Những nhân vật tạo cảm xúc

.

Tròn 15 năm theo nghề, thú thật có hơn một lần tôi nghĩ đến việc sẽ dừng lại, chọn cho mình một ngã rẽ khác. Thế nhưng, sau nhiều đắn đo, tôi vẫn chọn ở lại bởi trân trọng những cảm xúc đẹp đã có với nghề.

Ông Nguyễn Văn Chín trao đổi với tác giả về đam mê sưu tầm đồ xưa. Ảnh: T.Y
Ông Nguyễn Văn Chín trao đổi với tác giả về đam mê sưu tầm đồ xưa. Ảnh: T.Y

Buổi chiều cách đây 5 năm, tôi tìm đến nhà ông Phạm Ngọc Cừ (đã mất, nguyên cán bộ nghiên cứu của Tiểu ban 2, Trung đoàn 93) trong một con hẻm nhỏ đường Phan Kế Bính, phường Thuận Phước, quận Hải Châu. Ông Cừ khi ấy 92 tuổi, nặng tai, di chuyển khó khăn, vẫn đau đáu câu chuyện ai là người đốt cháy kho xăng Nại Hiên (quận Sơn Trà) năm 1951. Thời điểm đó, việc xác định ai là người đốt cháy kho xăng vẫn gây nhiều tranh cãi trong giới sử học và những ai từng trải qua cuộc chiến.

Trước khi gặp tôi, ông đã gửi đơn đến Báo Đà Nẵng nhờ xác minh thông tin, đồng thời kiến nghị thành phố tổ chức một hội thảo khoa học với mong muốn khép lại câu chuyện này. Trên cơ sở tài liệu ông Cừ cung cấp, tôi viết bài “Ai đốt cháy kho xăng Nại Hiên năm 1951?” đăng trên Báo Đà Nẵng, số ra ngày 22-9-2018. Ít ai biết rằng, để bài báo đến tay bạn đọc, tôi đã chật vật phỏng vấn ông Cừ bằng… bút. Lý do ông Cừ nặng tai, nên những điều tôi muốn hỏi, đối chiếu nội dung tài liệu đều phải viết ra giấy, đưa ông đọc. Tai không nghe được, nhưng ngược lại, ông Cừ nói chuyện rất mạch lạc và xâu chuỗi nhiều sự kiện lịch sử rất khoa học, bài bản. Qua ông, tôi nhận ra tình yêu và trách nhiệm của một người lính trong việc tìm kiếm sự thật lịch sử để vinh danh đúng người, đúng việc. Đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất, đến thời điểm này, tôi phỏng vấn nhân vật bằng cách viết câu hỏi ra giấy trong một cuộc làm việc trực tiếp.

Với tôi, khó nhất trong nghề báo là viết về những câu chuyện “bếp núc” ở tòa soạn, nhất là bộ phận gián tiếp như morasse, trình bày. Bởi nếu viết không đúng, không trúng, không sâu dễ dẫn đến việc ghi nhận không đúng công sức của anh em. Nhớ lần viết bài về nghề morasse “Những người nhặt sạn” đăng trên Báo Đà Nẵng, số ra ngày 20-6-2015, anh Trần Minh Trí - người đồng nghiệp gắn bó nghề morasse 39 năm trước khi về hưu năm 2020 - lần đầu được hỏi đã thoái thác vì lý do “không biết nói răng”. Nhưng sau đó, như một sự thôi thúc, anh Trí vớ lấy tờ giấy A4 ngồi cặm cụi viết cho tôi những thông tin, chi tiết về nghề morasse. Nhờ thông tin anh cung cấp, tôi hình dung rõ hơn công việc tưởng chừng thật đơn giản nhưng rất quan trọng ở mỗi cơ quan báo chí.

May mắn của người làm báo là gặp nhân vật hay, tình tiết tốt hoặc được lắng nghe những câu chuyện giàu cảm xúc. Đó chính là chất xúc tác đầu tiên giúp nhà báo tạo nên một tác phẩm báo chí có chất lượng. Tôi khá tâm đắc với quan điểm làm báo của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: nghề báo phải làm cho người ta thương chứ không phải làm cho người ta sợ. Và rằng nếu bạn chạy theo sự kiện thì sự kiện sẽ đi qua và bài phóng sự sẽ bị quên lãng. Nhưng nếu bạn viết phóng sự về thân phận con người, về những câu chuyện nhân văn, về những điều mà nhân loại đang quan tâm với tư cách một chứng nhân, thì bài phóng sự của bạn sẽ có chất văn và tồn tại lâu hơn một bài báo.

Lẽ tất nhiên, viết phóng sự báo chí không dễ, nếu không muốn nói là rất khó và cái khó đầu tiên đến từ tính phát hiện của tác giả. Bản thân tôi từng đặt câu hỏi vì sao một bếp ăn từ thiện có thể “đỏ bếp” suốt 7 năm, kể cả trong thời điểm Đà Nẵng đối mặt với làn sóng Covid-19 và quyết định đi tìm câu trả lời qua bài phóng sự “7 năm, chưa lần tắt bếp”, đăng trên Đà Nẵng cuối tuần, số ra ngày 5-3-2023. Trong quá trình thực hiện bài phóng sự này, tôi may mắn được gặp ông Võ Văn Đức (74 tuổi), Phó Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em quận Liên Chiểu. Đó là người đàn ông có gương mặt hiền từ, mỗi ngày đều lặn lội đến các chợ nhận rau, củ, thịt, cá của tiểu thương ủng hộ bếp ăn. Ông nói với tôi, mình có thể không xin gì cho bản thân, nhưng cho bếp ăn từ thiện thì luôn sốt sắng. Câu chuyện đẹp mà ông Đức mang lại cho tôi, ngoài tình yêu và trách nhiệm với công tác xã hội từ thiện, còn là khoảnh khắc nhìn ông ngồi lọt thỏm giữa chiếc xe máy chất đầy thực phẩm cho bếp ăn. Những giá trị tích cực ông Đức mang lại, tôi đều cố gắng chuyển tải trong bài viết, dù biết, bao nhiêu câu chữ cũng không thể nói lên hết những tâm huyết trao - nhận, yêu thương và san sẻ của ông và mọi người.

Ông Võ Văn Đức (bên phải) đang tiếp nhận phần rau, củ do tiểu thương chợ Nam Ô trao tặng.
Ông Võ Văn Đức (bên phải) đang tiếp nhận phần rau, củ do tiểu thương chợ Nam Ô trao tặng. Ảnh: T.Y

Có thể bạn đọc cũng như tôi, không thể hiểu vì sao một ông giáo làng, với gánh nặng gia đình, vẫn sẵn sàng tiêu đến đồng lương cuối cùng, đi khắp vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng sưu tầm đồ xưa với mong muốn lưu giữ một phần văn hóa vùng đất như ông Nguyễn Văn Chín (SN 1963, thôn Túy Loan Đông 1, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) trong bài “Tạo dựng không gian văn hóa từ đồ xưa”, đăng Đà Nẵng cuối tuần, ngày 5-12-2021. Lần ấy, ngồi trong ngôi nhà ngói 3 gian, 2 chái, mang dáng dấp xưa cũ bên dòng sông Túy Loan, nghe ông Chín kể nhiều chuyến ông cột sau xe máy cái cột nhà bằng gỗ mít, chiếc cối đá, chum sành, bao đồ sứ hoặc mấy viên đá tổ ong..., tôi đã cảm thán: Lý do nào khiến ông mải mê với đồ xưa, ngoài một chữ “yêu”!

Có thể nói, được đi, được nói, được viết, được chia sẻ những điều mình cảm nhận thông qua bài viết là những đặc ân mà nghề báo mang lại, dù đâu đó vẫn còn những thử thách, cam go của nghề “làm dâu trăm họ”. Đi thật lâu trong nghề, sẽ hiểu bất kỳ ai chọn nghề báo là đã chạm đến hiện thực xã hội đầy ngổn ngang và phức tạp. Trong sự giằng co đó, ngoài sự tỉnh táo, mỗi “nhân vật hay”, mỗi câu chuyện đẹp giống như những hạt giống tốt giữ nhà báo ở lại với nghề.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.