẵng phải là một đô thị thông minh, đô thị số trong thời đại số. Cho nên, phải quan tâm tới hạ tầng số, và phải làm nhanh. Điều đó mới tạo ra sức hút người tài, người có năng lực cống hiến cho khoa học công nghệ, sáng tạo.
Thứ năm, Đà Nẵng phải định hướng trở thành một trung tâm phát triển công nghệ cao, cảng logistics, có những mô hình thành phố nhỏ phát triển năng động bên trong thành phố hiện hữu… Như thế thì khoảng trống - tức dư địa phát triển ở tầm cao còn rất nhiều.
Thứ sáu, Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã thể hiện được một góc nhìn hiện đại về những định hướng phát triển của thành phố Đà Nẵng, mang khát vọng phát triển mạnh mẽ trong tương lai của một thành phố đáng sống.
Trên cơ sở đó, Đà Nẵng cần mạnh mẽ hơn trong thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nhất là hình thành các khu đô thị đủ sức thu hút doanh nhân, đội ngũ chuyên gia giỏi, chuyên gia quốc tế… đến an cư, làm việc lâu dài ở Đà Nẵng. Muốn vậy, cần có những nơi xứng tầm cho họ sống và tận hưởng cuộc sống ở tiêu chuẩn quốc tế.
Có như vậy, Đà Nẵng mới thực sự là nơi đáng đến (để du lịch, để tìm kiếm cơ hội đầu tư) và đáng sống (nhờ có những khu đô thị hiện đại, tiện ích sang trọng được quy hoạch bài bản, đầy đủ tiện ích). Bất động sản công nghiệp, những khu đô thị đáng sống hạng sang ven sông… vẫn còn dư địa tốt. Những đô thị mà “nhất cận thị - nhị cận giang” đều rất phát triển.
Chính quyền phải có tầm nhìn quy hoạch, phải biết mời những người biết làm và có năng lực vào làm, nếu không sẽ làm hỏng tiềm năng. Đây là hai vấn đề có mối quan hệ tương hỗ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của các thành phố du lịch.
Tôi cho rằng, theo cách đặt vấn đề như thế, chân dung Đà Nẵng đúng theo nghĩa không phải hội tụ xô bồ mà mang một đẳng cấp khác biệt. Ngoài ra còn khoảng trống kết nối Đà Nẵng với Huế - Hội An, mở biên ra để cho không gian sáng tạo hướng về Quảng Nam là những vấn đề đang được tích cực đặt ra.
Phải liên tục đổi mới
Thứ bảy, chúng ta đang nói theo tiêu chí một thành phố đáng sống đẳng cấp cao đòi hỏi những gì? Để thấy rằng, Đà Nẵng đang phải đặt ra những nhiệm vụ mang tính cấp bách cao. Làm được những nhiệm vụ đó chắc chắn không thể chỉ trông đợi vào tiền đầu tư Nhà nước mà phải có liên kết phát triển giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân.
Do đó, Đà Nẵng cần là một hình mẫu để thu hút “đại bàng”. Đà Nẵng phải trở thành “tổ ấm” của những “đại bàng” lớn. Bây giờ, rất nhiều địa phương sẵn sàng dọn tổ mời “đại bàng”. Công bằng mà nói, “đại bàng” chọn nơi làm tổ, cứ nơi nào trải thảm đỏ và tôn trọng họ, tạo điều kiện cho họ, thì họ đến.
Tất nhiên đã đến thì phải tuân thủ luật chơi. Có “đại bàng” mới tạo ra cảm hứng phát triển mới, sức bật mới… Đà Nẵng phải tiếp tục ưu tiên lựa chọn “đại bàng” trong các lĩnh vực mũi nhọn phát triển: du lịch, giải trí, công nghệ, tài chính…
Kế sách duy nhất để hấp dẫn đại bàng là cơ chế: cơ chế cởi mở, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa, nhiều khi phải hy sinh cái lợi nhỏ đến có cái lợi lớn. Ví dụ, khung giá đất Đà Nẵng đã thực sự phù hợp hay chưa? Những dự án không thể triển khai, đã thực sự phân tích nguyên nhân, tìm giải pháp và bảo vệ quan điểm phát triển hay chưa.
Chú trọng “đại bàng” không đồng nghĩa bỏ qua doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đà Nẵng cũng phải là doanh nghiệp vừa và nhỏ đẳng cấp, với đội hình tương xứng, để đưa Đà Nẵng trở thành một nơi đẳng cấp.
Tóm lại, nhìn tổng thể và dài hạn, thành tích đạt được của Đà Nẵng vẫn là mặt nổi bật, vẫn là xu thế chủ đạo, là yếu tố quyết định cho định hướng tương lai của thành phố. Đà Nẵng đã hoàn thành sứ mệnh là nơi đáng đến, nhưng chưa phải là nơi đáng đến hàng đầu.
Đà Nẵng cần phải vươn mình trở thành nơi đáng sống tầm cỡ quốc tế. Muốn vậy, Đà Nẵng phải liên tục đổi mới để khẳng định đẳng cấp, nếu dừng lại thì có thể sẽ tụt hậu chứ chưa bàn đến khả năng cạnh tranh toàn cầu.
PGS. TS. TRẦN ĐÌNH THIÊN
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam,
Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ
Báo Đà Nẵng hân hạnh đón nhận ý kiến, đề xuất, hiến kế của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước qua hộp thư điện tử: tsbaodanang@gmail.com |