Với nhà báo, được đi nhiều vùng miền trên Tổ quốc, đặc biệt là những địa chỉ đỏ - những di tích lịch sử cách mạng, giúp họ có thêm vốn sống, bản lĩnh chính trị vững vàng. Gần 20 năm làm báo, tôi có dịp đi nhiều nơi và có những vùng đất, khu di tích lịch sử dù đã đến nhiều lần, song mỗi lần đến là một cảm xúc bùi ngùi khó tả, khiến bản thân càng thêm yêu quê hương, đất nước mình.
Các thành viên trong đoàn công tác Báo Đà Nẵng chụp ảnh lưu niệm bên chiếc bàn làm việc của Bác cạnh suối Lênin. Ảnh: N.Đ |
Cảm phục trước nơi sinh sống, làm việc của Bác
Giữa cuối tháng 3-2023, tôi cũng đoàn công tác Báo Đà Nẵng có chuyến thăm, học tập, chia sẻ kinh nghiệm với một số báo bạn ở vùng đông bắc. Đường đi xa và khó bởi đồi núi hiểm trở, song mọi người trong đoàn ai cũng háo hức, bởi được đến thăm những di tích, những vùng đất mà không phải ai cũng có dịp đặt chân đến. Đến Cao Bằng, chúng tôi được đi thăm Khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia đặc biệt Pác Bó ở xã Trường Hà (huyện Hà Quảng).
Đường xa, đèo dốc quanh co, mọi người thấm mệt nhưng khi được chạm tay vào dòng suối Lênin trong xanh như màu ngọc bích, nhìn đàn cá lội tung tăng bơi lội dưới nước, gương mặt ai nấy đều bừng sáng. Bởi con suối tuyệt đẹp, thơ mộng hơn rất nhiều so với những gì được kể trong sách vở. Bên cạnh suối Lênin là ngọn núi Các Mác cao sừng sững.
Sau khi thuyết trình về ý nghĩa của dòng suối Lênin, cô hướng dẫn viên Thu Hà dẫn đoàn chúng tôi băng rừng đến ngắm khu vực đỉnh núi có cột mốc 108 trên biên giới Việt-Trung, nơi lần đầu Bác Hồ đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, sau hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Và xúc động biết bao khi chúng tôi được nghe kể câu chuyện khi tới cột mốc 108, Người đã cúi xuống cầm nắm đất lên hôn, như hình ảnh một người con trở về đất mẹ. Hình ảnh ấy từng được nhà thơ Chế Lan Viên khắc họa trong hai câu thơ nổi tiếng: “Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất/Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai” (Người đi tìm hình của nước).
Trên hành trình men theo cánh rừng dọc con suối Lênin để đến hang Cốc Bó, nơi Bác làm việc, nghỉ ngơi hằng ngày, cô hướng dẫn viên Thu Hà liên tục giới thiệu mỏm đá khi xưa Bác ngồi câu cá sau những giờ làm việc căng thẳng hay những vị trí Bác thường hay tắm. Và sau khoảng 15 phút đi bộ băng rừng, cả đoàn chúng tôi đã đến được nơi cần đến. Hang Cốc Bó nằm lưng chừng giữa núi, miệng hang chỉ đủ cho một người chui vào.
Khi vào bên trong hang, một hình ảnh khiến tôi và mọi người dâng trào cảm xúc, đó chính là chiếc giường ngủ của Bác được làm bằng hai miếng ván gỗ ghép lại, cạnh đó là bếp lửa dùng nấu nướng, đồng thời sưởi ấm trong những ngày giá lạnh của thời tiết khắc nghiệt vùng núi cao. Lòng dấy lên niềm kính yêu vô hạn, trong đầu tôi lúc ấy cứ thầm nghĩ, một con người vĩ đại, người có tình yêu quê hương đất nước vô bờ bến mới có thể sống, làm việc trong một môi trường thiếu thốn, gian khổ đến như vậy được.
Trên đường trở về, chúng tôi được tham quan chiếc bàn đá đặt bên bờ suối Lênin, nơi hằng ngày Bác ngồi làm việc. Dù chỉ là một phiến đá nhỏ, nhưng chiếc bàn này chính là nơi Bác truyền tải không biết bao nhiêu chủ trương, quyết sách đúng đắn trong giai đoạn đầu hoạt động cách mạng của mình nơi núi rừng thiêng Pác Bó, để rồi từ đó đưa phong trào cách mạng Việt Nam đi đến giành thắng lợi hoàn toàn sau này. Cô hướng dẫn viên Thu Hà xúc động kể, dù thời gian sống, làm việc ở Pác Bó không nhiều so với cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, song người dân địa phương hết mực yêu quý bác, luôn xem Bác như người ruột thịt trong gia đình. Ngày hay tin Bác mất, không ai bảo ai, người dân nơi đây cuối đầu chịu tang, khóc nức nở như mất đi cha mẹ mình.
Đến thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) lúc chiều tà, người mệt lả. Dù vậy, chúng tôi nhất quyết phải lên cột cờ Lũng Cú cách đó gần 50km, khu vực địa đầu của Tổ quốc. Đến cột cờ Lũng Cú, chúng tôi đi bộ 839 bậc đá cao sừng sững, không ít người muốn trở lui, song với quyết tâm chạm cho được lá cờ của Tổ quốc ở vị trí chủ quyền thiêng liêng của đất nước, mọi người cố động viên nhau phải đến nơi cho bằng được. Và không gì hạnh phúc bằng, khi chúng tôi khoác lên mình chiếc áo in hình lá cờ đỏ sao vàng, tay cầm cờ Tổ quốc để cùng nhau chụp ảnh ở vị trí thiêng liêng, như khẳng định vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Đến thăm di tích lịch sử Dinh thự vua Mèo ở huyện Đồng Văn, thật xúc động khi được cô hướng dẫn viên làm việc ở khu di tích này kể lại câu chuyện Bác Hồ thuyết phục, động viên ông Vương Chí Sình-chủ ngôi biệt thự, đồng thời là thủ lĩnh đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang tham gia cách mạng. Ðầu tháng 9-1945, từ Hà Giang, ông Vương Chí Sình tìm mọi cách về Hà Nội để gặp Bác Hồ trong bối cảnh tỉnh Hà Giang vẫn chưa được giải phóng.
Cuộc gặp diễn ra trong bầu không khí thân tình đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Vương Chí Sình kết nghĩa anh em. Và sau cuộc gặp này, thủ lĩnh của đồng bào Mông đã đi theo tiếng gọi của Ðảng, của Bác, cùng bà con dân tộc Mông đồng cam, cộng khổ giữ yên vùng biên ải Mèo Vạc - Ðồng Văn; cùng quân dân cả nước đóng góp sức người, sức của trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông Vương Chí Sình từng được giao đảm nhận nhiều vị trí như Chủ tịch huyện Ðồng Văn (gồm ba huyện Mèo Vạc, Ðồng Văn, Yên Minh ngày nay), đại biểu Quốc hội các khóa I, II).
Thiêng liêng Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên
Ngoài những di tích, vùng đất đặc biệt trên, khi đến Hà Giang, không ai mà chẳng biết Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên), nơi an nghỉ của hơn 1.800 liệt sĩ cùng phần mộ tập thể các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc năm 1979. Dù đã đến đây nhiều lần, nhưng lần nào cũng dấy lên trong tôi niềm bùi ngùi xúc động đến khó tả. Bởi, mảnh đất này ngày xưa là chiến trường ác liệt, nhiều thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu của mình để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Riêng tại mặt trận Vị Xuyên, hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, hơn 9.000 người bị thương và hiện vẫn còn hàng nghìn hài cốt của cán bộ, chiến sĩ nằm rải rác trong khe đá, thung sâu chưa tìm thấy được.
Chiến tranh kết thúc, hài cốt liệt sĩ được đưa về đây chôn cất, bên cạnh những liệt sĩ được xác định quê quán, tên tuổi, vẫn còn nhiều liệt sĩ dù đã có mồ yên mả đẹp, nhưng vẫn chưa xác định được danh tính, quê quán. Nói vậy để thấy được sự khốc liệt của chiến tranh, cái giá quá lớn của sự hi sinh bảo vệ nền độc lập dân tộc mà cha ông ta đã ngã xuống. Điều này như sự nhắc nhở các thế hệ hôm nay, nhất là lớp trẻ hãy sống sao cho xứng đáng với những gì cha ông đã hi sinh cho đất nước.
Trong làn khói mỏng của những nén nhang trầm, ngoài lòng biết ơn vô hạn, lần nào đến với Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, tôi cũng chỉ thầm mong muốn, một ngày gần nhất, những ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính sẽ sớm được các cơ quan chức năng bằng một phương pháp nào đó sẽ xác định được tên tuổi, quê hương các anh để được trở về với những người thân.
Dù quãng thời gian làm báo chưa nhiều, nhưng với tôi, được đi nhiều vùng miền trên đất nước, được có cơ hội đến thăm các địa chỉ đỏ, những di tích lịch sử cách mạng, “mắt thấy, tai nghe” các sự kiện…như là một bài học sinh động quý giá từ thực tiễn cuộc sống mang lại, giúp bản thân tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, vốn sống. Đồng thời, đây cũng chính là lời nhắc nhở mình biết trân trọng, quý mến những gì mà thế hệ đi trước đã gầy dựng cho quê hương, đất nước.
NGỌC ĐOAN