Trước những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC)...
Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra hoạt động kinh doanh, PCCC trong các quán karaoke, vũ trường. |
Cơ sở hát karaoke chết "lâm sàng"
Những tháng qua, chuỗi cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke My Love, Karaoke Dòng Thời Gian, TP Thủ Đức, Hạnh Nguyên (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh)... đã đầu tư nhiều tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa lại các cơ sở hát karaoke theo yêu cầu về quy định an toàn trong PCCC như: Cải tạo hệ thống thông gió, bố trí lối thoát hiểm, thiết kế buồng thang, tháo dỡ các vật liệu dễ cháy... Tuy vậy, đã hơn 3 tháng sau khi hoàn tất, đơn vị, cơ quan chức năng vẫn chưa nghiệm thu để các cơ sở hoạt động trở lại.
Anh Nguyễn Hoài Nam, quản lý hệ thống karaoke My Love, TP Thủ Đức cho biết: “Cơ sở vẫn phải ‘gánh’ nhiều khoản chi phí khác về mặt bằng, lương nhân viên, bảo trì thiết bị... chờ ngày được mở cửa hoạt động trở lại. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp đang kinh doanh lĩnh vực này. Nếu tình trạng này kéo dài, chúng tôi buộc phải đóng cửa vì đã cạn vốn kinh doanh”.
Tương tự, ông Trần Thái Kiểm tra công tác PCCC tại điểm kinh doanh karaoke ở phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sơn, Tổng Giám đốc Công ty ICool cho rằng, việc “siết” các quy chuẩn, quy định về PCCC là hợp lý, nhưng cơ quan chức năng cần tạo điều kiện để các cơ sở có thêm thời gian điều chỉnh, cải tạo hệ thống, cơ sở theo quy định. Khi các cơ sở triển khai sửa chữa, đầu tư hạng mục PCCC theo quy định, thì nên cử cán bộ theo sát tình hình khắc phục để tránh tình trạng “sửa đi sửa lại”, mất thời gian và tốn kém kinh phí cho doanh nghiệp.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp nhấn mạnh: Sự thiếu hợp lý trong quy định về kiểm định vật liệu PCCC đang gây tốn kém về chi phí cho doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang rất mệt mỏi vì vướng các quy định này, trong đó phổ biến nhất quy định về diện tích, xây dựng cầu thang thoát hiểm, vật liệu xây dựng và sơn chống cháy...
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng chỉ ra một số điểm vướng mắc liên quan đến quy định PCCC đang khiến hàng nghìn doanh nghiệp “mắc kẹt”. “Chỉ trong vòng 18 tháng nhưng có tới 3 văn bản, trong đó có 2 thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng liên quan đến quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình “, bà Phạm Thị Ngọc Thủy chia sẻ.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng, kho bãi theo những quy định PCCC cũ, nhưng đến khi làm xong, cơ quan kiểm định lại buộc phải tuân thủ theo quy định mới. Có những tiêu chuẩn, quy chuẩn không khả thi; có những tiêu chuẩn được nâng tầm ngang với quy chuẩn đang áp dụng tại Anh - một trong những quốc gia tiên tiến nhất thế giới. Theo bà Phạm Thị Thủy, dù hướng đến những tiêu chuẩn cao để tránh rủi ro cháy, nổ, nhưng đưa ra các tiêu chuẩn cao quá thì không doanh nghiệp nào chịu đựng nổi; chi phí tuân thủ là ngoài tầm với của họ.
Cần có những ưu tiên xử lý
Trước những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC. Thủ tướng yêu cầu phân loại cụ thể theo nhóm các công trình, cơ sở có khó khăn, vướng mắc trong việc khắc phục sau kiểm tra, rà soát. Từ đó, chủ động, kịp thời giải đáp và hướng dẫn đầy đủ để khắc phục tổng thể các vi phạm, thiếu sót về PCCC.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Công điện này được kỳ vọng sẽ giám sát chặt chẽ hơn việc thực hiện của các đơn vị liên quan, đặc biệt là việc Bộ Công an rà soát các cơ sở pháp lý liên quan đến thủ tục hoạt động PCCC; đồng thời, giám sát các hoạt động cơ quan của địa phương trong việc thực hiện những hướng dẫn cho các doanh nghiệp cũng nhà đầu tư.
Để tháo gỡ khó khăn trong công tác PCCC, các bộ, ngành và địa phương cần phải phối hợp rà soát lại các quy định đã ban hành về quy định tiêu chuẩn quy định và đánh giá đâu là quy định cần thiết, khả thi và hợp lý. “Trước mắt, cần bóc tách các cơ sở kinh doanh theo nhóm (ví dụ như các cơ sở kinh doanh xây dựng theo quy chuẩn cũ nhưng lại bị kiểm tra, nghiệm thu theo quy định mới ban hành). Các nhóm sẽ được phân chia theo mức độ ưu tiên, nhóm cần giải quyết gấp và nhóm cần có thời gian để giải quyết. Với mỗi nhóm, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy đề xuất.
Theo Baotintuc.vn