Với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và trách nhiệm của tiểu thương, cộng đồng, Sở Công Thương phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) chọn chợ Hàn để thí điểm “Chợ giảm thiểu rác thải nhựa”, đến nay, mô hình này được đánh giá có sự tác động tích cực trong việc bảo vệ môi trường.
Các tiểu thương tại chợ Hàn hưởng ứng mô hình “Chợ giảm thiểu rác thải nhựa”. Ảnh: PV |
Chợ Hàn là một trong những chợ lớn nằm ở trung tâm thành phố với lượng rác thải mỗi ngày rất lớn, đặc biệt là rác thải nhựa khó phân hủy như túi ni-lông và đồ nhựa dùng một lần thải ra gây ảnh hưởng đến môi trường. Do đó, việc thay đổi thói quen sử dụng túi ni-lông trong mua bán tại chợ, hướng tới môi trường bền vững là rất cần thiết.
Thời gian qua, ngoài triển khai phong trào giảm thiểu rác thải nhựa đến tiểu thương, Ban Quản lý chợ Hàn đã tổ chức ra mắt 18 quầy hàng sinh thái. Mỗi tháng 1-2 lần vào ngày Chủ nhật, tại các quầy hàng sinh thái thực hiện thu gom các túi ni-lông sạch trong cộng đồng để tái sử dụng tại chợ Hàn. Người dân, tiểu thương có thể đổi rác tái chế lấy quà tặng, mua sắm các sản phẩm tẩy rửa sinh học với giá thành ưu đãi.
Chị Nguyễn Thị Hiền (tiểu thương ki-ốt số 15) tham gia mô hình quầy hàng sinh thái tại chợ Hàn chia sẻ: “Sau khi được ban quản lý chợ phát động mô hình, chị em kinh doanh đã thông tin đến khách hàng đi chợ hiểu được ý nghĩa việc sử dụng các sản phẩm bảo vệ môi trường. Nhiều người tiêu dùng khi được yêu cầu dùng túi đựng tái sử dụng đã đồng tình ủng hộ.
Chúng tôi cũng chủ động nhập hàng, yêu cầu những cơ sở đóng gói sản phẩm bằng các vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường”. Tuy nhiên, theo một số hộ buôn bán, các sản phẩm túi giấy được cấp trong mô hình chợ Hàn giảm thiểu rác thải nhựa vẫn còn nhiều điểm hạn chế, đó là khi dùng dễ bị rời ra nếu gặp tình trạng thực phẩm ướt, thời tiết mưa hoặc đựng đồ có trọng lượng nặng hơn tải trọng của túi. Bên cạnh đó, các loại túi chất liệu tái sử dụng có giá thành cao hơn túi ni-lông thông thường.
“Ngoài việc hạ giá thành các sản phẩm túi tái sử dụng, các đơn vị sản xuất nên có những cải tiến nhằm tối ưu hóa sản phẩm thì mới vận động được nhiều người sử dụng, tránh trường hợp phía trong sử dụng túi tái sử dụng còn phía ngoài lại phải bọc lại bằng túi ni-lông cho chắc chắn”, bà Nguyễn Thị Huyền, tiểu thương quầy ki-ốt số 16, chợ Hàn đề xuất.
Ông Hoàng Cung Thượng Đức, Phó ban Quản lý chợ Hàn cho hay, qua hơn 2 năm thí điểm thực hiện mô hình chợ Hàn giảm thiểu rác thải nhựa, ý thức của các tiểu thương tại chợ đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Đa số các tiểu thương đã thực hiện tốt việc tặng túi tái sử dụng khi đi chợ cho khách hàng, nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần; đối với bao, bì ni-lông nếu đáp ứng các điều kiện về vệ sinh có thể sẽ được tái sử dụng lại.
Ban Quản lý chợ đã thực hiện lắp đặt 4 điểm đặt túi ni-lông ở các góc chợ Hàn để người dân, tiểu thương có thể sử dụng trong việc kinh doanh, mua bán. Tới nay, nhiều tiểu thương đều bày tỏ nguyện vọng, mong muốn được tham gia mô hình quầy sinh thái để cùng thực hiện hiệu quả công tác giảm thiểu rác thải nhựa, xây dựng chợ Hàn văn minh, thân thiện với môi trường.
Theo ông Đức, vấn đề khó giải quyết trong việc giảm thiểu rác thải nhựa tại chợ Hàn nằm ở ý thức của khách hàng khi vẫn chuộng sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa; đồng thời, giá thành của các sản phẩm túi thân thiện với môi trường thường cao hơn gấp nhiều lần so với túi ni-lông thông thường khiến nhiều tiểu thương còn e ngại trong việc đầu tư, mua sắm. Muốn vận động được tất cả các hộ kinh doanh thực hiện mô hình giảm thiểu rác thải nhựa cần tập trung đầu tư lâu dài. Ban Quản lý chợ cũng mong muốn nhận được quan tâm, tăng cường tuyên truyền và hỗ trợ giá thành đối với những sản phẩm túi thân thiện môi trường tới từ cơ quan có thẩm quyền.
Rác thải nhựa là bài toán khó giải quyết trong công tác vệ sinh môi trường do phát sinh từ các thói quen trong kinh doanh cũng như mua sắm của người dân, nhất là trong các chợ truyền thống. Vì vậy, chiến lược giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa trong hoạt động kinh doanh, thương mại cần được các sở, ban, ngành, tổ chức, cá nhân chung tay hành động.
Theo Sở Công Thương, mô hình “Chợ giảm thiểu rác thải nhựa” tại chợ Hàn đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2023 có tỷ lệ thu hồi rác tái chế đạt 30%; 30% số quầy hàng trong chợ đăng ký và thực hiện giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; 30% số quầy hàng đăng ký và thực hiện “không cung cấp túi ni-lông khi chưa được yêu cầu”. Đây là một trong những nỗ lực của thành phố Đà Nẵng khi tham gia chương trình “Đô thị giảm nhựa, cùng hành động chống lại ô nhiễm rác thải nhựa” do WWF phát động.
D. NHƯ - C. THẮNG