Quận Thanh Khê triển khai lập bản đồ ngập lụt ứng phó mưa lớn và triều cường

.

ĐNO - Ngày 3-6, UBND quận Thanh Khê tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác phòng chống thiên tai, ứng phó mưa lớn, ngập lụt đô thị trên địa bàn và giải pháp khắc phục trong thời gian đến.

Công ty CP Tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (WATEC) tặng quận Thanh Khê hệ thống giám sát ngập lụt tự động (phiên bản đô thị). Ảnh: HOÀNG HIỆP
Công ty CP Tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (WATEC) tặng quận Thanh Khê hệ thống giám sát ngập lụt tự động (phiên bản đô thị). Ảnh: HOÀNG HIỆP

Trong trận ngập lụt lịch sử xảy ra trên diện rộng ngày 14-10-2022, quận Thanh Khê có gần 12.000 nhà ở trên địa bàn 10 phường bị ngập sâu cục bộ 0,4-1,5m, có nơi ngập hơn hơn 2m, nhất là ở hai phường Thanh Khê Tây và Chính Gián, gây thiệt hại nhiều cơ sở vật chất, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh, chợ, trường học... với ước tính hơn 100 tỷ đồng.

Ngoài hầm chui đường Điện Biên Phủ bị ngập sâu 4m, quận đã xác định được 15 vị trí, đoạn đường, khu vực bị ngập sâu hơn 1m; có 14 vị trí, khu vực thường hay xảy ra ngập úng cục bộ khi có mưa lớn.

Tại hội nghị, đại diện các phòng chuyên môn thuộc quận, lãnh đạo các phường cùng Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố, các chuyên gia đã tập trung phân tích, làm rõ các nguyên nhân dẫn đến ngập lụt trên diện rộng, trong đó có xu hướng mưa cực đoan ngày càng xuất hiện với tần suất dày hơn; xuất hiện các tổ hợp thiên tai, triều cường và nước biển dâng; bất cập của hệ thống thoát nước và phát triển đô thị...; đặc biệt là chưa có sự điều tiết, phân lưu dòng chảy từ Sân bay Đà Nẵng đổ ra.

Đồng thời, đại diện các đơn vị, địa phương và chuyên gia cũng đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ngập úng trước mắt và lâu dài, như: đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án cải tạo hệ thống thoát nước, hạ tầng đang triển khai; nghiên cứu quy hoạch xây dựng hệ thống thoát nước hoàn chỉnh; cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước cũ để nâng cao năng lực thoát nước; cải tạo, nâng nền các vị trí, khu vực ngập úng cục bộ; tăng cường quản lý, khai thác hệ thống thoát nước và vận động nhân dân chung tay khơi thông thoát nước; điều tiết nước từ Sân bay Đà Nẵng đổ ra...

TS. Lê Hùng, giảng viên Khoa xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đề xuất, trước mắt, để kịp thời ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão đến, quận cần kết hợp nhiều nguồn dự báo thiên tai, nhất là lượng mưa, tốc độ gió, thủy triều... và hình ảnh chụp mây vệ tinh, sản phẩm radar thời tiết (cảnh báo mưa) để sử dụng phục vụ công tác ứng phó thiên tai.

Đồng thời, hoàn thiện các bản đồ ngập lụt chi tiết đến cấp phường ứng với các cấp độ mưa và thuỷ triều; xây dựng bản đồ di dời dân chi tiết (di dời người dân các vùng trũng thấp, và đưa ra chỉ dẫn hướng di chuyển và các vị trí cần di chuyển người dân lên cao); xây dựng phương án cảnh báo thiên tai theo thời gian thực, kết hợp với các bản đồ ngập lụt để ứng phó; nâng cao nâng lưc Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận để kịp thời chủ động ứng phó với thiên tai.

Tại hội nghị, Công ty CP Tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (WATEC) đã tặng quận Thanh Khê hệ thống giám sát ngập lụt tự động (phiên bản đô thị) để phục vụ công tác cảnh báo, ứng phó ngập úng đô thị, nhất là các khu vực ngập sâu.

Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Hồ Thuyên giao Phòng Quản lý đô thị quận phối hợp với TS. Lê Hùng khẩn trương xây dựng bản đồ ngập lụt ứng với các cấp độ mưa, thủy triều. Đồng thời, phối hợp với Công ty CP Tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước lắp đặt hệ thống giám sát ngập lụt tự động (phiên bản đô thị) để quận có các công cụ, dữ liệu cần thiết nhằm chỉ huy, điều hành việc ứng phó với mưa lớn theo thời gian thực.

Các địa phương cần chủ động nắm bắt các công cụ, dữ liệu và đẩy mạnh chuyển đổi số để kịp thời chuyển những thông tin cảnh báo đến người dân để cùng “hành động sớm”.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.