Tạo ra một tác phẩm báo chí đã khó nhưng để tác phẩm đó hay, chất lượng, được ghi nhận bằng những giải thưởng báo chí còn khó hơn gấp nhiều lần. Nhưng chính những giải thưởng báo chí lại là một trong những “mỏ neo” giúp người làm báo giữ lửa đam mê với nghề. Sự ghi nhận, vinh danh đó như là động lực, hun đúc người làm báo ngày càng cố gắng hơn nữa trong mỗi chuyến đi, mỗi bài viết của mình.
Phóng viên Huy Đạt chụp ảnh cùng trẻ em người đồng bào CơTu trong chuyến công tác tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). |
Những trải nghiệm khó quên
7 năm theo đuổi nghề báo, phóng viên Huy Đạt, Văn phòng Báo Thanh Niên tại miền Trung đã ngày càng trưởng thành, vững vàng hơn qua từng bài viết. Nhiều tác phẩm của anh đã đạt các giải thưởng báo chí như: giải Nhất giải báo chí Huỳnh Thúc Kháng do Hội Nhà báo tỉnh Quảng Nam tổ chức năm 2019; giải Nhì giải báo chí thành phố Đà Nẵng do Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng tổ chức năm 2019; tiếp đó cũng đạt giải Nhì giải báo chí thành phố Đà Nẵng năm 2021 với loạt bài “Tình người Đà Nẵng trên đường thiên lý về quê tránh dịch Covid-19”…
Nói về tuyến bài đạt giải cao đó, phóng viên Huy Đạt nhớ lại những chuỗi ngày có mặt tại đèo Hải Vân để ghi nhận sự gian truân của những người con xa xứ mưu sinh ở các tỉnh, thành miền Nam. Họ phải rời bỏ nơi vốn được dung dưỡng để ngược đường thiên lý tìm về quê nhà, hồi hương tìm nơi nương náu bởi Covid-19. “Chúng tôi cùng những mạnh thường quân, lực lượng cảnh sát giao thông xuyên đêm bám trụ trên đỉnh đèo Hải Vân để tiếp sức cho dòng người hồi hương, giữa dịch bệnh căng thẳng nhưng chúng tôi đã thấy được tình người hiện diện khắp mọi nơi”, Huy Đạt trải lòng. Dịch bệnh, đi lại khó khăn, anh vất vả bám dòng người hồi hương, nhưng tin tức luôn được cập nhật tức thời.
“Tôi tự cảm nhận rằng, điều vinh dự nhất của nghề báo là được tổ chức, xã hội và chính quyền ghi nhận những cố gắng, nỗ lực mang tinh thần góp ý xây dựng của người cầm bút. Lửa nghề đã giúp tôi vượt qua khó khăn, thách thức và thậm chí là nguy hiểm. Giải báo chí đã tiếp thêm động lực để tôi tiếp tục đương đầu với những chông gai ở phía trước”, phóng viên Huy Đạt chia sẻ.
Lễ trao giải Báo chí thành phố năm 2022. |
Còn với phóng viên trẻ Xuân Quỳnh (Văn phòng đại diện miền Trung - Báo Sài Gòn Giải phóng) qua gần 5 năm làm nghề báo thì chị có 3 năm tác nghiệp trong thời điểm dịch bệnh. Nhưng chính trong giai đoạn khó khăn này đã giúp chị trưởng thành hơn trong cách viết, cách tiếp cận cơ sở, tác nghiệp.
“Nghề báo cho tôi nhiều đặc ân, được đi nhiều nơi, gặp nhiều người, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau… Đối với tôi việc luôn ghi chú những ý tưởng là điều thường xuyên vì biết đâu đó, ý tưởng đó sẽ là một đề tài lạ ở thời điểm thích hợp”, Xuân Quỳnh chia sẻ.
Hơn 15 năm trong nghề, phóng viên Lê Hoàng Hiệp, Báo Đà Nẵng sở hữu bộ sưu tập các giải thưởng báo chí lớn, nhỏ từ các cấp khác nhau. Anh cho rằng, các giải thưởng báo chí không chỉ được xem là một trong những kết quả ghi nhận thành tựu, cố gắng của những người làm báo mà còn là sự động viên, cổ vũ của các nhà báo lão thành, giàu kinh nghiệm, đồng nghiệp hoặc lãnh đạo các ngành chuyên môn đối với những nỗ lực, cố gắng, sự cống hiến của các phóng viên, nhà báo. Điều này là rất quan trọng, bởi có sự công nhận, ghi nhận, động viên, cổ vũ đó thì các nhà báo như được tiếp thêm động lực tiếp tục đeo đuổi đề tài, vấn đề đó để sớm giải quyết, vì an sinh, đời sống nhân dân và sự phát triển của xã hội.
Phóng viên Xuân Quỳnh (thứ 2, bên trái sang) đang tác nghiệp tại một sự kiện. |
Không ngừng học hỏi để theo đuổi nghề
Phóng viên Hoàng Hiệp cho rằng, ngoài các bài viết phản ánh người làm báo còn phải có khả năng nhìn nhận, đánh giá, phân tích sự kiện. Ví dụ như tại trận lụt hồi tháng 10-2022 trên địa bàn thành phố đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Là phóng viên phụ trách lĩnh vực, anh đã có nhiều bài viết nhằm khuyến cáo, cảnh báo từ những dấu hiệu bất thường về lượng mưa xảy ra tại thành phố từ năm 2020 đến giữa năm 2022 và truyền đi thông điệp “hành động sớm”. Từ 3 ngày trước trận mưa lũ lịch sử xảy ra, đặc biệt là trước 5 giờ xuất hiện mưa cực đoan gây ngập lụt trên rộng, lũ quét lịch sử trên các sông và sạt lở đất đá nhiều nơi trên địa bàn thành phố, Báo Đà Nẵng đã liên tục cập nhật, đăng các tin, bài cảnh báo về mưa lớn cùng các chỉ đạo, công tác triển khai ứng phó...
“ Việc nhà báo sáng tạo ra tác phẩm vừa phản ánh thông tin thời sự, vừa nêu rõ các nguyên nhân, tồn tại và đề xuất các giải pháp để giải quyết vấn đề, khuyến nghị hoặc cảnh báo những xu hướng bất lợi nhằm đề cao cảnh giác, ứng phó sớm”, Hoàng Hiệp cho hay.
Nhà báo Lê Hoàng Hiệp (bên phải) đang tìm hiểu thông tin, việc vận hành nhà máy thủy điện. |
Đồng quan điểm, phóng viên Xuân Quỳnh cho rằng, khi bắt đầu thực hiện một tác phẩm, hay loạt bài dài kỳ, không ai biết được rằng tác phẩm đó có thể thu hút sự quan tâm của bạn đọc, có sự lan tỏa lớn hay có thể dự giải báo chí. Bởi khi đi tác nghiệp, điều mà chị quan tâm đó là phản ánh cái mình nhìn, nghe thấy cũng như thực hiện đúng nhiệm vụ là cầu nối của Đảng và chính quyền đến người dân, để chính quyền địa phương có thể lắng nghe cũng như để người dân thấu hiểu.
Theo Xuân Quỳnh, mỗi tác phẩm báo chí - mỗi đứa con tinh thần ra đời là sự đầu tư nhiều công sức, trí tuệ không chỉ phóng viên thực hiện mà là cả một ekip biên tập sau đó. Do đó, khi “đứa con” của mình được công nhận và đoạt giải thưởng không chỉ mang lại cho mình niềm vui mà còn là động lực cho những năm tiếp theo cố gắng thêm để tạo nên những tác phẩm có giá trị. Chị bày tỏ: “Giải thưởng báo chí mỗi năm giúp tôi trưởng thành hơn về cách viết, cách lựa chọn, cách triển khai đề tài. Bởi yêu cầu, tiêu chí, chủ đề giải thưởng mỗi năm là khác nhau nên tôi luôn phải học hỏi, tìm kiếm, làm mới đề tài để mang lại sự hấp dẫn cho bạn đọc”
THU HÀ