Ngỡ ngàng gặp lại Trường Sa

.

Ngày 3-4-2006, tàu HQ936 của Vùng 4 Hải quân đưa đoàn công tác chúng tôi ra thăm 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Đến và về, yêu thương, quý trọng, tự hào là những cảm xúc tôi không thể quên khi lần thứ hai ra thăm đảo. Sau đúng 17 năm, cuối tháng 4-2023, tôi lại có dịp đến Trường Sa trong đoàn công tác thành phố Đà Nẵng. Xúc cảm lần đầu nguyên vẹn đã trở thành “xúc tác” khiến tôi ngỡ ngàng khi gặp lại, Trường Sa nay “thay da đổi thịt” đẹp đến không ngờ!

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng (thứ 5, bên trái sang), Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng (thứ 4, bên phải sang) và Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến (thứ 4, bên trái sang) trao quà của thành phố tặng quân, dân đảo Trường Sa lớn. Ảnh: THANH TÙNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng (thứ 5, bên trái sang), Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng (thứ 4, bên phải sang) và Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến (thứ 4, bên trái sang) trao quà của thành phố tặng quân, dân đảo Trường Sa lớn. Ảnh: THANH TÙNG

Âu tàu đảo - Điểm tựa của ngư dân giữa biển

17 năm trước, khi đi qua Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Cô Lin và Trường Sa, chứng kiến đảo chìm, đảo nổi chơ vơ giữa biển mênh mang sóng lớn, tự hào về cán bộ chiến sĩ hải quân bao nhiêu thì tôi lại thương những ngư dân bấy nhiêu! Ngày ấy, đánh bắt lênh đênh trên biển mấy tháng trời, gặp trận bão không kịp về Trường Sa trú tránh thì coi như mất trắng. Nhưng nay, khi qua Song Tử Tây, đến Sinh Tồn rồi về Trường Sa, tôi ngạc nhiên khi bắt gặp cảnh các âu tàu ở đảo đi kèm với khu dịch vụ hậu cần nghề cá khang trang và khá hiện đại.

Đi thăm một vòng khu nhà ở và khu kỹ thuật của Tổ dịch vụ Hậu cần nghề cá, Đại úy Trần Văn Kiên, Tổ trưởng Tổ dịch vụ hậu cần đảo Song Tử Tây, cho biết khi sóng yên, biển lặng, âu tàu đảo Song Tử Tây cung cấp nước ngọt miễn phí, xăng dầu, lương thực thực phẩm giá như ở đất liền cho 5-10 tàu cá ngư dân một ngày. Lúc tàu gặp nạn trên biển, trong thời gian ngắn nhất, cán bộ, nhân viên âu tàu sẽ tiếp cận, nhanh chóng khắc phục sự cố hỏng hóc để ngư dân tiếp tục đánh bắt. Khi trời giông bão, sóng to gió lớn, âu tàu là nơi trú đậu an toàn cho tàu cá.

Còn ở thị trấn Trường Sa, khi đoàn đến thăm, âu tàu đang có cả trăm tàu cá neo chờ. Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, chia sẻ với chúng tôi về khu dịch vụ hậu cần nghề cá hoạt động rất hiệu quả ở đảo, giúp ngư dân đánh bắt xa bờ tiết kiệm khá nhiều chi phí và thời gian đi lại, tăng thời gian bám biển để khai thác ở những ngư trường thuận lợi, từ đó nâng cao hiệu quả và lợi nhuận vươn khơi.

Tàu thuyền của ngư dân đánh bắt dài ngày trên vùng biển Trường Sa ngày càng đông, dịch vụ hậu cần nghề cá của âu tàu ở Trường Sa ngày càng được đầu tư hiện đại. Chính sự rộng lớn của các âu tàu cùng với trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đã tạo nên không khí nhộn nhịp như cảng cá ở đất liền. Âu tàu đã trở thành điểm tựa, địa chỉ tin cậy vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đoàn công tác thành phố lên thăm và chụp ảnh lưu niệm trên đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa - Việt Nam. Ảnh: THÀNH ĐỘI
Đoàn công tác thành phố lên thăm và chụp ảnh lưu niệm trên đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa - Việt Nam. Ảnh: THÀNH ĐỘI

“Xanh hóa Trường Sa”

Năm 2022, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân phát động chương trình “Xanh hóa Trường Sa”, vận động các địa phương, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ hơn 100.000 cây xanh các loại kèm theo giá thể, đất màu, phân hữu cơ và các vật chất che chắn để trồng cây. Hưởng ứng lời kêu gọi, hành trang đoàn công tác thành phố Đà Nẵng đi thăm Trường Sa năm 2023 mang hơn 8,4 tỷ đồng quà tặng; trong đó ngoài quà hiện vật, nhu yếu phẩm tặng điểm đảo, nhà giàn; thành phố Đà Nẵng trực tiếp tặng chương trình “Xanh hóa Trường Sa” 3 tỷ đồng. Đến thăm các đảo chúng tôi mới thấy sự đóng góp của mình vẫn còn nhỏ bé lắm!

Cây xanh ở Trường Sa điều hòa khí hậu, tạo bóng mát cho bộ đội mà còn làm tốt vai trò che chắn gió, bão và tăng khả năng phòng thủ của đảo; là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Song, ở các đảo thời tiết bất lợi với địa hình, địa chất chủ yếu cát, san hô; thường xuyên bị nước mặn xâm nhập nên cây cối luôn phải chống chọi với sự khắc nghiệt của khí hậu và thổ nhưỡng. Vì thế, để có những rặng cây cối xanh tươi, tỏa bóng mát trên đảo không phải là điều dễ dàng. Vậy mà trong chuyến thăm này, đặt chân lên Sinh Tồn, Trường Sa, Song Tử Tây chúng tôi đều thấy một màu xanh ngát mát rượi, điều mà gần 20 năm trước tưởng như không thể! Đến cả đảo chìm như Cô Lin, Đá Nam, Đá Tây C cũng thấy cây xanh được trồng chậu với sự chỉn chu tỉ mẩn.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Huy, chỉ huy trưởng đảo Cô Lin, kể rằng trồng được cây đã khó, việc quản lý và duy trì cây càng khó hơn. Vì vậy đơn vị luôn gắn trách nhiệm của từng cá nhân trong hoạt động chăm sóc vườn rau, bảo vệ cây. Hằng năm, đảo đều tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra biện pháp thực hiện chăm sóc cây. Kết quả trồng, chăm sóc cây xanh cũng trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ và bình xét thi đua, khen thưởng. Thế mới thấy, màu xanh Trường Sa hôm nay được tạo nên từ bàn tay khéo léo của lính đảo đáng trân quý chừng nào! Đảo đang dần được phủ xanh; sức sống nơi đảo xa cũng đang đổi thay từng ngày. Vườn ươm đảo nổi, vườn rau đảo chìm, những hàng bàng vuông, phong ba, bão táp... cứ vươn mình vượt qua bão tố khắc nghiệt. Như sức sống mãnh liệt của dân, quân đang canh giữ phên dậu của Tổ quốc.

NGÔ XUÂN THẮNG,
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng

LY NA ghi

;
;
.
.
.
.
.