Huy động sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở

.

ĐNO - Ngày 24-6, phát biểu thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục an ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) cho rằng, việc ban hành luật nhằm bảo đảm quyền lợi cho lực lượng cơ sở và huy động sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.

 

Đại biểu Trần Đình Chung phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: VŨ HƯNG
Thiếu tướng Trần Đình Chung phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: VŨ HƯNG

Thiếu tướng Trần Đình Chung đồng tình với nội dung về phạm vi điều chỉnh, tổ chức, bố trí lực lượng, nhiệm vụ, quyền hạn và bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Qua đó, tập trung xác định rõ các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở là vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, Bộ Công an; phát huy quyền làm chủ, sự tự nguyện của nhân dân ở cơ sở tham gia bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, dưới sự quản lý của chính quyền địa phương.

Theo đại biểu, trong khi tình hình an ninh, trật tự xã hội phức tạp, tội phạm ngày càng tinh vi, để có được lực lượng quần chúng tham gia với lực lượng lượng công an xã chính quy trong bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở là điều cần thiết và cấp bách. Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm quyền lợi cho lực lượng cơ sở, huy động sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Vì thế, việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết.

Về vị trí, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu cho rằng, dự án luật điều chỉnh kiện toàn đối với lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng chung với tên gọi là “lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” và lực lượng này làm nòng cốt trong xây dựng phong trào quần chúng tự quản, tự bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Sau khi được kiện toàn thành một lực lượng thống nhất, tạo cơ sở pháp lý bình đẳng về địa vị pháp lý và xác định cụ thể vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với tính chất là lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản ở địa bàn cơ sở.

Về vấn đề tăng số lượng người và kinh phí bảo đảm, dự thảo luật chỉ thực hiện sắp xếp, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh đã được thành lập, đang hoạt động hiện nay có tính chất tương đồng về chức năng, nhiệm vụ, đang được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật (Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Pháp lệnh Công an xã năm 2008, Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17-4-2006 về bảo vệ dân phố) để thống nhất thành một lực lượng với tên gọi chung mà không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động và không làm tăng chi ngân sách Nhà nước.

Qua đó, góp phần nâng cao  hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự ở cơ sở và kiện toàn lực lượng, giảm chi ngân sách Nhà nước theo chủ trương chung hiện nay. Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Trần Đình Chung, còn có một số vấn đề cần nghiên cứu giải trình để trình Quốc hội cho ý kiến.

Theo đó, về tiêu chuẩn tuyển chọn tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, có quy định độ tuổi tuyển chọn công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên và nên cân nhắc quy định độ tuổi tối đa của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm bảo đảm đủ sức khỏe để thực thi nhiệm vụ.

Nếu bản thân có phẩm chất đạo đức tốt và gia đình chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì cân nhắc nội dung quy định rõ về tiêu chuẩn “không phải là người đang chấp hành án hình sự tại cộng đồng, chấp hành biện pháp tư pháp...” vào luật (có thể quy định trong văn bản hướng dẫn).

Việc điều chỉnh dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm phù hợp với các luật: Luật An ninh quốc gia năm 2004; Luật Công an nhân dân năm 2018; Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2013; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo trong cách giải trình cần tập trung tốt hơn nội dung tương thích, phù hợp với các ulật hiện hành.

Theo đó, đối với Luật Công an nhân dân năm 2018, đã quy định đồng bộ, thống nhất về 4 cấp; trong đó, công an xã, phường, thị trấn hiện nay đã được tổ chức, bố trí toàn diện, đồng bộ, thống nhất công an chính quy và lực lượng này thực hiện công tác quản lý, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và làm nòng cốt trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn xã, phường, thị trấn.

Theo đại biểu, vị trí, chức năng của các lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách phải được xác định, điều chỉnh lại cho phù hợp với Luật Công an nhân dân năm 2018 và bảo đảm không chồng chéo với vị trí, chức năng của lực lượng công an xã, phường, thị trấn. Cụ thể, đó là chuyển từ vị trí, chức năng quản lý, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự sang vị trí, chức năng là lực lượng tự quản, hỗ trợ công an xã, phường, thị trấn trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự phòng, tự quản về an ninh, trật tự trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Như vậy, các lực lượng này có chung về vị trí, chức năng thì cần thiết phải kiện toàn thành một lực lượng chung, thống nhất.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu QH Nguyễn Văn Quảng (ngoài cùng, hàng đầu) cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố dự phiên bế mạc kỳ họp. Ảnh: VŨ HƯNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu QH Nguyễn Văn Quảng (ngoài cùng, hàng đầu) cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng dự phiên bế mạc kỳ họp. Ảnh: VŨ HƯNG

Đối với Luật Phòng cháy và chữa cháy, cần kiện toàn, tinh gọn đầu mối, giảm chi hỗ trợ cho các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; bảo đảm tính linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.

Cụ thể, khi có tình huống an ninh, trật tự xảy ra thì tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ an ninh trật tự sẽ điều hành, chỉ đạo hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ; khi có tình huống cháy, nổ xảy ra thì tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ an ninh, trật tự đồng thời là đội trưởng, đội phó đội dân phòng sẽ điều hành, chỉ đạo hoạt động của lực lượng dân phòng thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

N.PHÚ - VŨ HƯNG

;
;
.
.
.
.
.