Những năm gần đây, Đà Nẵng dần mất vị thế của địa phương đi đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) cấp tỉnh. Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, song cơ bản nhất là nguồn lực con người. Do đó, cần phải thay đổi nhận thức, tư duy để có giải pháp cải thiện các chỉ số CCHC.
Giao dịch tại bộ phận “Một cửa” Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: T.H |
Sau 5 năm liên tục đứng thứ nhất (2012-2016) Chỉ số CCHC cấp tỉnh (Par Index), Đà Nẵng lùi xuống thứ 4 (2017-2018), thứ 6 (2019-2020) và trở lại tốp đầu vào năm 2021 khi đứng thứ 3. Nhưng đến năm 2022, lại xuống vị trí thứ 5. Năm 2022, sau khi có kết quả công bố Chỉ số CCHC cấp tỉnh năm 2021, UBND thành phố có Công văn số 3442/UBND-SNV ngày 23-6-2022 đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố tập trung khắc phục một số nội dung liên quan đến Chỉ số cải CCHC cấp tỉnh.
Theo đó, các sở, ban, ngành, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố; UBND quận, huyện, phường, xã phải xác định rõ mục tiêu “CCHC phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”. Tuy nhiên, kết quả triển khai chưa đạt yêu cầu, thành phố bị mất điểm nhiều tiêu chí thành phần quan trọng.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Trung Sơn, về cơ bản, kết quả Chỉ số CCHC được tổng hợp được từ rất nhiều nguồn thông tin, trong đó kết quả thẩm định chiếm 61,5 điểm; kết quả tác động kinh tế - xã hội chiếm 6,5 điểm; tổng điểm khảo sát 32 điểm (chiếm trọng số tương đối lớn, trong đó khảo sát Sipas là 10 điểm, khảo sát lãnh đạo quản lý 22 điểm).
Đối với Đà Nẵng, năm 2022, qua kết quả phân tích cho thấy một số tiêu chí giảm điểm như việc thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; công bố thủ tục hành chính (TTHC), danh mục TTHC theo quy định, công khai TTHC và các quy định có liên quan.
Giảm điểm ở tiêu chí tỷ lệ giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021 (yêu cầu của tiêu chí phải giảm hơn 20% đơn vị sự nghiệp so với năm 2021, trong khi thành phố mới đạt tỷ lệ 10,24%). Giảm điểm tại tiêu chí chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức (xử lý kỷ luật cán bộ, công chức ở các cấp); giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách (thành phố mới đạt 85%); giảm điểm tại mục thực hiện kiến nghị sau thanh tra kiểm tra kiểm toán về tài chính, ngân sách; kết nối với nền tảng điện toán đám mây Chính phủ theo quy định; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình; tỷ lệ thực hiện thanh toán trực tuyến.
Đối với điểm tác động kinh tế - xã hội, thành phố giảm điểm tại tiêu chí thực hiện thu ngân sách hằng năm theo kế hoạch được Chính phủ giao (giá trị thu ngân sách không thuộc nhóm 10 địa phương cao nhất cả nước).
Ông Sơn cho biết, về kết quả khảo sát lãnh đạo quản lý, đây là tiêu chí thành phố đạt điểm rất thấp qua các năm đánh giá xếp hạng của Bộ Nội vụ. Nội dung này đã được Sở Nội vụ đưa vào báo cáo phân tích kết quả xếp hạng qua các năm; đã giải trình chất vấn trước HĐND thành phố về vấn đề này. Tuy nhiên, kết quả năm khảo sát năm 2022 cũng xếp hạng thấp. So với năm 2021, thành phố giảm 5 bậc, từ vị trí 38 xuống 43. So sánh với 10 đơn vị dẫn đầu, thành phố Đà Nẵng đứng 9/10 đơn vị.
Theo tỷ lệ trung bình từng nhóm cho thấy, chỉ có nhóm lãnh đạo sở, ban, ngành khảo sát là loạt tốt (tỷ lệ năm 2021 là 80,61% và năm 2022 là 83,11%). Các nhóm còn lại tỷ lệ đánh giá rất thấp (đại biểu HĐND: 75,76% (2021) và 73,42% (2022); lãnh đạo quận, huyện lần lượt là 76,06% (2021) và 77,81% (2022); lãnh đạo phòng, ban 76,58% (2021) và 76,76% (2022). Theo quy định quy đổi điểm, đạt mức tối đa 100% sẽ đạt tối đa điểm, như vậy theo tỷ lệ trung bình trên, điểm của thành phố thấp qua các năm.
“Kết quả khảo sát thấp dẫn đến nhiều năm liền, thành phố không đạt được thứ hạng cao theo kết quả công bố của Bộ Nội vụ. Do đó, việc cho ý kiến khảo sát cần nhìn nhận tổng quan chung giữa thành phố Đà Nẵng và 63 tỉnh, thành phố, qua đó vừa tạo động lực cải thiện, vừa ghi nhận những nỗ lực của thành phố đã đạt được trong quá trình triển khai”, ông Sơn nói.
Tại hội nghị công bố chỉ số CCHC năm 2022 tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh yêu cầu, để cải thiện Chỉ số CCHC (Par Index) và chỉ số phục vụ hành chính công (Sipas) của thành phố, các sở, ban, ngành, các địa phương tập trung xử lý linh hoạt việc tiếp nhận hồ sơ, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm; đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, giám sát; tăng cường tính chủ động, trách nhiệm về mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt, việc đẩy mạnh CCHC phải đồng bộ, tập trung, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân, nhất là lĩnh vực nhạy cảm; nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tham mưu điều hành CCHC. Thủ trưởng phải phân công, phân nhiệm theo dõi CCHC đạt kết quả, nếu có vướng mắc, kịp thời báo cáo thành phố để có hướng chỉ đạo xử lý.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phạm Ngọc Thạch cho biết, để nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, UBND thành phố ban hành kế hoạch giao chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến gắn trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Hằng tháng, Sở Thông tin và Truyền thông theo dõi, tổng hợp và báo cáo, đề xuất UBND thành phố các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai quyết liệt nâng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt chỉ tiêu thành phố giao. Hiện Sở Nội vụ đang tham mưu văn bản trình thành phố ban hành kế hoạch triển khai các giải pháp khắc phục các nội dung còn hạn chế, mất điểm trong bộ chỉ số Par Index và Sipas.
TRỌNG HUY