Hà Tĩnh tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư

.

Tại hội nghị, Hà Tĩnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 nhà đầu tư với 15 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 9.616 tỷ đồng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng đại biểu tham dự hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng đại biểu tham dự hội nghị.

Sáng nay (28-5), UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ KH&ĐT tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh với chủ đề “Hà Tĩnh - Hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng”.

Tham dự hội nghị có đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; các đồng chí lãnh đạo cơ quan Trung ương, các ban, bộ, ngành; các đồng chí nguyên lãnh đạo Quốc hội; đại diện các đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; lãnh đạo một số tỉnh của nước bạn Lào, Thái Lan; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trong nước; Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; Nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội; lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp, tập đoàn, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Về phía tỉnh Hà Tĩnh có đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành, địa phương.

Ngoài điểm cầu chính tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, hội nghị được kết nối trực tuyến hơn 270 điểm cầu đến các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã và tất cả các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.

Chương trình văn nghệ chào mừng hội nghị.
Chương trình văn nghệ chào mừng hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải nhấn mạnh: Hà Tĩnh là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh; nằm trên trục giao thông Bắc - Nam; là cửa ngõ giao thương trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây với nhiều tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển KT-XH. Là vùng đất có truyền thống lịch sử - văn hóa đặc sắc; quê hương của các danh nhân văn hóa - lịch sử nổi tiếng; có nhiều di tích, khu du lịch, danh lam thắng cảnh, Hà Tĩnh luôn thân thiện mời gọi, chào đón bạn bè, du khách gần xa.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải phát biểu khai mạc hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải phát biểu khai mạc hội nghị.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, sự nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, Hà Tĩnh đã đạt được thành tựu phấn khởi trên nhiều lĩnh vực. Từ một tỉnh nghèo, điểm xuất phát thấp, nay Hà Tĩnh đã đứng trong nhóm các tỉnh khá của khu vực, được Thủ tướng Chính phủ chọn thí điểm xây dựng tỉnh nông thôn mới. Môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh liên tục tăng hạng qua từng năm. Hà Tĩnh là một trong 10 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước.

Được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ cùng các bộ, ngành Trung ương, sự phối hợp của các tỉnh bạn trong khu vực, ý kiến đóng góp quý báu của các nhà khoa học, các chuyên gia, Hà Tĩnh đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; là tỉnh thứ hai của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch.

Hội nghị có sự tham gia của hơn 700 đại biểu tại điểm cầu Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh.
Hội nghị có sự tham gia của hơn 700 đại biểu tại điểm cầu Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh.

Với chủ đề “Hà Tĩnh - hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng”, hội nghị sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi, các danh mục dự án ưu tiên của tỉnh tới nhà đầu tư. Thông qua đó để thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng theo dõi phóng sự giới thiệu về Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tựa đề “Hà Tĩnh - Hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng”.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Tiếp đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã trao Quyết định số 1363/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trao quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh, tặng hoa chúc mừng Hà Tĩnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trao quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh, tặng hoa chúc mừng Hà Tĩnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ ý kiến nhằm làm rõ hơn các mục tiêu, tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững của Hà Tĩnh, những định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực của Hà Tĩnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; những vấn đề về biến đổi khí hậu mà Hà Tĩnh phải đối mặt.

Ông Arnaud Ginolin - thành viên Hội đồng Thành viên, lãnh đạo Khối Tư vấn chính sách công và Khối ngành Công nghiệp BCG Việt Nam tham luận về tính khả thi của các mục tiêu và lý do Hà Tĩnh lựa chọn để phát triển.
Ông Arnaud Ginolin - thành viên Hội đồng Thành viên, lãnh đạo Khối Tư vấn chính sách công và Khối ngành Công nghiệp BCG Việt Nam tham luận về tính khả thi của các mục tiêu và lý do Hà Tĩnh lựa chọn để phát triển.

Đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh trong phát triển KT-XH, các đại biểu đã hiến kế, đề xuất nhiều giải pháp để Hà Tĩnh hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trọng tâm là khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, huy động nguồn lực, phát triển nguồn nhân lực, hiện đại hóa hạ tầng số, nghiên cứu phát triển công nghệ mới phù hợp với các ngành kinh tế trọng điểm của Hà Tĩnh…

GS.TS. Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ chủ đề hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội với tỉnh Hà Tĩnh cùng các doanh nghiệp trong thu hút đầu tư về khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để triển khai Quy hoạch tỉnh.
GS.TS. Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ chủ đề hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội với tỉnh Hà Tĩnh cùng các doanh nghiệp trong thu hút đầu tư về khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để triển khai Quy hoạch tỉnh.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FPT phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FPT phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tham quan khu vực triển lãm ảnh bên lề hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tham quan khu vực triển lãm ảnh bên lề hội nghị.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng và các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng và các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị.

Tiếp đó, các đại biểu đã xem video giới thiệu một số dự án đầu tư trọng điểm xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh.

Đến nay, Hà Tĩnh có gần 1.500 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 454.000 tỷ đồng, tương đương hơn 18 tỷ USD. Trong đó, trong nước có 1.400 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 137.000 tỷ đồng, FDI có 68 dự án với tổng vốn đăng ký 16 tỷ USD, tương đương hơn 317.000 tỷ đồng. Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh, trong thời gian tới, những định hướng phát triển và thu hút đầu tư của Hà Tĩnh bao gồm: Lĩnh vực công nghiệp là các dự án hậu thép, cơ khí chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; hạ tầng các khu - cụm công nghiệp; sản xuất điện; chế biến nông sản; dệt may...

Lĩnh vực dịch vụ - du lịch là các dự án dịch vụ du lịch biển, du lịch sinh thái, tâm linh, dịch vụ cảng biển nước sâu và logistics… Lĩnh vực nông nghiệp là các dự án nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu, phát triển nông nghiệp hữu cơ và các vùng chuyên canh. Đối với lĩnh vực đô thị là các dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở quy mô lớn, đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, nhiều dự án Hà Tĩnh đang ưu tiên kêu gọi đầu tư như: Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí bãi nổi Xuân Giang 2 và vùng ven sông Lam (Nghi Xuân); tổ hợp dự án đô thị, du lịch nghỉ dưỡng và sân golf Kỳ Nam (TX Kỳ Anh); khu thương mại, dịch vụ, du lịch và thể thao phía Tây Nam huyện Thạch Hà; khu đô thị mới Hàm Nghi; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp trong KKT Vũng Áng và KKT Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo; tổ hợp nhà máy tinh chế thép; tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô và linh kiện ô tô; Trung tâm logistics Vũng Áng; các dự án điện gió khác và điện mặt trời…

Hội nghị cũng đã được nghe phát biểu tham luận của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đánh giá về lợi thế, môi trường đầu tư của Hà Tĩnh; thông tin về hoạt động đầu tư và sự phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh; chia sẻ ý định đầu tư các dự án vào Hà Tĩnh thời gian tới và những kỳ vọng về sự phát triển của Hà Tĩnh trong tương lai…

Ông Thái Chi Pháp - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh giới thiệu khái quát về tình hình đầu tư và phát triển của Formosa tại Hà Tĩnh.
Ông Thái Chi Pháp - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh giới thiệu khái quát về tình hình đầu tư và phát triển của Formosa tại Hà Tĩnh.
Ông Hoàng Văn Hải - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt chia sẻ hoạt động đầu tư tại địa bàn Hà Tĩnh.
Ông Hoàng Văn Hải - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt chia sẻ hoạt động đầu tư tại địa bàn Hà Tĩnh.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Quy hoạch có vai trò vô cùng quan trọng, xác định tầm nhìn, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển, tạo cơ hội mới và giá trị mới cho sự phát triển của quốc gia, vùng, địa phương trong thời kỳ quy hoạch.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Hà Tĩnh đã hết sức quan tâm, tập trung làm tốt, đi đầu trong công tác quy hoạch và là tỉnh thứ hai trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở để Hà Tĩnh tiếp tục triển khai các định hướng chiến lược phát triển, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN cả vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cũng là một trong những địa phương có nhiều giải pháp, cách làm thiết thực, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, nhất là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh; đẩy mạnh đột phá với 4 ngành trọng điểm, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế và 1 trung tâm động lực tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, để người dân thực sự được thụ hưởng từ thành quả của công cuộc đổi mới và phát triển.

Cần tập trung các giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án trong Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; tổ chức công bố, triển lãm rộng rãi thông tin quy hoạch, thành lập trung tâm thông tin để quảng bá, giới thiệu quy hoạch, thu hút các nhà đầu tư, kinh doanh; tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch, định kỳ rà soát, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Tiếp tục áp dụng các giải pháp cần thiết để đạt được các chỉ tiêu KT-XH, QP-AN cao nhất của năm 2023, góp phần vào kết quả của cả nhiệm kỳ và đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước; giải phóng các điểm nghẽn của thị trường; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đồng hành với người dân và doanh nghiệp; đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo, phát triển và tăng cường thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển của tỉnh.

Củng cố vững chắc, tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong triển khai các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tận dụng sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; đề cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan dân cử, Đoàn đại biểu Quốc hội, của HĐND các cấp; nghiên cứu xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khoa học, minh bạch; tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn; nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết kiến nghị của cử tri, đáp ứng kỳ vọng của người dân...

Trong khuôn khổ hội nghị, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Trung ương cùng các bộ, ngành và các đại biểu, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 14 nhà đầu tư với 15 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 9.600 tỷ đồng.

Cũng tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 25 nhà đầu tư với các dự án về các lĩnh vực: bất động sản – du lịch – nghỉ dưỡng, hạ tầng khu/cụm công nghiệp, thương mại dịch vụ, năng lượng – nước sạch, giáo dục, nông nghiệp…, có tổng vốn đăng ký đầu tư trên 219.000 tỷ đồng.

Phát biểu tổng kết hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng gửi lời cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, đại diện các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp đã luôn quan tâm, hỗ trợ Hà Tĩnh phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng phát biểu tổng kết hội nghị.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng phát biểu tổng kết hội nghị.

Nhấn mạnh các lợi thế của Hà Tĩnh về vị trí địa lý, nguồn nhân lực, đất đai, tài nguyên khoáng sản, cảng nước sâu, hệ thống giao thông, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, để thực hiện Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch vùng, Quy hoạch tổng thể quốc gia, Hà Tĩnh cam kết sẽ làm hết sức mình để đánh thức các tiềm năng, lợi thế, xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh. Thước đo để đánh giá chất lượng, hiệu quả quy hoạch chính là địa phương phải giàu mạnh, văn minh, người dân không ngừng được nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Tổ chức thực hiện quy hoạch phải đảm bảo khoa học, chặt chẽ nhưng phải linh hoạt, phù hợp với Quy hoạch tổng thể.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Hệ thống chính trị các cấp của tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn với chuyển đổi số, kết nối số; thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng đa ngành, đa lĩnh vực; Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo năng động, kết nối phát triển vùng, liên quốc gia, liên khu vực, liên quốc tế.

Đối với các nhà đầu tư, Hà Tĩnh mong muốn các doanh nghiệp, doanh nhân cùng đồng hành với tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả quy hoạch; khi gặp các vướng mắc, khó khăn, kịp thời phản ánh để tỉnh cùng doanh nghiệp tìm giải pháp tháo gỡ.

Ngày 8-11-2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1363/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát mà quy hoạch đặt ra là xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững.

Quy hoạch xác định các định hướng lớn tạo đột phá phát triển gồm:

Bốn ngành trọng điểm: Công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch.

Ba trung tâm đô thị: Trung tâm đô thị xung quanh thành phố Hà Tĩnh, trong đó thành phố Hà Tĩnh là hạt nhân và các đô thị vệ tinh kết nối thành phố Hà Tĩnh, gồm: thị trấn Thạch Hà, thị trấn Cẩm Xuyên và thị trấn Lộc Hà. Trung tâm đô thị phía Bắc là thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Tiên Điền, thị trấn Xuân An, đô thị mới Nghi Xuân và vùng phụ cận. Trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là thị xã Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng và vùng phụ cận.

Ba hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển gắn với quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam và đường ven biển. Hành lang kinh tế dọc quốc lộ 8 từ thị xã Hồng Lĩnh đến Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Hành lang kinh tế trung du và miền núi phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh.

Một trung tâm động lực tăng trưởng: Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là Khu liên hợp gang thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương.

Bốn nền tảng chính: Nguồn lực và văn hóa con người Hà Tĩnh; chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng đồng bộ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại và minh bạch.

Đến năm 2050, Hà Tĩnh là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ và cả nước. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hệ thống đô thị hiện đại, thông minh. Giáo dục, đào tạo, y tế, sức khỏe của người dân được đặt lên hàng đầu. Con người Hà Tĩnh phát triển hài hòa cả về trí tuệ, thể chất, đạo đức, bản sắc văn hóa. Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, phát huy. Người dân có cuộc sống tốt, mức sống cao. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Theo Baohatinh.vn

;
;
.
.
.
.
.