Ngăn ngừa tình trạng sử dụng ma túy trong giới trẻ

.

ĐNO - Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm về ma túy và sử dụng ma túy thời gian qua trên địa bàn thành phố đạt nhiều kết quả tích cực, song tình trạng sử dụng ma túy trong giới trẻ, nhất là trong độ tuổi trẻ em có dấu hiệu gia tăng, để lại nhiều hệ lụy cho chính các em, nỗi lo âu cho các bậc cha mẹ cũng như cộng đồng xã hội.

Tư vấn tâm lý cho người cai nghiện tại cơ sở Bầu Bàng.
Tư vấn tâm lý cho người cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng.

Tính đến ngày 8-6-2023, Cơ sở xã hội Bầu Bàng quản lý, cai nghiện, chữa bệnh cho 415 học viên, trong đó dưới 18 tuổi có 11 học viên (2,65%), 240 học viên từ đủ 18 tuổi đến dưới 30 tuổi (57,83%).

So với cùng kỳ năm 2022, số người cai nghiện dưới 30 tuổi mà gia đình và cơ quan chức năng đưa vào cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng tăng (154,54%). 

Bác sĩ Lưu Văn Dũng, Trưởng phòng Y tế - Chăm sóc sức khỏe (Cơ sở xã hội Bầu Bàng) cho biết “Việc cắt cơn cũng như thực hiện các hoạt động trị liệu, bổ trợ khác cho người sử dụng ma túy là trẻ em rất phức tạp vì các em đang ở độ tuổi phát triển về thể chất, tâm lý không ổn định; đồng thời sớm chịu tác hại của ma túy nên nguy cơ dẫn đến rối loạn tâm thần là rất cao”.

Là cơ quan chuyên trách công tác quản lý sau cai nghiện, phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) trong thời gian qua đã tích cực và chủ động tham mưu các cấp lãnh đạo đề ra nhiều chương trình, biện pháp cũng như phối hợp các địa phương để theo dõi, hỗ trợ nhằm hạn chế tình trạng tái sử dụng ma túy nói chung, trong đó có giới trẻ. 

Theo Thạc sĩ Tâm lý La Vĩnh Lộc, giảng viên Trường Đại học Đông Á, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng và tái sử dụng ma túy trong giới trẻ, một phần do thiếu môi trường rèn luyện, sinh hoạt; nhiều gia đình thiếu quan tâm, quản lý, giáo dục; nhiều gia đình có điều kiện về kinh tế chỉ biết chu cấp tiền để con sinh hoạt mà không có biện pháp kiểm soát; nhiều em có suy nghĩ lệch lạc về ma túy; do tâm lý lứa tuổi dẫn đến các em tò mò, muốn thử cho biết rồi dần dần bị lôi kéo, đến khi quen rồi nghiện thì không dứt ra được; một phần các em không có công việc làm ổn định dẫn đến buông bỏ.

Cũng về vấn đề này, Thạc sĩ Công tác xã hội Võ Thị Huyền Trang chia sẻ, cần nhìn nhận việc sử dụng ma túy của giới trẻ dưới nhiều góc độ, về môi trường sống, sinh hoạt, làm việc; cộng đồng chung quanh; gia đình và chính các em. Nhiều em tìm đến ma túy với suy nghĩ tìm cảm giác lạ, thú vui để giải tỏa áp lực của việc học, việc làm; nhiều em thiếu kỹ năng xã hội để từ chối sự cám dỗ, lôi kéo của bạn bè; nhiều em bị tác động bởi cuộc sống ảo do mạng xã hội mang lại.

Để ngăn ngừa tình trạng sử dụng ma túy trong giới trẻ, cơ quan chức năng cần làm tốt công tác dự báo tình hình; chủ động tấn công quyết liệt, mạnh mẽ nhằm kiềm chế gia tăng tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố. Tăng cường công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trong cộng đồng. Phấn đấu 100% người nghiện ma túy được rà soát, cập nhật, quản lý, cai nghiện bằng nhiều hình thức.

Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền trong cộng đồng, trường học, cơ quan, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng. Phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị cai nghiện ma túy tại cộng đồng theo định hướng của Đề án Đổi mới công tác cai nghiện ma túy của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện mô hình thí điểm hỗ trợ pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội; Kế hoạch triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ, tư vấn và kết nối dịch vụ điều trị nghiện ma túy trên địa bàn thành phố.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện và các đơn vị có liên quan nêu cao vai trò, trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện; quán triệt nghiêm túc các nội dung, giải pháp của Đề án thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”; Kế hoạch thực hiện mục tiêu chương trình “Không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng”, “không có giết người để cướp của, băng nhóm tội phạm bảo kê, tín dụng đen và đòi nợ thuê”, “an ninh trật tự” trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên. 

Thực hiện tốt Chương trình hành động Vì trẻ em trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2021-2030; tạo sân chơi lành mạnh cho giới trẻ từ ngay trong cộng đồng dân cư, trường học… Xây dựng mạng lưới tư vấn, hỗ trợ tâm lý, đường dây nóng để giải đáp thắc mắc cho giới trẻ nhằm hạn chế nảy sinh tiêu cực, định hướng hành vi đúng đắn, giúp hạn chế việc thiếu thông tin hay tình trạng mất định hướng dẫn đến sử dụng ma túy trong giới trẻ.

Chính quyền và các đoàn thể ở địa phương cần quan tâm chú ý, tạo điều kiện cho nhóm nguy cơ cao được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ xã hội để tìm kiếm việc làm, hỗ trợ học nghề, xuất khẩu lao động… để ổn định cuộc sống, hạn chế phát sinh tệ nạn xã hội, trong đó có sử dụng ma túy trong nhóm này.

Các gia đình cần quan tâm, giáo dục, định hướng nếp sống có trách nhiệm, tuân thủ pháp luật; khuyến khích, động viên con em tham gia các hoạt động xã hội bổ ích; lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn để con em có điểm tựa vững chắc, phòng, chống sự xâm nhập của tệ nạn xã hội, trong đó có tình trạng sử dụng ma túy.

PV

;
;
.
.
.
.
.