Thúc đẩy phong trào 'Nói và Làm' trong giai đoạn mới

.

Không chỉ có giá trị trong những ngày đầu tiên của sự nghiệp Đổi mới, “Những việc cần làm ngay” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh còn mang sức sống thời đại, góp phần định hướng và động viên cán bộ, đảng viên, quân dân cả nước trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, cũng như trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chiều 24/4, cùng việc khai trương Trang thông tin đặc biệt, Báo Nhân Dân đã tổ chức Tọa đàm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Những việc cần làm ngay. Dự tọa đàm có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên.

Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; các đồng chí lãnh đạo Báo Nhân Dân; các nhà báo lão thành, các nhà khoa học…

Tọa đàm đã phân tích, đánh giá tinh thần đổi mới sáng tạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; làm rõ thêm tính chiến đấu của những bài viết về tư tưởng đổi mới, kiên quyết chống tiêu cực của đồng chí đăng trên Báo Nhân Dân; tính thời sự, giá trị thời đại của “Những việc cần làm ngay” trong quá trình đổi mới xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh - Tổng Bí thư đổi mới

Đánh giá cao Báo Nhân Dân khai trương Trang thông tin đặc biệt về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Những việc cần làm ngay, PGS,TS Trần Minh Trưởng - nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Đổi mới là mốc son tiêu biểu, đánh dấu những bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam, đồng thời ghi nhận tài năng trí tuệ và sự năng động, sáng tạo, hiệu quả của nhà lãnh đạo Nguyễn Văn Linh.

PGS,TS Trần Minh Trưởng phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
PGS,TS Trần Minh Trưởng phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Trên trọng trách là Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, lập trường kiên định, cùng Bộ Chính trị, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đề ra những quyết sách đúng đắn, huy động được toàn thể các tầng lớp nhân dân tham gia tiến hành sự nghiệp đổi mới. Đồng chí Nguyễn Văn Linh quán triệt: “Đổi mới là cách mạng”, muốn thắng lợi, phải quyết tâm, phải có phương pháp đúng, phù hợp, đồng thời có sự đột phá.

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Đại hội VI về đổi mới, “Đổi mới toàn diện” trên nguyên tắc “đổi mới nhưng phải giữ được ổn định chính trị”, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí cùng Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Khóa VI triển khai đường lối đổi mới trên nguyên tắc: Đổi mới là để đạt đến mục tiêu chủ nghĩa xã hội bằng con đường, phương pháp, bước đi phù hợp quy luật khách quan. Đổi mới phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Đồng chí Tổng Bí thư chỉ đạo từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, kiên quyết không chấp nhận “đa nguyên, đa đảng”; tăng cường phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhưng không cho phép mất ổn định chính trị.

Về công tác xây dựng Đảng, theo quan điểm của đồng chí, vấn đề quan trọng bậc nhất có tính chất sống còn của Đảng, là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cán bộ của đảng viên, của người đứng đầu trong việc thực hiện mục tiêu nhiệm vụ của Đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ trước nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã kêu gọi các đồng chí lãnh đạo ở các cấp cần nêu gương tốt, giữ mình trong sạch, không quan liêu, không bè phái để có đủ uy tín và sự nghiêm minh trong công việc và củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng.

Đồng chí nhấn mạnh, trong bất cứ kỳ hoàn cảnh nào, nguyên tắc Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, bởi: “căn cứ an toàn nhất là lòng dân”. Đồng chí nói: “Quan hệ Đảng với dân là quan hệ sống còn, dân lúc nào cũng cần Đảng, Đảng lúc nào cũng ở trong dân, sống chết vì nhân dân. Sự gắn bó giữa Đảng với dân là máu thịt…, đó là bài học quý báu của Đảng ta. Mỗi cán bộ, đảng viên dù ở cương vị công tác nào, trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần phải học, đã học rồi thì cần phải nhớ và làm theo”.

Tại tọa đàm, đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, không phải ngẫu nhiên mà tên tuổi đồng chí Nguyễn Văn Linh được gắn liền với hai chữ “đổi mới”. Đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội lần thứ VI. Đây cũng là Đại hội mở đầu cho thời kỳ đổi mới.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, một mặt khẳng định kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa, đề ra những nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới; mặt khác chủ động phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, tìm tòi những cơ chế, chính sách, biện pháp tích cực giải quyết những đòi hỏi cấp bách của đời sống xã hội, nhằm giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự xã hội.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương kiên trì chấp hành đường lối Đại hội VI, cụ thể hóa vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự và các lĩnh vực khác, đối nội và đối ngoại. Nhờ đó, tình hình đất nước qua từng năm được cải thiện dần, lương thực từ chỗ không đủ ăn đã tiến tới xuất khẩu được, hàng tiêu dùng trong nước bớt khan hiếm hơn, giá cả phi mã được kiềm chế...

Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, kết quả lớn nhất đạt được vào thời điểm này là sản xuất, lưu thông hàng hóa được cởi trói, hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường với vai trò quản lý của Nhà nước; quyền tự chủ kinh doanh của cơ sở từng bước được xác lập.

“Đồng chí Nguyễn Văn Linh khẳng định: Việc đổi mới phải bắt đầu từ lĩnh vực tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, đổi mới tổ chức và cán bộ, phong cách lãnh đạo và công tác”, đồng chí Đỗ Ngọc An nhấn mạnh.

Dựa trên cơ sở này, Đảng ta đã tiến hành ba nhiệm vụ quan trọng bao gồm: Bố trí lại cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, tập trung sức người, sức của và việc thực hiện ba chương trình kinh tế lớn: Sản xuất lương thực-thực phẩm; sản xuất hàng tiêu dùng; sản xuất hàng xuất khẩu.

Thứ hai, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nhằm giải phóng, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa đề thúc đẩy sản xuất phát triển.

Thứ ba, tháo gỡ những ràng buộc bất hợp lý làm cho các thành phần kinh tế ở trong nước đều phát triển, kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo nhưng đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân, cá thể đầu tư phát triển sản xuất.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã xác định rõ: Muốn bảo đảm thực hiện được công cuộc đổi mới kinh tế có kết quả, chúng ta phải coi trọng hàng đầu việc mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện khẩu hiệu: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" để huy động được sức mạnh của toàn dân.

Tham luận tại tọa đàm, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là nhà lãnh đạo tài năng, tư duy sáng tạo, trí tuệ lớn của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, đồng chí còn là nhà lãnh đạo phong trào công nhân, người đặt nền móng cho đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn, đã dành nhiều trí tuệ, tâm huyết để xây dựng và phát triển phong trào công nhân, công đoàn, cả khi làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) và khi giữ cương vị cao nhất - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày tham luận tại tọa đàm. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày tham luận tại tọa đàm. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Trên cương vị Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn thể hiện quan điểm cần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đánh giá đúng thực trạng, đề ra nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, cụ thể xây dựng, chăm lo và phát huy vai trò của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn trong xây dựng đất nước.

Với cương vị là người đứng đầu của tổ chức Công đoàn Việt Nam, đồng chí đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp công đoàn tập hợp, vận động công nhân, lao động hăng hái thi đua lao động sản xuất, hoàn thành kế hoạch; đẩy mạnh phong trào công nhân viên chức thi đua phục vụ nông nghiệp; ra sức xây dựng và bảo vệ đất nước, củng cố quốc phòng; tổ chức và từng bước cải thiện đời sống, phát triển phúc lợi, bảo vệ lợi ích chính đáng của công nhân viên chức; vận động cán bộ viên chức tích cực tham gia cải tiến quản lý xí nghiệp, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước; đẩy mạnh giáo dục chính trị, văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ cho công nhân; tích cực góp phần tăng cường đoàn kết lao động và phong trào công đoàn thế giới đấu tranh vì quyền lợi của những người lao động, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội; cải tiến phương pháp công tác, xây dựng công đoàn vững mạnh.

Trước yêu cầu của tình hình mới, đồng chí luôn chỉ đạo, yêu cầu tổ chức Công đoàn phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để phát huy được vai trò to lớn đối với giai cấp công nhân và toàn xã hội, thu hút ngày càng đông đảo công nhân, viên chức tham gia, để công đoàn thực sự trở thành động lực mạnh mẽ, khơi dậy mọi tiềm năng, trí tuệ của công nhân, viên chức trong lao động, sản xuất; trong việc tham gia quản lý đơn vị của mình và trong toàn xã hội.

Với nhận thức quan trọng nhất của đổi mới là đổi mới tư duy, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chỉ đạo tổ chức công đoàn phải bắt đầu từ đổi mới tư duy. Theo đồng chí, chỉ có trên cơ sở nhận thức đúng đắn, đầy đủ, toàn diện và khách quan vị trí, vai trò, chức năng của công đoàn trong giai đoạn mới, thì mới có cơ sở để đổi mới tổ chức hoạt động công đoàn đúng đắn, hoàn thiện hơn.

Đại hội VI của Đảng - Đại hội mở đầu cho đường lối đổi mới đất nước - đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư của Đảng. Trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí tiếp tục quan tâm chăm lo việc làm, đời sống công nhân lao động, xây dựng giai cấp công nhân và chỉ đạo hoạt động công đoàn.

Tác phong “Nói và Làm”, tinh thần của loạt bài “Những việc cần làm ngay” trên Báo Nhân Dân thể hiện rõ trong các chỉ đạo của đồng chí đối với tổ chức Công đoàn. Đặc biệt, theo đồng chí Nguyễn Văn Linh, hoạt động công đoàn phải “tùy theo đặc điểm của từng loại hình kinh tế để có hình thức thích hợp”, phải phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng và điều kiện cụ thể của công nhân, lao động.

Từ tư duy đúng đắn đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh cho rằng việc đổi mới phương thức hoạt động công đoàn phải bắt đầu ngay từ cơ sở, là nơi chức năng của công đoàn được thực hiện đầy đủ và sinh động, nơi tác động hằng ngày đến người lao động.

Để đổi mới hoạt động công đoàn, đồng chí lưu ý trước hết người cán bộ công đoàn phải đổi mới tư duy và phong cách, gắn chặt giữa lý luận và thực tiễn. Cán bộ công đoàn phải bám sát cơ sở, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của họ.

“Đã hơn 35 năm qua, những tư tưởng, quan điểm của đồng chí Nguyễn Văn Linh về đổi mới phương thức hoạt động công đoàn vẫn có ý nghĩa hết sức sâu sắc trong nghiên cứu lý luận cũng như chỉ đạo hoạt động thực tiễn của công đoàn nước ta. Vấn đề đặt ra cho các cấp công đoàn là cần vận dụng sáng tạo các quan điểm, nội dung, phương thức xây dựng giai cấp công nhân và hoạt động công đoàn phù hợp với điều kiện mới”, đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.

Đã hơn 35 năm qua, những tư tưởng, quan điểm của đồng chí Nguyễn Văn Linh về đổi mới phương thức hoạt động công đoàn vẫn có ý nghĩa hết sức sâu sắc trong nghiên cứu lý luận cũng như chỉ đạo hoạt động thực tiễn của công đoàn nước ta.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang

Đồng chí Nguyễn Văn Linh với “Những việc cần làm ngay”

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, lãnh đạo cách mạng Đảng ta luôn luôn khẳng định báo chí là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng của Đảng, nhất là trong những giai đoạn có ý nghĩa bước ngoặt của cách mạng.

Khi sớm thấy bệnh tham nhũng, lãng phí, quan liêu có thể trở thành quốc nạn, lực cản sự nghiệp đổi mới đất nước, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã công khai trước công luận về “Những việc cần làm ngay” với hàng loạt bài báo trên Báo Nhân Dân, từ số đầu tiên 25/5/1987 đến số cuối cùng 28/9/1990.

Từng trực tiếp chỉ đạo xuất bản 31 số báo về “Những việc cần làm ngay” khi còn là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nhà báo lão thành Hà Đăng khẳng định những người làm Báo Nhân Dân không bao giờ quên hình ảnh lão đồng chí Nguyễn Văn Linh đã đích thân mang bài báo đầu tiên dưới bút danh N.V.L đến tòa soạn, mở ra chuyên mục “Những việc cần làm ngay”, nghiêm khắc phê phán những việc làm tiêu cực trong xã hội, từng gây chấn động trong dư luận thời kỳ đầu đổi mới.

Nhà báo lão thành Hà Đăng phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Nhà báo lão thành Hà Đăng phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Về sau, đồng chí Nguyễn Văn Linh nói lại với các nhà văn, nhà báo: “Tôi không phải là nhà văn nghệ, nhà báo nhưng 'ngứa ngáy' quá vừa rồi mới viết Những việc cần làm ngay. Nhiều người hoan nghênh, hưởng ứng nhưng không phải không có những người cho rằng “bôi đen chế độ”.

Trả lời một nhà báo nước ngoài hỏi tại sao có lúc N.V.L không thấy có bài trên báo, đồng chí nói: “Vì những bài báo của N.V.L chẳng qua cũng như mở máy và nhấn ga cho ô-tô chạy và cái ô-tô đó phải là các nhà báo, là quần chúng… Rồi ra lần lần cũng sẽ có một số bài khác của N.V.L, lần lần cũng phải nhấn ga để cho ô-tô chạy với tốc độ nhanh hơn”.

Theo nhà báo Hà Đăng, cái mà “Những việc cần làm ngay” đạt được đã vượt ra ngoài kích cỡ những bài báo. “Nó thực tế nêu lên một phong cách làm việc - phong cách nói đi đôi với làm, đã nói là làm. Và không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi N.V.L là ông Nói và Làm”.

Bản thân đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nhiều lần đến thăm Báo Nhân Dân. Đồng chí "mong muốn đội ngũ những người làm Báo Nhân Dân kiên trì học tập tư tưởng và phong cách làm báo của Bác Hồ”, “mong rằng Báo Nhân Dân cố gắng vượt bậc, khắc phục mọi khó khăn, vững vàng trong mọi tình thế, tiếp tục đổi mới, làm cho tờ báo của Trung ương Đảng tiếp tục xứng đáng là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và là người bạn gần gũi, đáng tin cậy của nhân dân”.

Ôn lại những kỷ niệm về Tổng Bí thư với Báo Nhân Dân, nhà báo lão thành Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho biết, sau khi đăng những bài đầu tiên trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay”, giới báo chí cả nước rất phấn chấn, bởi trong các bài viết có rất nhiều tư liệu đồng chí Nguyễn Văn Linh dẫn ra từ các báo.

Nhà báo lão thành Hồng Vinh ôn lại những kỷ niệm về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với Báo Nhân Dân. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Nhà báo lão thành Hồng Vinh ôn lại những kỷ niệm về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với Báo Nhân Dân. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Với những thông tin trên, đồng chí đề nghị các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, và qua kiểm tra, các cơ quan báo cáo đều là đúng, và tiến hành xử lý bước đầu.

“Có thể nói, chuyên mục “Những việc cần làm ngay” đã nâng vị thế của báo chí. Những bài viết ký tên N.V.L đã đem lại sức sống mới cho những người làm báo”, nhà báo Hồng Vinh nhấn mạnh.

Có thể nói, chuyên mục “Những việc cần làm ngay” đã nâng vị thế của báo chí. Những bài viết ký tên N.V.L đã đem lại sức sống mới cho những người làm báo.

Nhà báo Hồng Vinh

Cũng theo nhà báo Hồng Vinh, đồng chí Nguyễn Văn Linh là người rất cầu thị, biết lắng nghe, đồng thời cũng rất kiên định về lập trường, nguyên tắc. Cụ thể, đồng chí rất tôn trọng đội ngũ giúp việc của mình. Với mỗi bài báo, dù lớn hay nhỏ, đồng chí đều gửi lại từng người trong nhóm xem và góp ý kiến. Đặc biệt, với các bài viết cho chuyên mục “Những việc cần làm ngay”, đồng chí dặn dò nhóm giúp việc cần theo dõi dư luận xã hội, mạnh dạn phát biểu về những gì chưa đúng, thậm chí có thể đề xuất sửa để đồng chí tiếp thu.

Đồng chí từng khẳng định sẽ luôn đồng hành cùng những người có chung quan điểm thấy rằng “Những việc cần làm ngay” là cần thiết, cấp bách, đồng hành cũng những ai có tư tưởng chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhà báo Hồng Vinh cho rằng, với việc ôn lại những câu chuyện và bài học quý về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, sự kiện hôm nay là lời nhắc nhở chúng ta phải kiên định thực hiện đường lối của Đảng, kiên định bảo vệ Đảng, kiên định bảo vệ cái đúng, đấu tranh, ngăn chặn những cái sai.

Những việc cần làm ngay của tác giả N.V.L là “cú hích” tạo đà cho chuyển biến mạnh mẽ trong xã hội theo hướng dân chủ hóa, khuyến khích báo chí tham gia ngày càng tích cực và mạnh mẽ trên mặt trận chống tiêu cực, tạo những hiệu ứng xã hội to lớn, tạo được phong trào sôi nổi trong đông đảo nhân dân.

Tham gia ý kiến tại tọa đàm, đồng chí Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới cho biết, qua 31 bài báo của tác giả N.V.L, đã tạo ra một không khí chính trị đổi mới, rất thẳng thắn, lan tỏa trên phạm vi cả nước. Không khí chính trị ấy là tinh thần cơ bản trong thành công của quá trình đổi mới, giúp người trẻ vững tin hơn vào Đảng để vượt qua những thời điểm rất khó khăn của đất nước.

Đồng chí Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Đồng chí Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đồng chí Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh, những người làm báo hôm nay phải soi vào, học tập những bài báo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh để rèn luyện bản lĩnh người làm báo.

Nói về giới báo chí, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng có quan điểm rất rõ ràng: Nhà báo phải bản lĩnh, dám nói thẳng, nói thật, phong cách phải gọn gàng, dễ hiểu. Báo chí phải là diễn đàn của mọi tầng lớp, nhân dân, phải có chuyên mục phản ánh được ý của dân, đề đạt nguyện vọng của dân. Cùng với đó, tấm lòng của nhà báo phải trong trắng, tha thiết và hăng say, đồng thời phải cương trực, yêu người làm đúng, ghét bọn làm xấu, làm sai.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với quê hương Hưng Yên

Là người con của quê hương Hưng Yên, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nhiều lần về thăm, làm việc tại Hưng Yên, căn dặn cán bộ, đảng viên, nhân dân tỉnh phải phấn đấu xây dựng tỉnh thành địa phương giàu mạnh. Thực hiện chủ trương, quan điểm tư tưởng của Đảng, của Bác Hồ, của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Hưng Yên từ tỉnh nông nghiệp, xuất phát điểm thấp, đã và đang vận dụng, sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng tỉnh vững mạnh.

Tại tọa đàm, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên khẳng định, địa phương này luôn xác định vận dụng tinh thần kiên định, sáng tạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh để quyết tâm xây dựng Hưng Yên thành tỉnh vững mạnh của cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Theo đồng chí, thực hiện mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã vận dụng hiệu quả tinh thần kiên định, sáng tạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong việc đề ra và thực hiện các khâu đột phá chiến lược xây dựng tỉnh vững mạnh.

Thực hiện mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã vận dụng hiệu quả tinh thần kiên định, sáng tạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong việc đề ra và thực hiện các khâu đột phá chiến lược xây dựng tỉnh vững mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa

Với tầm nhìn và quyết tâm này, từ điểm xuất phát thấp, năm 1997, GDP bình quân là 180 USD/người, kết cấu hạ tầng chưa phát triển, hệ thống giao thông vận tải khó khăn, qua hơn 26 năm tái lập, đến nay Hưng Yên đã xây dựng được một nền tảng kinh tế-xã hội tương đối đồng bộ, vững chắc.

Cụ thể, theo đồng chí, năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 12,84% và là năm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khoảng 15 năm trở lại đây; đứng thứ nhất vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 5 cả nước. Các cân đối kinh tế lớn được củng cố vững chắc hơn; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Tổng quy mô nền kinh tế (GRDP) đạt 132 nghìn tỷ đồng đứng thứ 16 cả nước, GRDP bình quân đầu người đạt 101,8 triệu đồng; năng suất lao động đạt 196,3 triệu đồng/lao động, cao hơn mức bình quân của cả nước.

Thu ngân sách Nhà nước của tỉnh đạt mức cao nhất từ trước đến nay, với 51.400 tỷ đồng, Hưng Yên đã đứng trong Top 10 tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước, trong đó thu nội địa đạt gần 47 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Bộ (không kể thành phố Hà Nội)…

Bên cạnh đó, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp và thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp được quan tâm. Hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông của tỉnh được đẩy mạnh với nhiều công trình, dự án quy mô lớn, mang tính kết nối vùng, địa phương được triển khai.

Nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Trong năm đã chuyển đổi hàng trăm héc-ta đất lúa sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như hoa, cây cảnh, cây ăn quả, cây dược liệu đem lại giá trị cao trên đất canh tác.

Công tác xây dựng và phát triển đô thị được quan tâm, năm 2022 có một loạt khu đô thị mới được đầu tư xây dựng, đưa tỷ lệ đô thị hóa tăng lên 43,5%, thu hút hàng vạn người dân về sinh sống.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng trong tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng, then chốt. Đảng bộ, chính quyền Hưng Yên đang tiếp tục đẩy mạnh lãnh đạo triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025.

Chia sẻ những kỷ niệm với gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, đồng chí Nguyễn Văn Đoan, Bí thư Huyện ủy Yên Mỹ khẳng định, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Yên Mỹ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, phát huy tiềm năng lợi thế của huyện; vận dụng đổi mới sáng tạo các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch, vững mạnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Đoan, Bí thư Huyện ủy Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên chia sẻ những kỷ niệm với gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Ảnh: THỦY NGUYÊN
Đồng chí Nguyễn Văn Đoan, Bí thư Huyện ủy Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên chia sẻ những kỷ niệm với gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Ảnh: THỦY NGUYÊN

Đồng chí cho biết thêm, Đại hội Đảng bộ huyện Yên Mỹ nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định “Đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tập trung phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng huyện Yên Mỹ thành huyện công nghiệp”.

Để thực hiện mục tiêu này, Yên Mỹ đã đề ra một loạt các nhóm giải pháp quyết liệt như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh phát triển văn hóa, giáo dục.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. Ảnh: THỦY NGUYÊN
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. Ảnh: THỦY NGUYÊN

“Phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Mỹ quyết tâm phát huy nội lực kết hợp tổng lực để tiếp tục thực hiện năng động sáng tạo, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, quyết tâm xây dựng Yên Mỹ thành huyện công nghiệp của tỉnh”, đồng chí Nguyễn Văn Đoan nhấn mạnh.

Theo nhandan.vn

;
;
.
.
.
.
.