Một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám làm... trong một bộ phận công chức, viên chức đã tồn tại từ lâu, không phải bây giờ mới xuất hiện. Cần phải “bốc thuốc kê đơn” chữa trị căn bệnh này.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Trần Quốc Tuấn phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Nhận diện biểu hiện cán bộ né tránh trách nhiệm
Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) có thể chia thành các nhóm đối với tình trạng công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiêm. Một là nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, những cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích riêng. Hai là nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.
Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, những cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, có biểu hiện né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, không muốn làm vì không có lợi ích riêng, có thể khắc phục được ngay vì từ trước đến nay trong bất kỳ thời điểm nào hay ở bất kỳ cơ quan, đơn vị, địa phương nào cũng tồn tại một số ít cán bộ có bản chất như thế. Vấn đề là đơn vị đó có nhận diện được hay không và khi nhận diện được thì xử lý thế nào.
Giải pháp cấp thiết cần phải làm ngay là thay thế những cán bộ này bằng những cán bộ tốt, có đủ tâm huyết và trách nhiệm, vì chúng ta không thiếu những cán bộ tốt.
“Về lâu dài, ngoài Kết luận số 14 của Bộ Chính trị, tôi đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các quy định pháp luật có liên quan đến công chức, viên chức để đảm bảo tính đồng nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn để làm cơ sở khuyến khích bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”, đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị.
Với nhóm những cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm, đây là nhóm chiếm số đông trong số cán bộ sợ trách nhiệm, chính họ đã tạo ra những hạn chế nêu trên. Đây cũng là trở lực lớn nhất gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống.
Nguyên nhân của hiện tượng này là một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, nhất là các văn bản dưới luật, còn thiếu tính đồng nhất, khó thực hiện. Điển hình như cùng một nội dung quy định nhưng lại có hai cách hiểu khác nhau hay cùng một nội dung công việc nhưng lại có hai văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện không đồng nhất.
“Tôi đã chứng kiến bên lề kỳ họp Quốc hội, có hai đại biểu Quốc hội cùng tranh luận về nội dung của một điều khoản luật đang còn hiệu lực. Cuộc tranh luận ấy đã làm cho tôi hết sức tâm tư và lo lắng, bởi lẽ nó đang xảy ra ngay trong chính cơ quan lập pháp, cho nên không loại trừ khả năng nó sẽ xảy ra ở các cơ quan hành pháp, trong đó có cả những cơ quan thanh tra, kiểm tra và như thế sẽ có nguy cơ dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau cho các cán bộ thực thi công vụ. Những bất cập này đã được rất nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh thẳng thắn ngay trong phiên thảo luận hội trường ngày 29-5-2023 vừa qua”, đại biểu Trần Quốc Tuấn cho hay.
Một nguyên nhân nữa, đó là cán bộ lo sợ vi phạm pháp luật, lo công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng đi vào thực chất cùng với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt và ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, có những vụ việc vi phạm pháp luật từ nhiều năm trước đến nay được phát hiện và do mức độ vi phạm nghiêm trọng nên bị xử lý hình sự. Chính từ những vụ án này đã làm cho nhiều cán bộ lo sợ, bởi lẽ, những cán bộ ấy đã từng làm các công việc tương tự vào những thời điểm trước đây, từ đó đã tạo ra hiệu ứng lây lan đến một số cán bộ khác, hình thành nên tâm lý ngần ngại, lo sợ, sợ bị kỷ luật, nhất là sợ bị xử lý hình sự. Trong số cán bộ đó, chúng ta không loại trừ có những cán bộ tâm huyết, có trách nhiệm nhưng họ không thể triển khai thực hiện công việc do sự bất cập, thiếu đồng nhất của các văn bản hướng dẫn.
Đồng quan điểm này, đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) cho rằng, vấn đề công chức sợ sai ở đây cần đề cập rõ phạm trù là đã sợ sai còn né tránh, đùn đẩy. Cái gì thuận lợi thì nhận vào bản thân, còn khó khăn thì đẩy cho tổ chức, người khác và bên ngoài...
Đại biểu Vũ Trọng Kim nêu rõ: Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng nói rõ về những biểu hiện này và chỉ rõ các nguyên nhân. Theo đó, một bộ phận cán bộ sợ rằng cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng mạnh lên thì cán bộ nhụt chí, không dám làm. Đây là nguyên nhân nhạy cảm nhất mà các vị đại biểu Quốc hội chưa thấy đề cập tới.
Đâu là giải pháp
Về giải pháp để bắt mạch, chữa trị căn bệnh này, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho rằng, cần phải xử lý gắn trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm trong việc thực thi công vụ cũng như phải cá thể hóa trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong việc tham mưu hoặc đề xuất sửa đổi, ban hành những văn bản quy phạm pháp luật trong thẩm quyền. Nguyên nhân là do việc chậm ban hành văn bản chi tiết vẫn chưa khắc phục.
Từ thực trạng nêu trên, một số đại biểu Quốc hội đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm, tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân khi căn cứ vào đó là có thể triển khai thực hiện được ngay.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến. Nếu thực hiện tốt công việc này sẽ giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ quan cấp trên, đồng thời tăng cường trách nhiệm cho các địa phương và cơ quan cấp dưới. Muốn vậy, cần xác định việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương thì mạnh dạn phân quyền cho địa phương làm, địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nhận diện để khắc phục hiện tượng trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, tình trạng này đã làm chậm trễ và trì trệ hoạt động công vụ, bào mòn và làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước; cản trở động lực và nguồn lực phát triển, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đất nước đang rất khó khăn hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu tại Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, hơn lúc nào hết, cần thay đổi để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, công chức trong từng cơ quan, đơn vị. Chú trọng về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức công vụ. Chấn chỉnh ngay và quyết liệt để thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong cơ quan hành chính nhà nước, xử lý công việc của các bộ, ngành, địa phương.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh việc rà soát, đề xuất bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là trên lĩnh vực kinh tế - xã hội còn phát sinh khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn và những nội dung liên quan đến quyền hạn, thẩm quyền, các cơ quan, tổ chức; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền.
Bộ Nội vụ đã tham mưu thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích bảo vệ cán bộ, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về lợi ích chung. Hiện Bộ Nội vụ đã lấy ý kiến các bộ, ngành, lấy ý kiến chuyên, gia, lấy ý kiến 63 tỉnh thành, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp nhưng do vướng về mặt pháp lý, vướng mặt thẩm quyền nên đã báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ để báo cáo cấp thẩm quyền. Nếu cần thiết báo cáo với Quốc hội để ban hành nghị quyết thí điểm nhằm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm năng động, sáng tạo.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Bộ Nội vụ cũng tham mưu cho cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách chính sách tiền lương và đảm thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi công vụ. Huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc một cách đồng bộ để thực hiện các giải pháp với ý thức trách nhiệm cao nhất, quyết tâm công phá tâm lý, sợ sai, sợ trách nhiệm và không làm trong thực thi công vụ. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng báo cáo Quốc hội về các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, trong đó Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp đồng bộ, cụ thể, quyết liệt hơn để đẩy mạnh cải cách hành chính nói chung cũng như cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư cũng như cho phát triển.
Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Uỷ ban Pháp luật chủ trì với các cơ quan của Quốc hội ngay trong năm 2024 thực hiện giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách pháp luật của cán bộ, công chức theo Luật cán bộ, công chức trong năm 2022” trên phạm vi cả nước. Trong đó, tập trung vào nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức (Chương II) và Những việc cán bộ, công chức không được làm tại Mục 4, Điều 18 quy định những điều bị cấm liên quan đến đạo đức công vụ: Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao, gây bè phái, mất đoàn kết, tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công.
Khẩn trương, tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng phải tập trung cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm ngươi đứng đầu. Từng cấp, từng ngành, từng địa phương Xây dựng quy trình hóa, cá nhân hóa trách nhiệm từng công việc, từng lĩnh vực, lấy hiệu quả thực sự làm cơ sở đánh giá cán bộ. Tiếp tục chỉ đạo siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong toàn hệ thống chính trị, nhấn mạnh việc phân công, giao nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ thời hạn, đi liền với thường xuyên kiểm tra, giám sát. Khi mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương đều quan tâm, kiên quyết thực hiện cá thể hóa trách nhiệm, chắc chắn sức mạnh của hệ thống chính trị sẽ ngày càng được củng cố.
Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường thực hiện chức năng giám sát, chất vấn, tái chất vấn và yêu cầu giải trình nhằm nâng cao trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo.
Theo Báo Tin tức