Nghề làm báo đòi hỏi người làm báo mắt phải sáng, tâm phải trong và bút phải sắc, bởi nếu không hội tụ đủ ba yếu tố trên thì chưa phải là nhà báo đúng nghĩa.
Tác giả (bên trái) phỏng vấn nhân vật tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng. Ảnh: T.V |
Tôi là sinh viên ngành báo chí nhưng sau khi tốt nghiệp lại không chọn làm nghề mà rẽ đi lối khác. Tôi lao động cần mẫn 5 năm với công việc tưởng như sẽ đi đến suốt cuộc đời. Như một cơ duyên, mùa hè năm 2022, tôi quyết định quay trở lại nghề báo sau 5 năm bỏ lửng câu chữ. Phải nói rằng, khi bắt đầu va chạm với nghề, từ tìm kiếm đề tài, phỏng vấn nhân vật, lên bố cục bài viết và bắt tay vào sáng tạo nội dung, đối với tôi đầy gian nan. Tôi từng trăn trở mỗi đêm với đề tài, đôi lúc hoài nghi năng lực, buồn da diết khi thất bại trước một bài viết chưa xử lý kỹ càng và sự khắt khe của nghề quá áp lực.
Nhưng tất cả điều đó đã giúp tôi mài giũa tinh thần để trở nên mạnh mẽ, trưởng thành hơn rất nhiều so với tôi của nhiều năm về trước. May mắn thay, tôi được các anh chị đi trước hướng dẫn, chỉ bảo tận tình từ cách đặt tít bài, viết sa-pô ngắn gọn, cách xử lý bài viết mới lạ sao cho nổi bật, thu hút bạn đọc, viết mạch lạc và súc tích, không được phóng đại và tô hồng thực tế…
Tôi loay hoay nhiều tháng ròng mới có thể định hình được mình cần viết cái gì, xử lý ra sao và không nên làm điều gì với tác phẩm báo chí. Sau đó, chỉ cần thấy tác phẩm được đăng tải tôi lại thấy vui và trong lòng ngập tràn hạnh phúc.
Theo tôi, cái khó nhất khi làm phóng viên phải có bút lực tốt và săn đề tài giỏi. Đề tài thì ngồn ngộn, nhan nhản nhưng để viết theo hướng mới, góc nhìn đa chiều thì cần cái nhìn sâu và rộng bởi đề tài sẽ quyết định phần lớn thành công một tác phẩm. Bên cạnh đó, người làm báo phải viết trúng, chính xác và hay, viết để nhìn thấy cái sai, cái đúng trong hàng vạn con chữ. Đồng thời, người làm báo phải yêu nghề, lao động nghiêm túc, luôn tìm tòi, học hỏi và cần sự dấn thân bởi nếu thiếu một trong những điều trên thì dễ lụt nghề và sớm bị đào thải trong môi trường báo chí khốc liệt.
Là lính mới, tay nghề còn non trẻ nên tôi luôn tự nhủ cố gắng mỗi ngày, chinh phục khó khăn để tích lũy thêm kinh nghiệm. Tôi phải liên tục đi để nuôi dưỡng vốn sống, quan sát và viết để nhận ra cuộc đời có mảng màu hồng nhưng vẫn đầy rẫy góc khuất. Qua nhiều bài viết, tôi được tiếp xúc đa dạng nhân vật và những câu chuyện với muôn vàn niềm vui lẫn nỗi niềm.
Ví như để viết các phóng sự “Chuyện đời trồng quất”; “115 trên biển”; “Phận thuyền thúng”; “Vòng tay yêu thương”; “Người đo mưa, đếm gió” hay “Mang trẻ bình an về với mẹ”, tôi đã nuôi nhiều cung bậc cảm xúc, trải qua sự dằng xé với câu chữ, bóc tách từng mảng nhỏ để rồi cẩn trọng hơn trong từng câu chữ mới hoàn thành tác phẩm.
Tôi còn nhớ, tôi đã đau cùng nỗi nhớ nghề trong ánh mắt của chú Tiến (nhân vật bài thuyền thúng), gắn bó hơn nửa đời người với nghề đan thuyền thúng để rồi bây giờ phải chấp nhận bỏ nghề vì nhiều lý do; chị Nga, nhân vật bài Vòng tay yêu thương, có con trai bị tự kỷ nhưng chị vẫn dành tình yêu thương và bỏ qua tủi hờn, buồn giận để đồng hành, giúp con sớm hòa nhập với xã hội; các y, bác sĩ phải cố gắng từng giây phút trong giờ vàng để cứu những bệnh nhi sinh non trước lưỡi hái tử thần (bài Mang trẻ bình an về với mẹ) hay những quan trắc viên hải văn trên biển dù đối mặt nhiều vất vả, nguy hiểm và khó khăn thì họ vẫn yêu nghề…
Tôi tin rằng, người làm báo phải vượt qua cám dỗ, tâm phải sáng, tỉnh táo trước sự thật và làm đúng lương tâm của mình. Nghề báo nhiều gian truân, vất vả, nhất là đối với phái nữ nhưng khi được hỏi có tiếp tục không, tôi vẫn chọn theo nghề bởi nó giúp tôi có cơ hội trải nghiệm sát hơn vào mọi mặt của đời sống, nhập vai dưới nhiều ngành nghề và thấm nỗi đau của chính nhân vật để thêm yêu nghề, yêu cuộc đời và dùng ngòi bút của mình truyền tải những thông điệp tích cực đến với độc giả.
HUỲNH TƯỜNG VY