Thế hệ cha ông luôn tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc. Thế hệ trẻ hôm nay thể hiện lòng tự hào ấy bằng lòng biết ơn, khát vọng cống hiến, làm thật tốt nhiệm vụ hiện tại của mình.
Nguyễn Thị Anh Thảo, Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố: Lòng tự hào dân tộc
Là một người trẻ sinh ra khi đất nước đã thống nhất, tôi được cảm nhận về chiến tranh qua lời kể của ông tôi. Tôi đã đọc và cũng còn nhớ rất rõ từng dòng nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của anh Nguyễn Văn Thạc hay từng dòng nhật ký của chị Đặng Thùy Trâm.
Những cuốn nhật ký ấy là minh chứng cho thấy nhiều thế hệ thanh niên ngày trước phải xếp bút nghiên, gác lại ước mơ của cá nhân để hoàn thành ước mơ lớn của cả dân tộc là độc lập dân tộc, tự do cho đất nước. Chính những hình ảnh ấy gợi lên trong tôi nhiều cảm xúc, nhất là cảm xúc tự hào về tình yêu đất nước của những người trẻ trong thời đại Hồ Chí Minh.
Hôm nay, khi khoác trên vai màu áo xanh tình nguyện với hình cờ Tổ quốc, bản thân tôi luôn cố gắng mỗi ngày để sống sao cho xứng đáng với bao lớp lớp thế hệ cha anh đi trước.
Với vai trò là Phó Bí thư Thành Đoàn, tôi mong mỗi bạn trẻ hãy là cánh tay tiếp nối quá khứ và hướng đến tương lai, nhìn về quá khứ để trân trọng độc lập, tự do hôm nay, và hướng về tương lai để xây dựng đất nước hùng cường với trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng của người trẻ.
* Thượng úy Bùi Đức Duy, Trợ lý huấn luyện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố: Hạnh phúc được cống hiến
Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi được nghe các thầy, cô kể về hình ảnh người lính Bộ đội Cụ Hồ kiên cường, anh dũng, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ nền độc lập cho đất nước. Với tôi, đó là những hình ảnh tuyệt vời không gì có thể sánh được.
Từ ấy, tôi yêu hình ảnh người Bộ đội Cụ Hồ và mơ ước trở thành một chú bộ đội. Thế hệ quân nhân trẻ như chúng tôi không được chứng kiến những năm tháng hào hùng ấy nhưng niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước đã ngấm sâu vào tình cảm, vào tư tưởng của mỗi người.
Được phục vụ và cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi. Tôi luôn sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ được giao với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.
Trên cương vị trợ lý huấn luyện, tôi luôn chấp hành tốt kỷ luật và thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Tư lệnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố về công tác huấn luyện chiến đấu, xây dựng đơn vị chính quy, vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.
* Lê Thị Thanh Thủy, sinh viên năm 3, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư Phạm - Đại học Đà Nẵng: Góp sức mình xây dựng, phát triển đất nước
Thế hệ chúng tôi may mắn được sinh ra và lớn lên trong thời bình và rất tự hào về tinh thần bất diệt, ý chí quật cường dân tộc qua những trang sử vẻ vang. Tại quê hương Hòa Vang của tôi, ở bất kỳ xã nào cũng có những nghĩa trang liệt sĩ, những di tích lịch sử là nơi các thế hệ trước đã sống, đã chiến đấu và đã ngã xuống.
Hằng năm, Đoàn Thanh niên huyện tổ chức cho đoàn viên, thanh niên đến dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn huyện. Cũng như tại Khoa Lịch sử nơi tôi học, thường xuyên tổ chức hành trình về “địa chỉ đỏ” cho sinh viên.
Chúng tôi có cơ hội gặp gỡ những nhân chứng còn sống, nghe những câu chuyện lịch sử họ kể. Và bao nhiêu niềm tự hào dân tộc, niềm kiêu hãnh cứ hiện lên khiến lòng tôi dâng trào một niềm cảm xúc khó tả.
Thế hệ trẻ của chúng tôi ngày nay được học hành trong điều kiện rất tốt, được sự quan tâm từ gia đình và xã hội. Vì vậy, chúng tôi cần học tập và rèn luyện thật tốt để trở thành công dân có ích cho xã hội. Góp sức mình vào việc xây dựng và phát triển đất nước bằng cách làm tốt công việc chuyên môn cũng như tích cực tham gia nhiều hoạt động từ nơi mình đang sống và học tập.
THANH PHƯƠNG ghi