Sở Tài nguyên và Môi trường đã tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các chương trình, dự án hợp tác bảo vệ môi trường nhằm huy động các nguồn vốn, tăng cường năng lực khoa học - công nghệ, tiếp thu kinh nghiệm của các nước và tổ chức quốc tế, đóng góp vào công tác quản lý môi trường ở thành phố.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (thứ 4, bên phải sang) tiếp đoàn công tác của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam ngày 21-6-2023. Ảnh: K.H |
Trong giai đoạn 2021-2024, thành phố có trên 10 cơ quan, tổ chức với hơn 13 chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ kỹ thuật về môi trường với tổng kinh phí tài trợ hơn 83 tỷ đồng. Đó là Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA), Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR), Chương trình “Thành phố sạch - Đại dương xanh” (CCBO), Tổ chức phát triển quốc tế (iDE), Trung tâm học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&Learn), Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh (Green Hub)...
Thành phố còn nhận được sự quan tâm, đề nghị của các mạng lưới khu vực, toàn cầu, trong đó có Mạng lưới thỏa thuận toàn cầu của các thị trưởng trong lĩnh vực khí hậu và năng lượng (GCoM) của Liên minh châu Âu. Các nội dung hợp tác kỹ thuật ngày càng đi vào chiều sâu, gồm hầu hết các lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trường như xây dựng chính sách, luật pháp về bảo vệ môi trường; cải thiện chất lượng môi trường; quản lý chất thải rắn; kiểm soát ô nhiễm; bảo tồn đa dạng sinh học; ứng phó biến đổi khí hậu; vấn đề rác thải nhựa đại dương; công tác quản lý môi trường biển...
Đặc biệt, trong giai đoạn 2020-2023, thành phố đã tiếp nhận, phối hợp triển khai 2 dự án hỗ trợ kỹ thuật về công tác bảo vệ môi trường thuộc Chương trình Local Works do USAID khởi xướng. Qua quá trình thực hiện, đã có hơn 25 sáng kiến về bảo vệ môi trường thành phố Đà Nẵng được nghiên cứu; 14 đối tác địa phương trực tiếp được xây dựng; 19 tổ chức được huy động; 4 tổ chức khoa học kỹ thuật cùng hơn 100 cán bộ, nhân viên làm công tác môi trường được nâng cao năng lực về quản lý và thực hiện; 55.000 lượt người tham gia trực tiếp các hoạt động và 5 dữ liệu về quản lý môi trường được thiết lập.
Các hoạt động của dự án hợp tác quốc tế luôn gắn với nhu cầu địa phương như xây dựng khu dân cư bền vững, quản lý môi trường ở các lưu vực sông, hồ như sông Phú Lộc, âu thuyền Thọ Quang, triển khai các mô hình thí điểm về xử lý để tăng tỷ lệ tái sử dụng nước, phối hợp triển khai các hoạt động của Ban điều phối lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn…
Có thể kể đến một số kết quả nổi bật như thông qua dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” (LSPP) được GreenHub triển khai với nhiều mô hình hiệu quả, thu hút sự tham gia tích cực từ cộng đồng. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã thành lập 7 CLB sống xanh tại 7 quận, huyện với 126 thành viên hoạt động thường xuyên, vận động nhiều người dân tham gia phân loại, thu gom hơn 30.000 vỏ lon nước, gần 1.500 tấn rác nhựa, hơn 700 tấn giấy, hơn 750 tấn kim loại.
Số tiền thu được từ việc thu gom, bán các loại rác tái chế nói trên đã hỗ trợ 98 người, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trung tâm nghiên cứu xây dựng năng lực thích ứng (CAB) triển khai mô hình “Trường học xanh, nói không với rác thải nhựa” tại ở 3 trường tiểu học với hơn 2.000 học sinh và hơn 60 giáo viên tham gia xây dựng các hoạt động truyền thông 2 chiều về thay đổi hành vi đối với môi trường, sử dụng các sản phẩm nhựa, giảm thiểu rác thải nhựa...
Từ đó, nhà trường đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Tài nguyên và Môi trường các quận, huyện xây dựng bảng nội quy xây dựng trường học xanh đối với học sinh và giáo viên, xây dựng chính sách mua sắm giảm nhựa đối với văn phòng phẩm, ăn uống, bố trí đủ thùng rác...
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục vận động, thu hút, thực hiện và quản lý có hiệu quả nguồn hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường từ các hoạt động hợp tác quốc tế để triển khai hiệu quả đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố môi trường, hướng đến đô thị sinh thái.
NGUYỄN THỊ KIM HÀ