Hướng đến đổi mới lề lối làm việc, chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân, phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) triển khai nhiều mô hình cải cách hành chính (CCHC) đạt hiệu quả, tạo niềm tin và sự hài lòng của tổ chức, công dân.
Mô hình Đội “Thanh niên 24/7” hỗ trợ người dân lập tài khoản công dân điện tử. Ảnh: PV |
Đội Thanh niên 24/7
Trước tình hình diễn biến phức tạp của Covid-19, từ năm 2021, Đoàn phường Thanh Khê Đông thành lập mô hình Đội “Thanh niên 24/7”. Với phương châm “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, mô hình đã tổ chức lực lượng thanh niên tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch, góp phần kiểm soát dịch và đưa phường trở về trạng thái bình thường mới.
Hiện nay, Đội “Thanh niên 24/7” tiếp tục phát huy vai trò xung kích trong thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn phường. Bí thư Đoàn phường Thanh Khê Đông Nguyễn Nhật Huy cho biết, mô hình hỗ trợ hơn 3.000 hộ dân tại 49 tổ dân phố có tài khoản công dân điện tử và thao tác nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công Đà Nẵng.
Tổ chuyển đổi số thuộc đội “Thanh niên 24/7” có mặt tại bộ phận “Một cửa” của phường vào thứ 2, 4, 6 hằng tuần để hỗ trợ người dân tiếp cận với công nghệ, hiểu về công tác chuyển đổi số của thành phố.
Đến giao dịch tại bộ phận “Một cửa” phường Thanh Khê Đông, bà Nguyễn Thị Bích Thảo cho biết, so với trước đây, không chỉ điều kiện cơ sở vật chất tại bộ phận “Một cửa” của phường khang trang, tiện ích hơn rất nhiều mà thái độ phục vụ của công chức hòa nhã, lịch sự; đặc biệt là Đội “Thanh niên 24/7” tích cực hướng dẫn, hỗ trợ giúp người dân làm thủ tục hành chính.
Ông Lê Hữu Công, trú phường Thanh Khê Đông chia sẻ, sự đổi mới của chính quyền phường rất rõ, từ cơ sở vật chất đến thái độ phục vụ, khả năng tiếp cận, hiểu biết về công nghệ của công chức đã tạo điều kiện rất tốt cho công dân khi đến làm thủ tục hành chính, nhất là về dịch vụ công trực tuyến.
Bí thư Đảng ủy phường Thanh Khê Đông Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cho biết, mô hình Đội “Thanh niên 24/7” của phường đã trở thành mô hình điểm, được 56 phường, xã trên địa bàn thành phố tìm hiểu, áp dụng.
Chính quyền phục vụ nhân dân
Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông Phạm Thành Nam cho biết, Đảng ủy, UBND phường quán triệt đến cán bộ, công chức làm việc trên tinh thần “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” và thực hiện mô hình “Chính quyền đô thị thân thiện với nhân dân” để hướng đến sự hài lòng cao nhất của tổ chức, công dân. Cán bộ, công chức đều ký cam kết thực hiện: “5 biết”, “5 không”; “3 thể hiện”.
Bao gồm: biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi, biết cảm ơn; không hách dịch, cửa quyền; không quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà nhân dân; không tham ô, lãng phí; không né tránh trách nhiệm, không chậm trễ giải quyết hồ sơ, công việc và 3 thể hiện là tôn trọng trong giao tiếp với nhân dân; văn minh lịch sự, văn hóa trong giao tiếp, giải quyết công việc với nhân dân; chuyên nghiệp trong giải quyết công việc với nhân dân, bảo đảm “nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn, hài lòng hơn”.
Để tạo sự thân thiện tích cực với người dân, phường hoàn thiện bộ tiêu chí nhận diện “Thương hiệu một cửa” của phường, lắp camera giám sát cán bộ, công chức làm việc trực tiếp với người dân tại bộ phận “Một cửa”.
Phường chú trọng giải quyết kịp thời, đúng chế độ các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng, người nghèo, người khuyết tật; tổ chức thăm hỏi, phúng viếng hoặc gửi thư chia buồn đến hộ dân có người thân qua đời. Lãnh đạo UBND phường thực hiện nghiêm quy định tiếp công dân và đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân.
Theo ông Nam, để mô hình “Chính quyền đô thị thân thiện với nhân dân” thực sự có hiệu quả, hoạt động của chính quyền, phải bảo đảm công khai, mở rộng và phát huy dân chủ cơ sở. Hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, phường xác định nỗ vận động người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, phấn đấu tối thiểu 30% tổ chức, công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh, xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất, 50% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức 4 có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến, 50% dịch vụ công trực tuyến mức 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau. Bên cạnh đó, xây dựng từng bước khu dân cư điện tử tại các khu vực, phấn đấu tối thiểu 90% người dân trưởng thành có tài khoản công dân điện tử.
“Trong điều kiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, việc thực hiện tinh giản biên chế theo quy định của Trung ương và thành phố, buộc chúng tôi phải xây dựng các sáng kiến, mô hình để ứng dụng trong quản lý, điều hành và giải quyết công việc, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành nhằm nâng cao hiệu quả công việc. Với phương châm, cái gì có lợi cho người dân thì cố gắng làm, các mô hình đến nay đều hoạt động có hiệu quả, được người dân đồng tình, ủng hộ”, ông Nam nói.
TRỌNG HUY