Đồng hành phụ nữ khuyết tật

.

Nhiều năm qua, chị Mai Thị Dung (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng (Cormis), trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố, miệt mài cùng cộng sự hỗ trợ, đồng hành phụ nữ khuyết tật. Thông qua việc trao sinh kế bền vững, hướng dẫn các kỹ năng sống hạnh phúc và tích cực, chị Dung giúp nhiều phụ nữ yếu thế có việc làm, tự tin hòa nhập, vươn lên trong cuộc sống.

Thông qua dự án tái chế và các hoạt động cộng đồng, chị Mai Thị Dung (thứ hai, bên trái sang) giúp nhiều phụ nữ khuyết tật có việc làm ổn định, tự tin hòa nhập cộng đồng. Ảnh: P.N
Thông qua dự án tái chế và các hoạt động cộng đồng, chị Mai Thị Dung (thứ hai, bên trái sang) giúp nhiều phụ nữ khuyết tật có việc làm ổn định, tự tin hòa nhập cộng đồng. Ảnh: P.N

Ngôi nhà chung của phụ nữ yếu thế

Đầu giờ sáng, chị Đặng Thị Nở (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) đỗ chiếc xe máy ba bánh trước Trung tâm Cormis, bắt đầu ngày mới với công việc may túi xách bằng vải thừa gom về từ các tiệm may. Với kinh nghiệm may lâu năm, các công đoạn từ may đến trang trí sản phẩm không làm khó chị Nở. Đôi tay thoăn thoắt, mắt tập trung, sau vài giờ, chiếc túi xách được chị Nở hoàn thành.

“Đây là công việc gắn bó nhiều năm và mang lại thu nhập ổn định cho tôi. Ngày nào tôi cũng tranh thủ đến Trung tâm Cormis sớm để được làm việc, giao lưu, trò chuyện cùng các chị em. Trung tâm Cormis như ngôi nhà chung của những người không may mắn như tôi”, chị Nở bộc bạch.

Chị Nở là một trong số những phụ nữ yếu thế được Trung tâm Cormis hỗ trợ. Xuất phát từ mong muốn giúp phụ nữ khuyết tật có việc làm, tìm được niềm vui, vươn lên trong cuộc sống, năm 2018, chị Mai Thị Dung thành lập Trung tâm Cormis.

“Trước đây, tôi có nhiều năm tham gia vào các hoạt động, dự án cộng đồng cho các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, qua quá trình tham gia tôi nhận thấy, thay vì hỗ trợ vật chất mang tính tạm thời, những người yếu thế cần được hỗ trợ lâu dài, thiết thực và hiệu quả hơn. Họ cần một công việc tạo ra thu nhập và mang lại niềm vui để tự tin hòa nhập cộng đồng. Đó là mục tiêu Trung tâm Cormis hướng đến”, chị Dung cho biết.

Sau khi thành lập trung tâm, chị Dung thực hiện dự án tái chế vì cuộc sống hạnh phúc. Dự án với định hướng sử dụng các loại rác tái chế như: vải, lưới, bao gạo... để làm ra những sản phẩm bán ra thị trường, tạo sinh kế bền vững cho các chị em phụ nữ khuyết tật. Để triển khai dự án, Trung tâm Cormis đón nhận những phụ nữ khuyết tật trên địa bàn thành phố cùng các địa phương lân cận, hướng dẫn họ may các sản phẩm như: túi xách, cột tóc, bao gối, khăn tay, băng đô, lót ly... Từ vài chị em ban đầu, hiện dự án tạo công ăn việc làm cho hơn 20 phụ nữ khuyết tật.

Nhằm kết nối nguồn nguyên liệu đầu vào, chị Dung tìm đến các khu nghỉ dưỡng, khách sạn xin các tấm ga giường, vỏ gối, màn che... cũ và gom vải thừa từ các tiệm may lớn. “Tái chế giúp tiếp nối vòng đời của rác thải, góp phần bảo vệ môi trường nên những nơi tôi đến xin, mọi người đều ủng hộ nhiệt tình. Hiện nhiều chị em khuyết tật mong muốn tham gia vào dự án tái chế của Trung tâm Cormis. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu, sắp tới, tôi gom vải và các vật liệu có thể tái chế ở nhiều nơi khác. Đồng thời hy vọng, các doanh nghiệp, cửa hàng bán đồ lưu niệm sẽ đồng hành, hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho các chị em”, chị Dung thổ lộ.

Tự tin hòa nhập cộng đồng

Bên cạnh việc trao sinh kế bền vững, Trung tâm Cormis chú trọng chăm sóc sức khỏe tâm trí, tạo điều kiện cho người khuyết tật giao lưu, gặp gỡ thông qua các hoạt động cộng đồng. Mới đây, trung tâm tổ chức thành công buổi trình diễn bộ sưu tập thời trang tái chế hưởng ứng giờ trái đất tại Hội An (tỉnh Quảng Nam). Người mẫu tham gia trình diễn là những phụ nữ khuyết tật.

Tham gia vào chương trình, chị Đặng Thị Bé (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết: “Đây là trải nghiệm thú vị với tôi cũng như các chị em. Được khoác lên mình bộ áo dài tái chế do mình thiết kế và trình diễn cho mọi người xem giúp tôi cảm thấy tự tin hơn. Thông qua sự kiện này, tôi mong muốn truyền cảm hứng về công việc tái chế, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đến tất cả mọi người”, chị Bé bộc bạch.

Trong hơn 4 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Cormis tổ chức nhiều buổi workshop, lớp học kỹ năng với các chuyên gia tâm lý, giảng viên về sức khỏe tâm trí, huấn luyện viên yoga, thiền…

Thường xuyên tham gia vào các hoạt động, chị Phạm Thị Hồng Nga (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, đây là cơ hội mà không phải người khuyết tật nào cũng có được. Thông qua các hoạt động, tinh thần chị thoải mái hơn nhiều. Giờ đây, chị không còn cảm thấy tự ti, mặc cảm về khiếm khuyết trên cơ thể.

Trong kế hoạch phát triển, Trung tâm Cormis nỗ lực duy trì dự án tạo sinh kế cho phụ nữ khuyết tật và tổ chức thêm nhiều hoạt động giao lưu, kết nối giữa những người khuyết tật với cộng đồng. Không chỉ các thành viên của trung tâm, tất cả những ai có nhu cầu đều có thể tham gia vào các hoạt động này.

Trung tâm mong muốn đồng hành, hỗ trợ những người khuyết tật phát triển toàn diện. Qua đó, giúp họ sống tốt, sống có ích và cùng đóng góp những điều tích cực cho xã hội phát triển.

THÀNH DANH

;
;
.
.
.
.
.