Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được Huyện ủy, UBND huyện Hòa Vang triển khai sâu rộng, trên tất cả lĩnh vực đã góp phần phát triển kinh tế, ổn định cơ sở hạ tầng và tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được huyện Hòa Vang triển khai sâu rộng, trên tất cả lĩnh vực. TRONG ẢNH: Người dân thôn Phú Sơn Nam, Hòa Khương được vận động hiến đất để phục vụ dự án đường vào Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đà Nẵng. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Bám sát cơ sở
Quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng tại huyện Hòa Vang diễn ra mạnh mẽ, với hơn 250 dự án triển khai trên địa bàn 11 xã. Để có quỹ đất cho dự án, hàng chục ngàn hộ dân nằm trong diện di dời, giải tỏa. Đơn cử, tại xã Hòa Liên, đến năm 2022 có hơn 40 dự án, gần 3.000 hộ nằm trong diện giải tỏa, trong đó 1.649 hộ buộc di dời hẳn. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu Đảng ủy, UBND xã Hòa Liên triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm lợi ích cao nhất cho người dân vùng dự án. Nhờ đó, đến nay đã có hơn 2.900 hộ (hơn 8.000 nhân khẩu) tự nguyện di dời, góp phần bảo đảm tiến độ các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn, như dự án Đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn - Túy Loan), đường Nguyễn Tất Thành nối dài, dự án quy hoạch phân khu công nghệ cao Đà Nẵng...
Trực tiếp làm công tác dân vận, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Hòa Liên kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải thích rõ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Các cấp hội phụ nữ trở thành cầu nối chuyển tải nguyện vọng chính đáng của người dân đến cấp có thẩm quyền.
Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Liên Ngô Thị Thanh Hà, công tác vận động di dời, giải tỏa thời gian đầu gặp không ít khó khăn do người dân còn tâm lý ngại thay đổi, yêu cầu tăng giá đền bù... Từ yêu cầu thực tế, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy xã Hòa Liên, Hội LHPN tham gia ban chỉ đạo, tổ vận động giải phóng mặt bằng theo phương châm bám sát cơ sở, lắng nghe ý kiến người dân. Những chính sách giải phóng mặt bằng được các cấp hội phổ biến công khai, minh bạch, nói đúng, nói trúng, tránh tạo tâm lý hoang mang. Ngoài thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, hội viên Hội LHPN xã tự nguyện hiến hơn 4.000m2 đất phục vụ công trình, dự án.
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, người dân Hòa Vang đã đóng góp 499 tỷ đồng, tự nguyện hiến 178.000m2 đất các loại (trong đó chủ yếu đất ở khu dân cư), chấp hành giải phóng mặt bằng; các cơ quan, đơn vị quận, thành phố hỗ trợ trên 124,5 tỷ đồng và 64.873 ngày công. Hiến hơn 200m2 đất cho dự án đường vào nghĩa trang thành phố, ông Hồ Văn Giải, thôn Phú Sơn Nam (xã Hòa Khương) cho hay bản thân cảm thấy vui vì góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, đồng thời góp phần tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Ông Lê Văn Hùng Vương, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang cho rằng, để xây dựng Hòa Vang thành đô thị giàu bản sắc, cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện phải là người chủ động gìn giữ, phát huy các giá trị sẵn có, xem đó là nhiệm vụ hàng đầu hướng đến xây dựng cộng đồng dân cư có lối sống bảo vệ môi trường, cảnh quan, bảo vệ rừng, nguồn nước, di tích lịch sử, văn hóa và ứng xử văn minh nơi công cộng. Theo ông Vương, những điều này phụ thuộc rất nhiều vào kết quả tuyên truyền, vận động ở cơ sở nhằm tạo sức mạnh đồng thuận trong toàn dân.
Lan tỏa phong trào thi đua dân vận khéo
Từ năm 2020 đến nay, Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành 20 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác dân vận trên địa bàn huyện. Cùng với đó, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát và thực hiện sơ kết, tổng kết các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, về công tác tôn giáo, dân tộc một cách nghiêm túc, chất lượng.
Ông Bùi Nam Dũng, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Hòa Vang khẳng định, nhờ làm tốt công tác dân vận, nhiều chủ trương, chính sách lớn trên địa bàn được người dân ủng hộ. Bên cạnh đó, để công tác dân vận hiệu quả, đi vào chiều sâu, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể đã hưởng ứng, phối hợp, tổ chức phát động, triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Nhiều tập thể, cá nhân điển hình được tuyên dương, khen thưởng và nhân rộng trong toàn huyện, tạo cơ sở tăng mức thu nhập trung bình cho người dân lên 85 triệu đồng/năm vào năm 2025.
Huyện ủy Hòa Vang cũng tích cực phát huy vai trò của mặt trận, đoàn thể và nhân dân trong công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí... Cụ thể, Mặt trận các cấp đã chủ trì, phối hợp thực hiện giám sát 3 chuyên đề, 82 vấn đề, vụ việc; phản biện 19 dự thảo đề án, cũng như tổ chức giám sát thường xuyên hoạt động đại biểu dân cử, công tác giải phóng mặt bằng, lĩnh vực đầu tư công, xây dựng cơ bản, đầu tư xây dựng nông thôn mới... Qua đó, phát huy quyền làm chủ của người dân, bảo đảm quyền và lợi ích của người dân, đặc biệt người dân vùng dự án.
Ông Bùi Nam Dũng cho hay, thời gian tới Ban thường vụ Huyện ủy sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, gắn với thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 7-6-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn thành phố, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đồng thời, tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp, tập trung nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời đơn, thư, khiếu nại, tố cáo của công dân và các kiến nghị, phản ánh của nhân dân ngay từ cơ sở.
HUỲNH LÊ