Bãi tập kết phế liệu chưa bảo đảm an toàn

.

Nhiều điểm tập kết phế liệu đang hoạt động nhưng chưa bảo đảm các yêu cầu về phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Số lượng các bãi phế liệu phân bố rải rác nhiều nơi khiến công tác giám sát, quản lý đang gặp nhiều khó khăn.

Việc quản lý, giám sát chặt chẽ các bãi phế liệu đang là một bài toán khó trong việc phát triển đô thị trong giai đoạn hiện nay. Trong ảnh: Cơ sở thu mua phế liệu tại đường Hoàng Văn Thái, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu.Ảnh: C.T
Việc quản lý, giám sát chặt chẽ các bãi phế liệu đang là một bài toán khó trong việc phát triển đô thị trong giai đoạn hiện nay. TRONG ẢNH: Cơ sở thu mua phế liệu tại đường Hoàng Văn Thái, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Ảnh: C.T

Qua quan sát tại một số bãi tập kết phế liệu trên địa bàn quận Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, hầu hết các bãi đều không được đầu tư trang thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC), một số ít có trang bị nhưng đã cũ, không bảo đảm an toàn trong quá trình xử lý các tình huống phát sinh liên quan tới cháy, nổ. Người dân tại khu vực tổ dân phố 2 (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) từng phản ánh nhiều lần phát hiện thấy khói, mùi nhựa, cao su... bốc lên tại bãi tập kết phế liệu nằm trên đường Hoàng Thị Loan (phường Thanh Khê Tây). Theo tìm hiểu, bãi phế liệu này đặt ngay cạnh khu vực bãi sửa ô-tô, đây là nơi các công nhân thường sử dụng máy hàn, cắt... dễ gây ra nguy cơ cháy, nổ trong khi chủ bãi lại không trang bị đầy đủ các công cụ, phương tiện PCCC nào.

Chị Phan Thị Mỹ Hạnh (tổ 2, phường Thanh Khê Tây) cho rằng, bãi tập kết này thường để những vật liệu dễ cháy, nổ như nhựa, túi ni-lông... cạnh các điểm công nhân sửa xe thường cắt, hàn gây ra những nguy hiểm và rủi ro cao về PCCC. Nhiều lần người dân cũng bức xúc phản ánh tới chủ bãi tập kết và nhận được lời hứa sẽ cẩn thận hơn, nhưng tới nay vẫn chưa thấy khắc phục. Người dân sống ở đây rất mong lực lượng chức năng sớm vào cuộc kiểm tra, giám sát, xử lý các bãi tập kết phế liệu không bảo đảm PCCC nằm trong khu dân cư.

Tại một điểm tập kết phế liệu trên đoạn giao đường Hoàng Minh Thảo - Hoàng Văn Thái (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), các loại phế liệu được gom lại thành từng túi lớn rồi đặt ngổn ngang trên vỉa hè đã trở thành hình ảnh quen thuộc của những hộ dân sống tại khu vực này. Bà Nguyễn Thị Ánh Thu (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) cho biết, đường Hoàng Văn Thái được phân làn bằng dải phân cách nên việc tránh các vật cản sẽ rất khó khăn, tạo ra nhiều nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông cùng chiều.

Hằng ngày, có hàng trăm loại phế liệu như máy nước, quạt, sắt vụn, bao bì được gom từ nhiều nơi về tập kết và phân loại đặt ngay trên vỉa hè. Có thời điểm số lượng hàng lớn, lấn chiếm luôn phần đường người đi bộ, tràn xuống lòng đường gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông, đồng thời gây mất mỹ quan đô thị. Tương tự, tại bãi tập kết phế liệu Thương (đường Nhơn Hòa 9, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ), chúng tôi nhận thấy mặc dù chủ cơ sở trang bị dụng cụ PCCC, nhưng chỉ là một bình chữa cháy khá cũ kỹ. Nếu xảy ra sự cố cháy nổ rất khó để xử lý kịp thời...

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Kim Thành, Chủ tịch UBND phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) cho biết, trước thực trạng trên phường đã lập kế hoạch thực hiện công tác xây dựng phong trào toàn dân phòng, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2023. Trong đó có yêu cầu các hộ kinh doanh, sản xuất phế liệu ký cam kết không kinh doanh, vận chuyển các vật liệu có nguy cơ cháy nổ cao.

Đồng thời, phường đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh phế liệu thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, tránh gây ra những hệ lụy ảnh hưởng đến người dân. Hiện nay, phường đã thành lập được 4 tổ liên gia, 17 điểm chữa cháy công cộng về PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH). Từ giờ tới cuối năm, phường sẽ tiếp tục triển khai giám sát, truyền thông tới các hộ kinh doanh, người dân trong 84 tổ dân phố về việc nâng cao ý thức chấp hành trong lĩnh vực thu gom phế liệu, vật liệu.

Ông Lê Thế Nhân, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu thông tin, ngoài việc chú trọng tuyên truyền để người dân hiểu rõ, quận đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên phối hợp kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh, sản xuất trên địa bàn phải chấp hành nghiêm mọi quy định về PCCC, CNCH. Với những hành vi không tuân thủ các quy định của những cơ sở, hộ kinh doanh phế liệu cần được xử lý nặng, thậm chí có thể xem xét phương án cưỡng chế chấm dứt hoạt động nếu không thực hiện các quy định của pháp luật với những cơ sở tái phạm nhiều lần.

Để bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các điểm thu mua, tái chế phế liệu. Đồng thời, việc nâng cao ý thức của các chủ hộ kinh doanh phế liệu và những người thu gom trong việc bảo đảm an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, PCCC cần được chú trọng hơn.

CHIẾN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.