Ngày 12-5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố tổ chức hội nghị góp ý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Trần Chí Cường và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy chủ trì hội nghị.
So với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cơ bản vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh. Theo đó, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định sở hữu, phát triển, quản lý vận hành, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý Nhà nước về nhà ở tại Việt Nam.
Riêng các giao dịch liên quan đến nhà ở của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai thì chuyển sang điều chỉnh theo Luật Kinh doanh bất động sản để tránh trùng lắp.
So với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo luật sửa đổi tăng hơn 13 điều; trong đó bãi bỏ 7 điều trong luật hiện hành, giữ nguyên 47 điều; sửa đổi, bổ sung 104 điều; bổ sung mới 34 điều; luật hóa từ nghị định 11 điều. Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư, các biện pháp xử lý khi nhà chung cư khi hết thời hạn sở hữu; sửa đổi quy định về đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, phá dỡ nhà chung cư để cải tạo, xây dựng lại...
Các đại biểu góp ý các nội dung về nhà lưu trú công nhân; vấn đề liên quan vướng mắc về nhà ở thương mại dịch vụ, đất dịch vụ; đấu giá, sử dụng đất; vấn đề bố trí, sử dụng chung cư cho các đối tượng; đầu tư, xây dựng và sử dụng nhà ở xã hội, quy định hưởng chế độ mua nhà ở xã hội...
Theo ông Trần Chí Cường, việc góp ý dự thảo luật là cần thiết. “Đừng thấy khó là cấm, luật phải đi vào thực tiễn, đi từ thực tiễn, nên phải góp ý làm rõ, để luật ban hành phải phù hợp, sát thực tiễn và áp dụng được”, ông Cường nói.
T. HUY