Tiếp tục nhân rộng mô hình Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ

.

Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố là 1 trong 16 mô hình tiêu biểu vừa được Ban Dân vận Thành ủy phát động nhân rộng tại hội nghị triển khai Đề án số 04-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy “Về một số giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố đến năm 2030”. Mô hình đã góp phần quan trọng trong công tác dân vận khéo trên địa bàn thành phố.

Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức gặp mặt Ban điều hành Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ nhân dịp Tết Nguyên đán 2023. Ảnh: P.H
Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức gặp mặt Ban điều hành Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ nhân dịp Tết Nguyên đán 2023. Ảnh: P.H

Mô hình Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ  ra đời từ năm 2010 trên cơ sở chỉ đạo của Tổng LĐLĐViệt Nam. Là hai  địa phương có khu công nghiệp và đông công nhân lao động tạm trú trên địa bàn, quận Liên Chiểu và quận Sơn Trà được chọn khảo sát và sau đó thống nhất lấy khu nhà trọ tổ 48, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà và khu nhà trọ tổ 32 Quang Thành 4A, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu làm điểm để thành lập tổ công nhân tự quản. Ban đầu, 2 tổ công nhân tự quản có gần 600 công nhân lao động; mỗi tổ có ban điều hành gồm 9 người, trong đó có đại diện tổ dân phố, ban công tác Mặt trận, chủ các nhà trọ và công nhân lao động. Khi thành lập, LĐLĐ thành phố hỗ trợ mỗi tổ công nhân tự quản 1 ti-vi, các sách báo, tài liệu về chính sách pháp luật và hoạt động Công đoàn. 

LĐLĐ quận và Công đoàn cơ sở cơ quan UBND các phường thường xuyên phối hợp chính quyền đồng cấp, các ban ngành đoàn thể của quận, phường và khu vực tạo mọi điều kiện, hỗ trợ kịp thời để tổ công nhân tự quản thực hiện tốt hoạt động, gắn kết và chăm lo cho người lao động tạm trú.  

Với những kết quả bước đầu, LĐLĐ thành phố quyết định nhân rộng mô hình tổ công nhân tự quản trên toàn địa bàn thành phố. Đến nay, có 60 tổ công nhân tự quản tại địa bàn các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Sơn Trà và huyện Hòa Vang, với gần 9.500 công nhân lao động. Ngoài hỗ trợ ban đầu là ti-vi hoặc loa di động phục vụ các hoạt động của tổ, LĐLĐ thành phố còn hỗ trợ kinh phí hoạt động, tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật cho người lao động; cấp phát sách, báo, đề xuất thành phố lắp đặt wifi miễn phí. Ngoài ra, trong các dịp Tết, dịch bệnh, LĐLĐ thành phố hỗ trợ hàng ngàn suất quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết. Dịp Tết Nguyên đán 2023, LĐLĐ thành phố tổ chức gặp mặt ban điều hành của 60 tổ công nhân tự quản, qua đó lắng nghe những ý kiến, đề xuất từ đại diện của ban điều hành, từ đó tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể hơn đối với người lao động.

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Tổ tưởng Tổ công nhân tự quản số 1, (quận Liên Chiểu) chia sẻ: “Là tổ được thành lập từ những ngày đầu tiên, đến nay, Tổ công nhân tự quản số 1 hoạt động rất hiệu quả. LĐLĐ thành phố dành nhiều sự quan tâm đến hoạt động của tổ, có nhiều sự hỗ trợ cho công nhân lao động cư trú tại tổ. Đặc biệt, trong thời điểm Covid-19 diễn biến phức tạp, LĐLĐ thành phố có những phần quà kịp thời không chỉ cho công nhân lao động mà cả ban điều hành. Tổ còn được bắc wifi miễn phí nên công nhân lao động rất phấn khởi”. 

Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đinh Thị Thanh Hà, từ khi thành lập đến nay, tổ công nhân tự quản hoạt động hiệu quả và là mô hình đóng góp quan trọng trong công tác dân vận khéo trên địa bàn thành phố. Tổ tham gia và có nhiều hoạt động tích cực góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở khu dân cư, cùng với lực lượng an ninh địa phương tố giác và bắt giữ đối tượng sử dụng ma túy trong cộng đồng; thành viên trong tổ tự nhắc nhở nhau nên không còn hiện tượng gây rối mất an ninh trật tự trong địa bàn, giảm các tệ nạn, rượu chè cờ bạc. Trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, tổ công nhân tự quản tham gia vệ sinh môi trường nơi ở và khu dân cư mỗi khi tổ dân phố phát động; có hàng trăm lượt công nhân lao động tham gia phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp tại khu dân cư. Đa số công nhân cộng đồng trách nhiệm và giúp đỡ lẫn nhau trong công việc, trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, qua đó tạo thêm tình thương yêu, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau trong hoàn cảnh làm ăn xa quê.

Cũng theo bà Hà, đặc thù tại các tổ công nhân tự quản chủ yếu là công nhân lao động ngoại tỉnh sinh sống và làm việc, đời sống còn nhiều khó khăn, do đó LĐLĐ thành phố sẽ tiếp tục dành nhiều hỗ trợ hướng đến đối tượng này nhằm nhân rộng điểm sáng trong mô hình chăm lo cho người lao động.

PHAN HÀ

;
;
.
.
.
.
.