Cần phân cấp, phân quyền thêm cho các quận thực hiện dự án dân sinh

.

ĐNO - Sáng 18-7, thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 12 HĐND thành phố khóa X, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Phan Thị Tuyết Nhung cho rằng, thành phố cần phân cấp phân quyền thêm cho các quận thực hiện dự án dân sinh. UBND và HĐND thành phố chỉ xem xét, quyết định tổng nguồn cho các quận, cho ý kiến danh mục dự án chuẩn bị đầu tư của quận.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Phan Thị Tuyết Nhung phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: P.V
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Phan Thị Tuyết Nhung phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: P.V

Còn quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, làm dự án nào trước trong danh mục, trong tổng nguồn là phân cấp địa phương tự quyết định và phân bổ vốn thực hiện mà phải không chờ đợi kỳ họp, hay bổ sung danh mục chi tiết.

Bà Nhung cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân cũng chưa có kết quả khả quan. Mặc dù vậy, qua giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố đánh giá cao sự quyết liệt của UBND thành phố trong chỉ đạo điều hành và sự nỗ lực các ngành trong công tác này trong 6 tháng qua.

UBND thành phố đã tổ chức hội nghị chuyên đề bàn các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Qua hội nghị, các vấn đề vướng mắc đã được thảo luận và thẳng thắn nhìn nhận, nhận diện tổng thể vấn đề vướng, khó, từ đó tìm cách tháo gỡ. Đối với 1.300 tỷ đồng dự phòng chưa phân bổ vốn từ đầu năm, đến nay UBND thành phố đã trình phân bổ hết số vốn này để thực hiện.

Liên quan đến thủ tục hành chính, thành phố đã có Bộ Thủ tục hành chính cho từng khâu công việc của đầu tư công nhưng vẫn chậm. Hiện nay tiến độ thời gian kéo dài hơn quy định tại bộ thủ tục hành chính rất nhiều.

UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cần bố trí sắp xếp cán bộ, điều chuyển bổ sung nhân lực phù hợp theo khối lượng thực tế; không để tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong thực hiện công việc, các thủ tục liên quan bảo đảm thời gian quy định.

Theo đại biểu Phan Thị Tuyết Nhung, thành phố cần phân cấp, phân quyền thêm cho các quận thực hiện dự án dân sinh. Quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, làm dự án nào trước trong danh mục, trong tổng nguồn là phân cấp địa phương tự quyết định và phân bổ vốn thực hiện mà phải không chờ đợi kỳ họp, hay bổ sung danh mục chi tiết.

Bên cạnh đó, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; nâng cao chất lượng tư vấn thiết kế; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan; nâng cao chất lượng giám sát; nâng cao chất lượng công trình dự án... Từ đó, góp phần làm tốt hơn công tác đầu tư công trong thời gian đến.

Cần có cơ chế quản lý 2 bên bờ sông Hàn

Sông Hàn nhìn từ trên cao. Ảnh: XUÂN SƠN
Sông Hàn nhìn từ trên cao. Ảnh: XUÂN SƠN

Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Thành Tiến cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, có nhiều định hướng quan trọng về kiến trúc đô thị thành phố.

Tuy nhiên, kiến trúc đô thị thành phố vẫn chưa được quản lý và phát triển đúng tầm như: chưa được hệ thống hóa trong quản lý; chưa hình thành những khu vực kiến trúc đặc trưng, tạo điểm nhấn; chưa khai thác hết các tiềm năng ven biển, ven sông, sườn đồi…; chưa tạo được các trục cảnh quan đô thị cho các cửa ngõ vào thành phố; kiến trúc nông thôn còn bỏ ngỏ…

Để kiến trúc thành phố nâng tầm, tạo điểm nhấn, hướng đến phát triển kiến trúc đô thị bền vững, đặc thù, thành phố cần có chủ trương tái thiết đô thị khu vực trung tâm. Từ đó, làm thay đổi và cải thiện về quy hoạch, kiến trúc khu vực trung tâm thành phố.   

Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Thành Tiến phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: P.V
Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Thành Tiến phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: P.V

Bên cạnh đó, ông Tiến cho rằng cần có cơ chế quản lý 2 bên bờ sông Hàn nghiêm ngặt hơn. Đồng thời, thành phố cần đầu tư trang trí hệ thống chiếu sáng và các hoạt động để tăng thêm sự hấp dẫn cho dòng sông như: các hoạt động chiếu sáng nghệ thuật, đẩy mạnh hoạt động du lịch cả ngày và đêm; tăng cường mảng xanh dọc hai bên kết hợp với không gian vui chơi, nghỉ ngơi, thư giãn. Ngoài ra, cần chú trọng làm đẹp các trục cảnh quan tuyến đường: Nguyễn Văn Linh, Bạch Đằng, Trần Phú, Võ Văn Kiệt…

Riêng đối với các khu sinh thái như Sơn Trà, Hải Vân, Bà Nà và khu vực vùng núi Hòa Vang… cần có chỉ tiêu quản lý kiến trúc đặc thù, phù hợp tự nhiên và đa dạng sinh học. Đặc biệt, khi xây dựng, thực hiện các dự án cần có quy định về mật độ xây dựng thấp, hạn chế tối đa việc chặt cây xanh làm phá vỡ hệ môi trường sinh thái hiện có.

“Khu vực nông thôn chiếm khoảng 50% diện tích thành phố, chính vì vậy, thành phố cần bổ sung thêm về quy chế các quy định quản lý kiến trúc nông thôn, điểm dân cư nông thôn. Đồng thời, cần kiểm soát tốt công tác tách thửa, chia lô nền là phá vỡ mô hình nhà ở nông thôn truyền thống, gây thay đổi kiến trúc “làng” truyền thống của nông thôn. Bên cạnh đó, cần đầu tư đúng mức đối với các làng nghề truyền thống, di tích lịch sử tại khu vực nông thôn…”, ông Tiến nhấn mạnh.

NHÓM PHÓNG VIÊN

;
;
.
.
.
.
.